NSND Trần Phương: Không có tình yêu cuối
NSND Trần Phương sững sờ khi nghe tin NSND Bạch Diệp mất. Ông chỉ vào chiếc ghế mà lúc còn sống NSND Bạch Diệp vẫn thường ngồi khi đến hàn huyên với ông rồi lặng đi rất lâu, câu chuyện lẫn lộn hiện tại và quá khứ. Ông thuộc thế hệ đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Cái tên Trần Phương gắn liền với anh chàng A Phủ trong bộ phim “Vợ chồng A Phủ”, một dấu mốc lớn trong cuộc đời đưa ông đến đỉnh cao của nghệ thuật thứ Bảy. Ký ức đã đi rất xa, nhưng niềm đam mê nghệ thuật trong ông chưa bao giờ cạn.
Cách đây không lâu, một người bạn thân của đạo diễn Trần Phương, đạo diễn Trần Vũ mất. Giờ lại đến NSND Bạch Diệp. Ông cũng buồn lắm. Khoảng trống đó càng ngày càng lớn. Không có gì bù đắp nổi. Trần Phương vừa đi mổ mắt về. Năm kia đi làm phim về Tướng Nguyễn Bình, không may ông bị ngã gãy chân. Thế là giờ, cái chân cứ đi cà nhắc. Trong căn nhà nhỏ, hơn 10 năm nay, Trần Phương sống một mình. Buồn. Cô độc. Các con ông đều có gia đình và cuộc sống riêng. Người vợ hiền của ông cũng đã mất từ lâu. Tôi thấy nỗi buồn, cô quạnh của tuổi già đang hiện hữu trong căn nhà nhỏ của ông. Một đạo diễn, từng tung hoành từ Nam ra Bắc, từng nổi tiếng với những vai diễn để đời như A Phủ...
Thế nhưng, tuổi già, lại phải đối diện với nỗi cô đơn lẻ bóng. Âu cũng là quy luật của một kiếp người. Tôi không hiểu ông sẽ xoay xở ra sao với những lo toan đời thường. Trong câu chuyện với tôi về tuổi trẻ, về phim ảnh, Trần Phương không tránh khỏi nỗi buồn. Tâm hồn ông, trái tim ông, dường như chưa bao giờ thôi khát vọng đi, được làm việc và được dâng hiến.
Mới năm ngoái, gọi điện cho ông, thấy giọng của ông còn sang sảng, hăng hái lắm: Chú đang đi làm phim. Thế mà giờ đây, ngồi một mình trong căn nhà vắng bóng người này, ông tiếp tôi với giọng trầm đục và buồn.
Đạo diễn - NSND Trần Phương
Trong câu chuyện nhuốm màu hoài niệm, ông kể về cuộc đời mình: “Tôi sinh ra trong một gia đình nhà quê, bố làm thợ may, mẹ buôn bán ở chợ Thái Nguyên. Điện ảnh là một cái gì đó thật xa vời. Tôi may mắn được anh ruột của cụ Phạm Duy là cụ Phạm Duy Nhượng, là thầy giáo văn hóa của tôi. Ông cụ cũng lãng mạn lắm. Ông mê sân khấu, tổ chức những buổi biểu diễn, và cho tôi làm diễn viên, như vở “Lưu Bình - Dương Lễ”. Rồi làm quen dần với nghệ thuật sân khấu. Sau này, tôi được cụ Thế Lữ dạy về sân khấu và được ở gần với các cụ, tôi học được ở các cụ rất nhiều điều. Thế Lữ là người dạy tôi rất nhiều, rồi tự mày mò, học hành mà tìm ra. Làm phim cũng giống như cuộc đời, phải sống với nó và nó ngấm vào máu mình lúc nào không biết.
Rồi tôi đi theo cách mạng, Thái Nguyên giải phóng, con trai Thái Nguyên đi làm thợ. Số tôi rất may, tôi lại được làm thợ tiện cho ông Trần Đại Nghĩa, ông ấy luôn có những ý nghĩ rất lạ lùng. Tôi hỏi ông: Bác đi Đức, đi Pháp, bác thấy những người thợ bên đó giỏi thế nào. Ông hóm hỉnh, không có ai giỏi bằng cháu đâu. Số tôi may thế, làm ở lĩnh vực nào cũng được gặp những người nổi tiếng. Rồi do một lần bất cẩn tôi bị cụt ngón tay, không làm thợ được nữa, chuyển qua bộ đội, vào Phòng Chính trị khu 1, lại ở chung với Hội Văn nghệ Trung Ương, tôi được gặp nhà thơ Tố Hữu và được mời làm thư ký cho ông ấy”.
Thật bàng hoàng khi nghe tin Bạch Diệp mất. Bạch Diệp là người tốt, mạnh mẽ, năng nổ, làm việc cứ như đàn ông ấy. Tôi may mắn được vào vai chính trong bộ phim “Ngày lễ Thánh” của Bạch Diệp. Chị ấy học lớp đạo diễn đầu tiên thì tôi đã là diễn viên rồi. Mỗi lần làm việc với Diệp, tôi có cảm tưởng chị ấy như là đàn ông, còn tôi là phụ nữ. Chị ấy kỹ tính trong nghề và rất quyết đoán. Thế hệ chúng tôi đã ra đi gần hết rồi. Đó là một thế hệ đã làm nên nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam, với rất nhiều tâm sức. Hồi đó, chúng tôi sống với nhau dễ chịu, yêu thương nhau nhiều lắm. Họ làm việc lặng lẽ và ra đi cũng lặng lẽ. Bạch Diệp mạnh mẽ, cứng cỏi trên trường quay, nhưng trong đời sống riêng lại nhiều trắc trở. Cuộc hôn nhân với nhà thơ Xuân Diệu chóng vánh. May sau này Diệp lấy được một người chồng tốt, biết chia sẻ và quan tâm đến chị ấy. Tôi nhớ, nhiều lần đi quay phim, chồng của Bạch Diệp còn mang cà phê cho chúng tôi uống, rất ân cần, chu đáo. Chắc là cuộc sống đã bù đắp cho Bạch Diệp. |
Đến với nghệ thuật bằng bản năng. Vai diễn đầu tiên của Trần Phương, A Phủ trong “Vợ chồng A phủ” đã đóng đinh tên tuổi ông trong làng điện ảnh. Đến bây giờ, mọi người vẫn quen gọi ông bằng cái tên gần gụi đó. Ông nói, thời đó, đi làm vất vả nhưng vui lắm. Đó là những năm 1961-1962, ông lên vùng cao, sống với người Mông hàng năm trời để làm quen với ngôn ngữ, phong tục tập quán của họ. Sống đã rồi mới diễn. Vì thế, chàng A phủ của Trần Phương là một sự hóa thân trọn vẹn, hoàn hảo. Gần gụi với người Mông đến nỗi, ông có thể nói tiếng Mông với người Mông. Vốn sống, vốn văn hóa ông tích lũy được đã giúp Trần Phương chinh phục nghệ thuật thứ Bảy một cách dễ dàng.
Hồi đó, may mắn khi ông đươc chuyển qua làm thư ký cho Tố Hữu, Trần Phương có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng: Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng... Thời đó, ông còn may mắn được Thế Lữ dạy về sân khấu, rồi chơi với các cụ, học được rất nhiều điều ở Trường Văn nghệ Nhân dân. Ông được hấp thụ cả một bề dày văn hóa của các cụ.
Trần Phương hào hứng kể: “Như tôi nói, làm phim cũng giống như cuộc đời, phải sống với nó và nó ngấm vào máu mình lúc nào không biết. Đi làm phim, tôi chỉ nghĩ, mình phải sống như thật. Chính cụ Nguyễn Tuân đã dạy tôi bài học đầu tiên về đóng phim. Cụ ở Tây Bắc về, gặp nhau ở ngã ba Tuần Giáo. Biết tôi đóng A Phủ, cụ hỏi, cậu hiểu thằng A Phủ thế nào. Lúc đó tôi cũng hơi lý thuyết. Cụ cười, cậu đóng phim phải hiểu A Phủ sống thế nào, sinh hoạt ra sao, đi chơi thế nào. Sau đó, tôi sống cùng với người Mông, hiểu phong tục, tập quán của họ, lăn lộn cả năm trời. Do vậy, tôi mới rút được kinh nghiệm, làm nghệ thuật phải sống với đời, từ đó phả vào nghệ thuật, như thế nghệ thuật mới không giả dối. Rồi sau này, vào vai chồng chị Tư Hậu, năm 1962, tôi chưa biết gì về miền Nam, nên lăn lội với bộ đội tập kết, và vào vai cũng rất Nam Bộ. Mình cứ sống, tìm hiểu đời sống nó phả vào mình rồi trả lại cho nghệ thuật từng vai diễn”.
Nghệ thuật đi từ những gì chân chất nhất của cuộc sống. Những vai diễn góc cạnh nhưng giản dị và gần gụi của Trần Phương đã ám ảnh người xem. Nhưng, với một nghệ sĩ lớn như ông, và thế hệ ông, họ không màng đến chuyện tiền bạc hay danh tiếng. Ông bảo hồi đó mình hồn nhiên lắm, mình không nghĩ mình là cái gì đâu. Thù lao cũng rất là thấp, được 6 xu mỗi thước phim. Sau đó cuộc đời cứ lăn lộn, đi suốt mà. Đến bây giờ, Trần Phương cũng không nhớ hết những vai diễn của mình, khoảng 20 phim vào vai chính, “Vợ chồng A Phủ”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Biển gọi”... Những vai diễn để đời đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử điện ảnh Cách mạng Việt Nam trong những ngày đầu.
Nhưng ông không dừng lại ở đó. Sự nghiệp của Trần Phương còn rực rỡ khi ông xuất hiện với vai trò đạo diễn, với hàng loạt những bộ phim phản ánh những sắc màu đa chiều của thế giới tâm hồn con người. Ông biết lượng sức mình. Thời gian không chờ đợi ai. Với người nghệ sĩ, thì thời gian thật nghiệt ngã. Và Trần Phương chuyển sang làm đạo diễn. Bằng sự nhạy cảm của tâm hồn nghệ sĩ, bằng tình yêu điện ảnh và bằng tài năng thiên bẩm, ngay bộ phim đầu tay, “Tội lỗi cuối cùng” của Trần Phương dành giải Bông sen Bạc trong liên hoan phim năm 1979.
Trần Phương quan niệm, đóng phim, hay làm đạo diễn cũng đi ra từ cuộc sống với đủ sắc màu của nó. “Ngày đó, tôi mời Trịnh Công Sơn tham gia viết nhạc cho phim. Tôi và Sơn và Phương Thanh còn vào trong trại cải tạo, sống cùng các phạm nhân ở để hiểu về đời sống của họ.Tôi nhớ, có lần một phạm nhân nữ nói với Sơn, anh Sơn ơi, nhớ đời quá. Cũng từ cái tứ đó mà Sơn viết, “Đời gọi em biết bao lần”.
Đời Trần Phương lang bạt kỳ hồ từ Bắc vào Nam. Có một dạo, đạo diễn và diễn viên miền Bắc nam tiến để kiếm sống. Đó là thời của những bộ phim ăn liền, thu về rất nhiều tiền. Đôi khi, vì cuộc sống mưu sinh, Trần Phương phải thỏa hiệp với chính mình, đi làm thuê những bộ phim giải trí. Nhưng cuộc mưu sinh ấy, không vì chính ông, mà vì đồng nghiệp, vì sự tồn tại của Hãng phim truyện qua thời gian khó.
NSND Trần Phương và NSƯT Đức Hoàn trong phim "Vợ chồng A Phủ”
Thời đó, ông được cử vào Nam kiếm sống đúng nghĩa. Cái tên Trần Phương như một sự đảm bảo thương hiệu cho những bộ phim ăn khách vì thế, các nghệ sĩ trong Nam rất thích thuê ông. Hàng loạt những bộ phim ông làm ra như: “Săn bắt cướp”, “Dòng sông hoa trắng”, “Thủ môn từ trên trời rơi xuống”... đều trở thành những “cái đinh” của các chiến dịch phát hành phim trên cả nước với lãi suất cá biệt có những thước phim lên tới gần gấp 5 lần tiền vốn bỏ ra. Tiền kiếm được, ông gửi ra Bắc, chia sẻ cùng anh em, đồng nghiệp. Có lẽ cũng vì thế mà 70 tuổi, ông vẫn xông pha trên “chiến trường” mà không về hưu. Hãng phim truyện muốn giữ tôi lại. Còn với ông, về hưu hay không cũng chẳng quan trọng.
Giờ mỗi lần đi qua Hãng Phim truyện, buồn lắm. Thế mà, ngót nghét đã mấy chục năm. Giọng ông trĩu xuống. Nỗi buồn tiếp nỗi buồn. “Người ta gần như quên chúng tôi rồi. Giờ họ làm phim cứ quy ra tiền hết hay sao ấy. Chứ thời tôi làm, có tính toán gì đâu. Chỉ vì đam mê mà làm thôi”. Thời đó, Trần Phương dù làm phim nghệ thuật hay phim thị trường thì ông vẫn giữ cái nhìn về cuộc đời ấm áp, yêu thương.
Ông nói: “Có lẽ do nhân sinh quan của tôi thế. Buồn nhất là bây giờ mọi thứ mình xây dựng rất nhiều, nhưng tan hết, thời chúng tôi đã xây rất nhiều, nhưng bây giờ, cuộc sống hiện đại hơn, được đầu tư hơn thì phim không còn bóng dáng của ngày xưa nữa. Đôi lúc tôi tự hỏi, chẳng lẽ mình cổ hủ đến thế sao, không bắt nhịp kịp sự thay đổi của điện ảnh hôm nay sao. Nhưng thay đổi gì thì cũng phải có những bộ phim neo vào khán giả chứ”. Hồi đó, làm phim thù lao ít ỏi, đôi khi còn không đủ tiền để mua vé đãi bạn bè. Với những bộ phim cháy hàng như “Tội lỗi cuối cùng”, Trần Phương phải vét cạn túi để mua vé tặng bạn. Thế mà, đam mê rồi quên hết mỏi mệt.
Trần Phương ngước nhìn đồng hồ. Đã đến giờ ăn trưa. Cuộc sống cơm niêu nước lọ một mình, buồn lắm. Những buổi chiều, ông lại lang thang ra Hồ Tây, đi bộ hay ngồi tán gẫu với bạn bè. Câu chuyện đời, chuyện nghề hay những nỗi buồn thế thái nhân tình. Những lúc đó, ông thấy mình như trẻ lại. Ông vẫn thèm được rong ruổi trên những chuyến đi. Những lời mời làm phim khiến tâm hồn ông rạo rực. Thế nhưng, tuổi già và sức khỏe đã níu chân ông ở lại ngôi nhà này. Ông kể: “Các con tôi đều đã có gia đình riêng, tôi không muốn làm phiền chúng nó. Tôi tự lo được cho mình”. Tôi thấy cay xè sống mũi. Bởi đáng lẽ giờ đây, ông phải được tận hưởng niềm vui tuổi già bên sự sum vầy của gia đình và con cái chứ không phải lọ mọ một mình. “Đứa con trai mà tôi gửi gắm nhiều hy vọng, hồi đi học đạo diễn ở Ba Lan bị tai nạn mất. Còn lại không đứa nào theo nghề của bố. Âu cũng là số phận”. Ông lại thở dài.
Nếu có một mong muốn cuối đời, NSND Trần Phương nói, ông muốn làm phim đến hơi thở cuối cùng. Con người ông sinh ra cho những chuyến đi, cho hành trình sáng tạo không mỏi mệt. Ông sợ phải ở nhà, ngồi đối diện với chính mình để thấy những ảo tưởng, những khát vọng cứ vỡ tan mà mình thì bất lực.
Tôi hỏi về những mối tình trong cuộc đời ông, Trần Phương cười. Một nghệ sĩ tài hoa như ông, chắc hẳn sẽ có nhiều mối tình đáng nhớ. Và tình yêu, là cảm hứng cho sự sáng tạo. “Tình yêu ắt cần có trong cuộc đời, không có tình yêu không sáng tác được. Yêu cái gì đây, yêu như thế nào. Tôi từng nghĩ không có tình yêu lần cuối. Giờ mình vẫn yêu cuộc đời này lắm. Không có tình yêu cụ thể. Tình yêu trai gái quyện vào tình yêu công việc. Trong cuộc đời, tôi nghĩ tốt hơn là gắn tình yêu với công việc. Những mối tình đã đi qua, quyện vào với nhau trong công việc, nó sẽ đẹp hơn”.
Thế hệ NSND Trần Phương, NSND Bạch Diệp chẳng còn mấy ai. Trần Phương lo lắng, không biết rồi đây nền điện ảnh Việt Nam sẽ đi đến đâu nếu không có sự dấn thân và bứt phá. Một dự thảo về điện ảnh được vạch ra với đầy những ảo tưởng càng khiến ông lo ngại… Nhưng mà, lực bất tòng tâm. Thế hệ ông đã thuộc về quá khứ rồi. Ông chỉ thấy nỗi buồn nặng trĩu, như một người đã trót đeo gông. Tình yêu điện ảnh, với ông là vậy đấy… Và với Trần Phương, nó không bao giờ là tình yêu cuối…
Ông tên thật Trần Đức Phương, sinh ngày 10/4/1930, quê ở Thái Nguyên. Trước khi đến với điện ảnh, ông chưa từng học qua bất cứ trường lớp đào tạo diễn viên hay đạo diễn điện ảnh nào. Năm 16 tuổi, ông rời trường học, tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1952, ông là một trong những học viên đầu tiên của Trường Văn nghệ Nhân dân được thành lập tại Chiến khu Việt Bắc. Ông tham gia nhiều thể loại, theo học kịch với Thế Lữ, Song Kim, Đoàn Phú Tứ, học văn với Nguyên Hồng, Tô Hoài, học chèo với Năm Ngũ, Cả Tam, tham gia đóng ca kịch Hòn đá của Đỗ Nhuận... Năm 1955, ông trở thành diễn viên của Xưởng Phim truyện Việt Nam. Năm 1959, ông tham gia đóng bộ phim đầu tiên “Vợ chồng A Phủ” (đạo diễn Mai Lộc, kịch bản Tô Hoài), nổi lên nhờ khắc họa thành công vai A Phủ. Sau đó ông liên tục gây ấn tượng với khán giả qua nhiều vai diễn trong các bộ phim giờ đã trở thành kinh điển của điện ảnh Việt Nam như: Khoa - chồng Tư Hậu - trong “Chị Tư Hậu” (1962), Khiêm trong “Tiền tuyến gọi”, Sơn trong “Biển gọi”, Tiệp trong “Ngày lễ thánh”, Lực trong “Vợ chồng anh Lực”... Khi trở thành đạo diễn, ông cũng gặt hái được nhiều thành tựu. Bộ phim truyện gây cơn sốt vé khắp các rạp trong Nam và ngoài Bắc của ông là “Tội lỗi cuối cùng” (1980). Phim giành giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5, Phương Thanh trong vai Hiền “cá sấu” giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Bộ phim “Hy vọng cuối cùng” (1981) với sự tham gia của diễn viên Đặng Tất Bình và Như Quỳnh đã giành giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 và ông cũng giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Tên tuổi NSND Trần Phương còn được biết tới qua các phim: “Vụ án hồ Con Rùa”, “Dòng thác”, “SBC” (Săn bắt cướp), “Thủ môn từ trên trời rơi xuống”, “Tình ngỡ đã phôi phai”, “Vệt sáng ngược”, “Hai năm nữa anh về”... có doanh thu rất cao. |
Linh Chi