Lo cho giáo dục!
(PetroTimes) - Thiếu đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ, có tâm với nghề, tuyển sinh, đào tạo ồ ạt mà không chú ý đất chất lượng, giáo dục nước ta thực sự đang rất đáng lo ngại!
Việt Nam cần một nền giáo dục có "nội lực" đủ mạnh để phát triển. |
Đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ, năng lực thực sự tại nhiều trường đại học, cao đẳng đang rất thiếu, cùng với cung cách tuyển sinh “ồ ạt” theo kiểu cho đủ chỉ tiêu thực sự làm nhiều người phải “hốt hoảng” giật mình sợ giáo dục… thụt lùi.
Lâu nay người ta vẫn nói nhiều đến câu chuyện “chảy máu chất xám” tại nhiều địa phương, tại nhiều ngành, lĩnh vực. Giáo dục cũng không phải ngoại lệ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nghiên cứu chuyên sau tại các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành.
Có câu chuyện thế này. Cách đây mấy năm, do nhu cầu đào tạo, nghiên cứu, trường Đại học Luật Hà Nội có chủ trương tuyển dụng thêm cán bộ chuyên môn để tham gia công tác giảng dạy tại các khoa và định hướng lựa chọn là ưu tiên những sinh viên ưu tú vừa tốt nghiệp tại trường. Sau khi “soi xét” kỹ, trường cũng chọn ra được vài ba người.
Tuy nhiên, khi nhà trường ngỏ ý muốn mời những sinh viên này ở lại công hiến cho trường thì bằng đủ mọi lý do, họ đã từ chối. Chuyện này thoạt nghe thật lạ bởi ở cái thời này, xin được việc làm nào có dễ, đằng này lại còn được mời làm việc, mà là giảng viên của một trong những trường đại học uy tín bậc nhất cả nước hẳn hoi.
Sau câu chuyện trên, thầy Nguyễn Văn Năm (giảng viên Đại học Luật Hà Nội) bảo: Trong số những sinh viên được chọn, tôi cũng là người trực tiếp ngỏ ý muốn mời một bạn sinh viên người Tuyên Quang về bộ môn của mình làm việc nhưng cũng chỉ nhận được lời cảm ơn và từ chối khéo.
Thầy Năm nói: Thực ra mình cũng hiểu, với những sinh viên như vậy, ra trường xin việc không mấy khó khăn, lương thì thấp nhất cũng phải 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nếu ở lại trường, lương cũng chỉ chưa đầy 3 triệu đồng/tháng (sinh viên đại học hưởng bậc lương 2,34 và chỉ được hưởng 85% lương trong khoảng 2 năm). Với mức thu nhập như vậy, lại phải đi thuê nhà, rồi ăn uống… thì chuyện họ chọn ra ngoài làm cũng có phần hợp lý.
“Lương của đội ngũ chuyên gia, cán bộ nghiên cứu ở nước ta hiện rất thấp nên rất khó thu hút được những người có năng lực, có trình độ” – thầy Năm chia sẻ.
Cũng một câu chuyện khác tại trường Đại học Luật Hà Nội. Do nhu cầu tuyển dụng cán bộ về làm công tác chuyên môn, Trường đã đăng thông báo rộng rãi trên Website của trường với thời hạn cuối là 15/8/2013. Tuy nhiên, đến hết ngày 15/8/2013, số lượng hồ sơ đáp ứng được các yêu cầu nộp về trường quá ít nên nhà trường đã buộc phải gia hạn nộp hồ sơ đến hết tháng 8/2013. Điều này cho thấy một thực tế, những người thực sự có trình độ, có năng lực hiện không mấy hứng thú với công tác giảng dạy, đào tạo hay nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng...
Giáo dục và thậm chí cả các Cục, Vụ nghiên cứu chuyên môn của các Bộ, ngành cũng đang thiếu người tài là một thực tế. Và theo nhận định của nhiều nhà khoa học nếu không có sự điều chỉnh chính sách cho đội ngũ những người làm nghiên cứu thì chỉ vài năm nữa, Việt Nam sẽ mãi dùng lại những “tri thức” của thời xưa cũ mà không thể nâng tầm, mở rộng cũng như tiếp cận các tri thức khoa học hiện đại của nhân loại.
Câu chuyện trên là thực tế hết sức đáng buồn đang xảy ra tại các cấp đào tạo đại học, cao đẳng… của ngành giáo dục. Và nó cũng có thể xem là nguyên nhân không nhỏ dẫn tới những “vết đen” đáng quên xảy ra trong ngành giáo dục vài năm trở lại đây. Người ta giờ đây dường như cũng đã bắt đầu quen dần với cái khái niệm “kinh doanh giáo dục” trong xã hội.
Hiện tượng này là rất nguy hiểm bởi khi mang tư tưởng kinh doanh vào làm giáo dục thì họ sẽ tìm mọi cách tuyển cho kỳ được lượng sinh viên theo chỉ tiêu tuyển sinh để thu phí này, tiền học kia…và để có tiền.
Những ngày qua, xã hội một lần nữa chứng kiến câu chuyện “có một không hai” và chắc cũng chỉ có ở Việt Nam là hiện tượng các trường gửi giấy mời nhập học như kiểu dải tờ rơi quảng cáo đến các đối tượng dự thi kỳ tuyển sinh vừa rồi.
Thật lạ! Ở các nước, sau khi hoàn thành các cấp học phổ thông, người học nếu có nhu cầu thì đều phải thi mà là thi nghiêm túc hoặc có chăng là xét duyệt hồ sơ xin học (chuyện không thi mà duyệt hồ sơ học được khá nhiều nước thực hiện nhưng họ làm một cách nghiêm túc từ các cấp học phổ thông chứ chẳng mấy khi có khái niệm “điểm ngoại giao” như ở nước ta).
Giáo dục nước ta thiếu người tài, tuyển sinh thì ồ ạt và đào tạo thì cũng theo kiểm ồ ạt qua loa nên “sản phẩm” của nó mang tính rủi ro rất cao. Trở lại câu chuyện “khát” người tài của ngành giáo dục mà không ít trường đại học đang đối diện. Có thực tế là hầu hết các trường đào tạo cấp đại học, cao đẳng… không phải là thiếu người, thậm chí có trường còn “phóng tay” tuyển dụng theo chỉ tiêu ở thì tương lai. Mà nói đến chuyện tuyển dụng và tuyển dụng vượt chỉ tiêu… ở ta thì chắc chẳng nói ai cũng hiểu, đồng tiền “dẫn lối” cả.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không có những người làm khoa học giỏi, không có những nhà nghiên cứu xuất sắc, chúng ta có nhưng lại không đủ. Như chúng tôi nói ở trên, chế độ giành cho đội ngũ này hiện là rất thấp, trong khi đó, nếu ra ngoài làm việc họ sẽ giành được các chế độ ưu đãi cao hơn hẳn.
Giáo dục là nền tảng, là “nguyên khí” quốc gia, dân tộc, vậy nên chúng ta cần phải làm mọi cách để cái “nguyên khí” đó mãi vững bền, phát triển, tạo cái gốc cho đất nước đi lên!
Thanh Ngọc
Việc thừa, thiếu giáo viên và “cái khó” của ngành Giáo dục! |
Nên luật hóa lương giáo viên |