Dự án Nhà máy sản xuất Amon Nitrat: Điểm sáng trên đất Thái Bình
Trên quê lúa Thái Bình đang dần hiện hữu một công trình phục vụ cho công - nông nghiệp địa phương và các ngành nghề kinh tế khác. Đó là Dự án Nhà máy sản xuất Amon Nitrat do Tổng Công ty Hóa chất mỏ - Vinacomin (MICCO) làm chủ đầu tư có công suất thiết kế 200.000 tấn/năm. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, được triển khai tại cụm công nghiệp xã Thái Thọ, Thái Thụy, Thái Bình. Dự kiến quý III/2014 sẽ cho ra sản phẩm amon nitrat đầu tiên.
Những ngày “mở đất”
Lãnh đạo Tổng Công ty Hóa chất mỏ - những người tiên phong, gắn bó chặt chẽ từ lúc dự án mới kể lại, Dự án Nhà máy sản xuất Amon Nitrat này chính thức được Chính phủ giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) triển khai từ cuối năm 2007. Đến tháng 5/2008, Tập đoàn giao cho MICCO thực hiện. Ngay khi nhận nhiệm vụ, tổng công ty đã tiến hành khảo sát lại các địa điểm trước đây Tập đoàn đã tìm hiểu. Trong 6 địa điểm chỉ duy nhất có khu vực K9 Mông Dương có thể khả thi hơn, tuy nhiên do đây là dự án có vốn đầu tư lớn, lại có những đòi hỏi khắt khe mang tính đặc thù nên tất cả các địa điểm này đều không phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng lãnh đạo Vinacomin, PVN đến thăm và kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất Amon Nitrat tại Thái Bình
Trong quá trình đi tìm địa điểm xây dựng nhà máy, Vinacomin còn tiến hành hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (GAET) để hình thành liên doanh 3 bên sản xuất amon nitrat. Tận dụng thế mạnh của dầu khí, dự định sẽ xây dựng nhà máy ở Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng do có một số vướng mắc nên dự án lại tìm địa điểm khác. Sau thời gian tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, MICCO chọn khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) bởi xét thấy cơ sở hạ tầng, kết cấu ở đây tương đối phù hợp để đặt nhà máy. Mọi thủ tục cơ bản hoàn tất, “gần như ăn chắc” nhưng cuối cùng, dự án lại không được chấp thuận không chấp thuận nên tất cả lại quay lại điểm xuất phát.
Và phải đến khi tổng công ty quyết định về hợp tác cùng tỉnh Thái Bình với đầy đủ các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, dự án mới được triển khai, địa điểm nhà máy được “chốt” xây dựng tại xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Lòng dân đã phục
Thật khó hình dung chỉ sau chưa đầy 2 năm (khởi công tháng 11/2011) vóc dáng một dự án công nghiệp trọng điểm của Vinacomin đã hiện hữu. Không lâu nữa, nhà máy này sẽ chính thức đi vào vận hành, hứa hẹn tạo ra bước đột phá về giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, đồng thời từng bước hình thành một tổ hợp các dự án công nghiệp lớn tầm cỡ quốc gia trên đất Thái Bình.
Mở đầu câu chuyện về dự án mang tên gọi còn khá xa lạ với nhiều người, Chủ tịch xã Thái Thọ, Thái Bình Nguyễn Ngọc Rinh hồ hởi nói: “Hơn 5 năm về trước, nghe về một nhà máy sản xuất hóa chất sắp xây dựng, lúc đầu chúng tôi cũng lo lắng lắm nhưng nhờ sự tận tình, dẫn giải cụ thể của MICCO nên giờ chúng tôi hoàn toàn yên tâm và tin tưởng”.
Có được như hôm nay thì những người làm dự án đã dành khá nhiều thời gian cho công tác tuyên truyền để dân tin, dân hiểu và ủng hộ cho dự án mang cái tên rất… hóa học. Ông Rinh kể: Nhớ những ngày đầu bà con nông dân không ai hiểu “ni chát” là gì cả, nó giúp ích gì cho bà con? Ứng dụng phổ biến nhất của amon nitrat là làm phân bón do nó có chứa nhiều nitơ (cần thiết cho cây trồng vì cây cần nitơ để tạo ra các protein) và được sản xuất công nghiệp với giá thành lại không đắt. Ở ngành than, ứng dụng amon nitrat khá phổ biến dùng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.
Đối với nông dân thì việc tuyên truyền lại phải theo cách khác, ngôn ngữ phải gần gũi, thật dễ hiểu. Chẳng hạn như nitrat giống như “đạm hai lá” bà con vẫn thường sử dụng, khí thải NOx giống như mùi khét của sét đánh… Mọi vấn đề đều được các cán bộ kiên trì tuyên truyền đến khi người dân hiểu, không còn thắc mắc mới thôi. Sau mỗi buổi họp ấy, Ban Quản lý dự án không yêu cầu người dân trả lời ngay là có ủng hộ cho dự án hay không mà để họ có thời gian ngẫm nghĩ cho thật kỹ. Để thuyết phục người dân hơn, tổng công ty còn mạnh dạn tổ chức một buổi đi tham quan, khảo sát thực tế cho các trưởng thôn, cán bộ xã, cán bộ huyện đến Nhà máy Đạm Phú Mỹ của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) - một nhà máy có công nghệ sản xuất tương tự. Qua quá trình “mục sở thị”, từ cán bộ cho đến người dân địa phương đều tin tưởng tuyệt đối và hết lòng ủng hộ MICCO triển khai dự án.
Trên quan điểm “Hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và địa phương”, MICCO đã xây dựng được mối quan hệ bền chặt, nhất là việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội với địa phương, không chung chung mà được thể hiện qua những việc làm cụ thể như triển khai nâng công suất nhà máy xử lý nước để cấp thêm nước sạch cho dân. Mới đây nhất, MICCO phối hợp UBND xã Thái Thọ khánh thành, bàn giao trường mầm non với tổng mức đầu tư khoảng 5 tỉ đồng, nguồn kinh phí do Vinacomin và MICCO ủng hộ. Ngôi trường mới khang trang thực sự đã làm ấm lòng người dân địa phương, góp phần mang lại tương lại rộng mở cho con em họ. Những việc làm ý nghĩa đã khẳng định dự án là một trong những điểm sáng của tỉnh Thái Bình.
Chờ ngày về đích
Dự án Nhà máy sản xuất Amon Nitrat là dự án có quy mô công nghiệp lớn đầu tiên ở Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 5.800 tỉ đồng, thuộc loại công trình công nghiệp cấp đặc biệt, được xây dựng trên diện tích 18,64ha. Dự án sẽ đạt môi trường tiêu chuẩn châu Âu cũng như các tiêu chuẩn môi trường hiện hành của Việt Nam. Đây là dự án có ý nghĩa lớn trong việc tự chủ, ổn định, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, quốc phòng cho đất nước.
Đến nay, tổng khối lượng công việc cũng như công tác giải ngân đều thực hiện được một nửa. Trong đó, đự án đã hoàn thành công tác san lấp mặt bằng, các công trình phụ trợ (đường nội bộ, xưởng cơ khí, tường rào bảo vệ, rãnh thoát nước...) đã hoàn thành đến 95%; hệ thống điện đã hoàn thành đưa vào sử dụng; riêng gói thầu nhà máy chính (gói thầu quan trọng nhất) đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật, cơ bản hoàn thành thiết kế thi công, lắp đặt tuyến ống ngầm và các bồn chứa hóa chất... đạt hơn 50%. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm từ tháng 9/2014.
Hiện tại nước ta đang phải nhập khẩu hoàn toàn loại nguyên liệu này với khối lượng khoảng 100.000 tấn/năm và dự báo sẽ tăng lên mức 200.000 tấn/năm vào năm 2015. Việc nhập khẩu nguyên liệu như hiện nay phụ thuộc rất lớn vào sự biến động về giá và thuế, ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành sản xuất vật liệu nổ công nghiệp trong nước, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều ngành công nghiệp khác như khai thác mỏ, phân bón, thủy điện, xây dựng, công nghiệp quốc phòng... Khi Nhà máy sản xuất Amon Nitrat chính thức đi vào vận hành sẽ giúp chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu amon nitrat trong nước, khắc phục tình trạng lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu với giá biến động liên tục như hiện nay.
Ngày 14/8 vừa qua, 16 kỹ sư đang làm việc cho Dự án sản xuất amon nitrat của MICCO đã có chuyến đi thực tế tại Nhà máy Đạm Cà Mau. Đây là chương trình hợp tác, hỗ trợ đào tạo giữa Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) và MICCO. Xuất phát từ việc triển khai dự án, quản lý vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau thành công là nhờ kế thừa kinh nghiệm của các dự án, nhà máy đi trước. Vì vậy, việc chia sẻ, hỗ trợ đào tạo cho Dự án sản xuất Amon Nitrat của Vinacomin là trách nhiệm của Đạm Cà Mau, đồng thời thể hiện tinh thần hợp tác hiệu quả giữa hai tập đoàn năng lượng. |
Mạnh Kiên - Hùng Hải