Chủ tịch Quốc hội: Phải có trách nhiệm đến cùng trong việc tiếp dân!
“Người đứng đầu trụ sở tiếp công dân là ai? Nếu người ta không giải quyết thì quyền của dân là gì? Có người giải quyết nhưng lại giải quyết sai thì sao? Chúng ta phải có trách nhiệm đến cùng với người dân” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu vấn đề khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Luật Tiếp công dân sáng 19/8.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Đề cập đến dự thảo Luật Tiếp công dân trình UBTVQH sáng 19/8, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, nếu tiếp dân một cách quá cứng nhắc thì chưa chắc đã mang lại lợi ích cho dân.
Bà Mai đề nghị: Việc đưa vấn đề tiếp xúc cử tri ra ngoài Luật Tiếp công dân phải hết sức cân nhắc. Bởi chính từ tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) người dân mới có điều kiện khiếu nại, phản ánh, đưa đơn...
“Quy trình này có được xem là một phần trong quá trình tiếp công dân không? Mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân sẽ đến trụ sở xã đưa đơn thay vì phải lên tận trụ sở tiếp công dân. Vấn đề quan trọng nhất là người dân được giải quyết thế nào. Luật cũng cần đưa ra tiêu chí cụ thể về trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu” – bà Mai đề nghị.
Trưởng ban Công tác ĐBQH Nguyễn Thị Nương thì nhận định đây là việc làm khó. Thông thường, chỗ nào có cơ quan Nhà nước, thì việc tiếp công dân là thường xuyên. Nhưng thủ tục giải quyết lại quá lâu và nặng nề.
Theo bà Nguyễn Thị Nương: “Tiếp công dân là không có giờ giấc, không kể ngày tháng. Công dân đến là hạnh phúc lớn của chúng ta. Nếu họ không đến mà biểu tình thì rất khó khăn trong công tác quản lý. Dân đến khiếu nại tố cáo, chúng ta nên có trách nhiệm lắng nghe, xử lý kịp thời bức xúc của dân. Vì thế phải có nơi tiếp công dân, có thể chỉ là một phòng để tiếp công dân. Phải cùng giải quyết với các cơ quan khác mới nhanh được”.
Đặt vấn đề đưa luật này ra làm gì, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Ksor Phước phản ánh thực trạng: “Dân đi vòng vèo nhiều mà cuối cùng không hạ hồi được”. Ông đề nghị phải “lấy mục đích phục vụ nhân dân chứ không phải vì Quốc hội hay vì Nhà nước”. Nếu vậy phải hoàn thiện bộ máy Nhà nước để phục vụ nhân dân tốt hơn. Và phải làm rõ vai trò của quốc hội trong việc thực hiện Luật Tiếp công dân.
Ông Ksor Phước cũng có quan điểm khác về thời gian tiếp công dân. Theo ông, việc phản ánh của người dân thì lúc nào cũng được hết, không nên quy định phải đến trụ sở để phản ánh theo giờ hành chính. Khi dân đến gặp tổ chức cơ quan có trách nhiệm là để giải quyết khiếu nại tố cáo. Còn kiến nghị, phản ánh của người dân làm cho bộ máy của ta tốt hơn. Vấn đề này không nên hạn chế về không gian và thời gian.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Ksor Phước.
Ông Ksor Phước băn khoăn trước việc thành lập trụ sở tiếp công dân của Quốc hội, bởi đã có trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước rồi. UBTVQH cần cân nhắc điều này.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, Luật Tiếp dân có 3 hình thức: Tiếp công dân thường xuyên; Tiếp dân định kỳ và Tiếp dân đột xuất. Hiện Chính phủ cũng đang chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu bằng kết nối mạng trên toàn quốc. Đây sẽ làm cơ sở để điều chỉnh tiếp công dân lần này.
Trước thực trạng khiếu nại tố cáo không giảm và còn lòng vòng, ông Tranh cho biết, phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào chiều mai sẽ giải thích rõ hơn về việc này. Nguyên nhân sơ bộ, theo ông Tranh là do nhiều cơ chế chính sách, cũng như trách nhiệm của nhiều cơ quan.
Bên cạnh những thuận lợi có được từ trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đề cập đến nhiều khó khăn, như vấn đề cán bộ bố trí không thường xuyên, lại thường là cán bộ mới, không được đào tạo, chế độ chính sách, trụ sở không được đàng hoàng…
Từ kinh nghiệm thực tế đó, ông Tranh đề nghị cân nhắc có nên thành lập trụ sở tiếp công dân ở Quốc hội không. Bởi các địa phương cho rằng, mặc dù người ta đã giải quyết vụ việc đến nơi đến chốn rồi, nhưng người dân vẫn tiếp tục đi khiếu kiện lên cấp trên, dẫn đến chuyển đơn lòng vòng.
Cuối buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Luật cần xác định rõ: Người đứng đầu trụ sở tiếp công dân là ai? Người này phải chịu trách nhiệm về 4 vấn đề: kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân và phải theo sát đến cùng. Trên cơ sở đó phải phân loại xem phản ánh của người dân đến có đúng địa chỉ không. Nếu không đúng thì trả về, hoặc hướng dẫn cho họ đến đúng địa chỉ. Còn khi đã đúng rồi thì phải chuyển đơn trực tiếp đến cơ quan giải quyết. Thậm chí còn phải có quy định buộc người có trách nhiệm giải quyết ấy sẽ thực hiện trong thời hạn bao lâu.
“Nếu người ta không giải quyết thì quyền của công dân là gì? Người giải quyết nhưng lại giải quyết sai thì sao? Chúng ta phải có trách nhiệm đến cùng với người dân” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trà My