Hãy tôn trọng ý nguyện của cha con “người rừng”!
“Xoay 180 độ như thế đối với hai con người này sẽ làm đảo lộn một cách không có lợi cả về tâm sinh lý, thói quen, cả về sinh học, đôi khi còn nguy hại đến tính mạng của họ” là nhận định của cộng đồng mạng khi bình luận về: Sự kiện cha con "người rừng" sống 40 năm trên cây.
>> Chùm ảnh: Những vật dụng tiền sử của 'người rừng' ở Tây Trà
Mấy ngày nay, báo chí trong và ngoài nước liên tục đưa tin và hình ảnh về hai cha con “người rừng” là ông Hồ Văn Thanh (81 tuổi) và người con là Hồ Văn Lang, khoảng 41 tuổi đã được người dân và Công an huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi)… đưa về tái hòa nhập với dân làng.
Ba cha con người rừng (ở giữa là anh Hồ Văn Tri con ruột ông Thanh)
Và hiện nay cơ quan chức năng đang khẩn trương tiến hành cấp chứng minh thư để nhập hộ khẩu cho cha con Hồ Văn Thanh – Hồ Văn Lang vào hộ gia đình Hồ Văn Tri (người con thứ hai với vợ là Hồ Thị Phương mà ông Thanh thừa nhận).
Tuy nhiên, những hình ảnh và việc làm đó với cha con người rừng (anh Hồ Văn Lang bị còng tay) được đưa về nhà sau 40 năm sống trong rừng sâu gây nhiều tranh cãi trên mạng và có một số ý kiến cho rằng nên tôn trọng ý kiến của cha con người rừng.
Một bạn đọc có nickname Trung Hiếu bình luận: “Có rất đông người đưa hai cha con người rừng trở về nhà, vậy thì làm sao phải lại còng tay anh Lang? Ai cho phép làm điều này vậy? Nhìn họ đâu có vẻ gì là hung dữ. Dù có giúp ích cho họ đi chăng nữa thì cũng phải tôn trọng quyền tự do của họ chứ?"
Nick name thanhhue cho rằng: Chưa chắc việc đưa họ về lại cộng đồng đã là một điều tốt cho họ… và chính quyền cũng đừng vội áp những chính sách nhân khẩu với 2 cha con họ. Cái cần nhất là cho họ thêm thời gian nữa nếu họ không muốn ở lại thì chính quyền và người thân cũng nên tôn trọng ý nguyện của 2 cha con họ”.
“Chưa chắc người rừng cảm thấy thoải mái khi hoà nhập cộng đồng, nếu về được thì họ về lâu rồi”, nick name thuha12 nhận định.
Chị Cẩm Hà (Cầu Giấy) phân tích: hơn 40 năm qua, họ không dùng đến một viên thuốc vậy mà họ có thể sống khỏe mạnh chứng tỏ họ đã hòa hợp được với thiên nhiên nơi đây. Nay mang họ về môi trường chật hẹp, xa lạ trong quan hệ và văn hóa, giống như cá bị đưa ra khỏi nước, con hổ bị ra khỏi rừng... họ sẽ héo mòn mà chết. Hơn nữa, họ sẽ làm gì để sống?
Thậm chí có ý kiến còn lo ngại và cho rằng: "Cha con họ với cuộc sống ổn định và quen thuộc trong rừng sâu ngót 40 năm nay để sống được cùng người thân họ phải mặc quần áo, cầm bát đũa, rồi tiếp xúc với những ánh mắt tò mò, e dè của cộng đồng sẽ làm chính họ bất an, chính họ hoảng sợ, chính họ xa lạ... Xoay 180 độ như thế đối với hại con người này sẽ làm đảo lộn một cách không có lợi cả về tâm sinh lý, thói quen, cả về sinh học, đôi khi còn nguy hại đến tính mạng của họ".
Lá thuốc giúp cha con ông Thanh vượt qua thời tiết khắc nghiệt trong rừng sâu 40 năm qua
Trong một đoạn hội thoại mà báo chí đăng tải gần đây, ông Thanh luôn thốt lên giọng điệu thương nhớ núi rừng: “tra xú mờ gót” (muốn trở về rừng, thăm rẫy). Ở làng có người hỏi anh Lang: “xun manh lé” (thích ở đâu), Lang đáp không chần chừ: “manh gốc” (thích ở rừng). Chứng tỏ trong tâm tưởng ông Lang những thứ hiện đại vẫn không cám dỗ được, ông vẫn muốn tự lực lao động và sống theo cách của riêng mình.
40 năm sống trong rừng cha con ông Thanh đã lao động cật lực, sáng tạo ra những vật dụng đơn sơ từ cây lồ ô để giữ khô lương thực, ớt, thuốc lá cho nhu cầu tự thân. Cái chòi như tổ chim của cha con họ là hình ảnh biểu tượng cho thấy họ hoà hiếu với tự nhiên, ở rừng nhưng không phá rừng. Ông Thanh vốn từng ở dưới núi, từng chứng kiến bao nhiêu nhà bằng gỗ, cha con họ thừa sức đốn gỗ làm nhà theo ý muốn nhưng họ chọn cách tôn trọng tự nhiên khi ở căn nhà nhỏ bé dựng cách sàn đất mấy mét để tránh thú dữ là một cách thân thuộc với núi rừng. Thế nhưng bao nhiêu người nhìn vào căn nhà nhỏ bé đó với ánh mắt e dè và cho đó là quá khổ cực.
Được biết, Chủ tịch huyện Tây Trà có kế hoạch xây nhà cho họ nhưng e rằng, ngôi nhà mà huyện trích ngân sách ra xây sẽ nóng bưng vào mùa hè, và khó khăn sinh hoạt mùa đông theo cách của cha con họ, và chưa chắc họ thích hơn căn nhà tổ chim mà họ yêu thương mấy chục năm phụ tử tình thâm trong đó.
Nên chăng chúng ta phải tôn trọng ý nguyện cha con họ nếu thật sự người cha đã khoẻ. Và hãy để họ tự nhiên như những gì họ đã làm trước đó. Y tế thôn bản, người thân và chính quyền có thể thăm khám hằng tháng, hằng tuần để chăm lo cho người cha. Cuộc sống hiện đại với họ rất nhiều bất trắc, chắc gì đã tốt cho cha con họ. Vậy nên hãy hỏi ý kiến hai cha con và tôn trọng ý nguyện đó, không nên lấy ý kiến gia đình với những chữ ký “đồng ý” kiểu tuyệt đối đồng thuận trong dòng họ để áp đặt vào hai cha con ông Thanh, anh Lang.
Chúng ta nên mừng cho cha con người rừng vì được trở về đoàn tụ với người thân sau bao nhiêu năm xa cách, được trở lại mảnh đất nơi mình sinh ra. Nhưng cũng nên đặt mình vào vị trí của họ để hiểu một sự thật liệu sau 40 năm rời xa cộng đồng cha con họ còn có thể hòa nhập trong khi người cha đã đến lúc sắp "gần đất xa trời", còn người con được cha ôm theo khi còn phải bế ngửa. Và hơn thế nữa là 40 năm qua thế giới của hai cha con họ chỉ có cây cỏ, chim muông và thú dữ? Họ sẽ làm gì để sống cho những ngày tiếp?
Vượt qua nhiều dốc cao dựng đứng, băng qua nhiều ghềnh thác suốt hơn 4 giờ, đoàn công tác của huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) đi "giải cứu" cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh (81 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi, dân tộc Cor) mới tiếp cận được căn chòi lá nằm chót vót trên thân cây cổ thụ ở đỉnh núi APon. Nơi ở của cha con ông Thanh nhìn từ xa như một tổ chim lớn trên cây chò già và được chống đỡ bởi hàng chục cây lồ ô. Cách căn chòi lá vài mét là dòng suối chảy róc rách theo máng hứng làm bằng nửa thân cây lồ ô. Đây là nguồn nước sinh hoạt của cha con ông Thanh. Muốn lên được căn chòi lá này, dân làng phải leo lên chiếc thang làm bằng thân cây rừng được buộc bằng những sợi mây. Mái chòi được lợp bằng các loại lá chuối khô, mây rừng và lá cây sộp đan chồng lên nhau. Ngôi "nhà" rộng chừng 2m2 ám đầy khói tro. Ngoài khoảnh nhỏ làm bếp để sưởi ấm, nấu ăn, khoảng trống còn lại chỉ đủ cho cha con ông Thanh nằm. |
Nguyễn Linh