Những “người rừng” nổi tiếng thế giới
(Petrotimes) - Nhân dịp hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang tái hòa nhập xã hội ngày 7/8 sau 40 năm bỏ làng vào sống giữa rừng sâu, PetroTimes xin giới thiệu một số “người rừng” nổi tiếng khác từng được biết đến trên thế giới.
Cô gái được chó nuôi dạy từ Ukraina
Những cuốn sách của Edgar Burroughs về Tarzan và câu chuyện về Mowgli của tác giả Rudyard Kipling đã được rất nhiều người trên thế giới say sưa đọc từ thời niên thiếu. Tuy nhiên những câu chuyện trên thực tế về cuộc sống của những đứa trẻ được động vật nuôi dạy lại “kém lãng mạng” hơn nhiều. Khả năng quay trở lại hoàn toàn với cuộc sống bình thường của những đứa trẻ hoang dã thường rất nhỏ. Đáng tiếc là phần nhiều những đứa trẻ trên lại là bằng chứng cho thấy, con người không thể phát triển một cách đầy đủ nếu nằm ngoài cuộc sống xã hội.
Định nghĩa về những đứa trẻ hoang dã được dùng để chỉ về những trẻ em đã có một thời gian dài không tiếp xúc với con người (thông thường từ khi còn nhỏ), không cảm nhận được mối quan tâm và tình cảm từ một người khác, không có kinh nghiệm xử sự và giao tiếp xã hội. Thông thường, đó là những trẻ em từ các xứ sở nhiệt đới, là nơi có làng mạc thường nằm sát các khu rừng, không có quá hiếm những vụ động vật bắc cóc trẻ em hay đơn giản là chúng bị lạc trong rừng.
Dự đoán về khả năng thích ứng của chúng đối với xã hội loài người sẽ phụ thuộc vào việc, chúng đã sống với động vật trong bao lâu và từ độ tuổi nào. Nguyên nhân là do trong quá trình phát triển của một con người luôn có những mốc tuổi tác nhất định để anh ta hình thành một kỹ năng nào đó: biết đi bằng hai chân, biết nói, sử dụng các vật dụng sinh hoạt thông thường v.v… Nếu như trong đúng giai đoạn nhất định đó, kỹ năng không có điều kiện hình thành, việc huấn luyện để học đường kỹ năng đó thường rất phức tạp, nếu như không nói là gần như không thể trên thực tế. Những đứa trẻ hoang dã do không được nghe tiếng nói của con người từ thuở nhỏ, nên cho dù sau này được dạy hàng chục từ khác nhau, chúng vẫn không thể nói chuyện một cách đầy đủ và đúng nghĩa.
Nói tóm lại, nếu như một đứa trẻ càng sớm rơi vào môi trường thiên nhiên hoang dã và ở đó càng lâu thì càng khó có hy vọng để nó có thể nhận thức mình là một con người về sau này. Những dấu hiệu chung của “hội chứng trẻ hoang dã” (còn gọi là hội chứng Mowgli) thường là rối loạn về lời nói hay không biết nói, không thể đi thẳng, không có khả năng giao tiếp xã hội, không có kỹ năng sử dụng các dụng cụ ăn uống thông thường, sợ mọi người xung quanh v.v.. Trong khi những đứa trẻ này thường có sức khỏe rất tuyệt vời, có khả năng miễn dịch cao hơn hẳn so với những người lớn lên trong các ngôi nhà thông thường.
Những nhân vật hoang dã nổi tiếng như Mowgli, Tarzan, Romulus and Remus (hai anh em sinh đôi hoang dã) thường chỉ là những ví dụ mang tính huyền thoại đã được thi vị hóa. Còn chuyện thực tế thường lại khắc nghiệt hơn nhiều. Trường hợp phát hiện một đứa trẻ hoang dã sớm nhất từng được ghi nhận là tại tỉnh Champagne (Pháp) vào năm 1731. Khi đó người ta đã tìm thấy trong rừng một cô bé khoảng 9 đến 10 tuổi. Ban đầu, đứa bé còn được tưởng nhầm là người da đen do nó… quá bẩn. Cô bé – được đặt tên là Memmie Le Blanc – lại là một trường hợp cá biệt trong số những trẻ Mowgli do đã không gặp quá nhiều khó khăn khi học tiếng Pháp. Sau một thời gian, Memmie đã có thể nói khá trôi chảy, thậm chí còn cho rằng cô đã bị bắt cóc vào năm lên 7. Nhiều khả năng đây là sự thực, do cô bé khôi phục được các kỹ năng xã hội rất nhanh, sau đó gần như không nhớ gì về cuộc sống cô độc trong rừng trước đây.
Năm 1845, người ta phát hiện gần San Felipe (Mexico) một cô bé chạy bằng 4 chân tay giữa một đàn sói. Khi đó, những “người anh em” của cô đang chuẩn bị tấn công một đàn dê, và cô bé cũng hành động theo như chúng. Một năm sau, cô bé này lại được nhìn thấy khi đang ngấu nghiến ăn một con dê đã chết. Thế là những người dân làng bắt đầu tập trung tìm kiếm và chẳng bao lâu đã bắt được cô bé hoang dã. Những người chứng kiến kể rằng, cô bé thường rống lên trong đêm tối, thu hút những con sói quay trở lại tìm kiếm “chiến hữu” bị bắt giữ. Những thành viên trung thành của đàn sói về sau đã đột nhập vào làng để cứu cô bé thành công. Đến năm 1854, có người lại tình cờ nhìn thấy cô bé đi cùng hai con sói bên bờ sông. Cô ta chụp bắt những con thú nhỏ và chạy vào rừng, để rồi từ đó không ai còn gặp lại nữa.
Cô bé Rohom Pengeng ( 27 tuổi từ Campuchia) quay trở về nhà sau 19 năm, kể từ khi bị mất tích hồi năm 1989 khi mới 8 tuổi, khi đang chăn bò gần khu vực biên giới Campuchia. Cha của cô, nhân viên cảnh sát Ksor Lu, vẫn tin con gái của mình đã bị những con thú hoang ăn thịt. Theo lời Ksor, ông đã nhận ngay ra con gái mình qua vết sẹo trên cánh tay, cho dù cô ta không nói năng gì, đen cháy đến mức không nhận ra, còn mái tóc thì mọc dài và bết lại. Ông Ksor cho rằng, con gái mình trong suốt thời gian mất tích đã sống trong những khu rừng rậm ở Campuchia. Cô tỏ ra rất khó khăn khi làm quen với cuộc sống mới. Trong suốt 4 ngày đầu, cô từ chối tắm rửa, mặc quần áo, dùng đũa để ăn, thường xuyên la hét và khóc. Cô gái, do không thể học nói lại được cũng như làm quen với văn hóa địa phương, lại biến mất một lần nữa vào tháng 5-2010.
Cô gái hoang dã Rohom Pengeng từ Campuchia
Đáng tiếc là ngày càng có nhiều đứa trẻ hoang dã được phát hiện ra không phải trong rừng rậm, mà thậm chí tại các làng mạc và thành phố. Thủ phạm dẫn tới bi kịch này là những người cha mẹ không có khả năng nuôi dạy con, nghiện rượu hay tâm thần, sự thờ ơ của các cơ quan bảo trợ và hàng xóm. Oksana Malya, một cô bé 3 tuổi người Ukraina, bị những người cha mẹ nát rượu của mình bỏ rơi ngoài đường phố. Cô bé đã lớn lên cùng với những con chó hoang trong suốt 8 năm sau đó, ăn những mảnh phomát và thịt lấy từ những đống rác thải. Cô bé thậm chí quên cả những kỹ năng lời nói trước đây, trở thành một thành viên đúng nghĩa của đàn cho hoang. Khi được phát hiện vào năm 1991, Oksana không biết nói, chỉ biết sủa và chạy bằng 4 chân. Dù sao đến năm 12 tuổi, cô bé đã học nói lại được, tuy nhiên vẫn thể hiện những dấu hiệu chậm phát triển rõ rệt. Theo ý kiến của các bác sĩ, Oksana khi ở tuổi 18 chỉ có mức độ phát triển ngang với đứa bé 6 tuổi.
Năm 1996, cậu bé 4 tuổi Ivan Mishukov người Moskva đã chạy trốn khỏi nhà. Cậu được một đàn chó hoang thu thập để trở thành “thủ lĩnh đầu đàn”. Cậu tìm kiếm thức ăn trên đường phố, sau đó chia cho các thành viên trong đoàn, để rồi những con chó lại có nhiệm vụ bảo vệ cho cậu. Cũng chính vì điều này, cảnh sát trong một thời gian dài đã không thể lùng bắt được cậu bé. Ivan cứ sống như thế trên đường phố (chính xác là trong một đường ống hơi nóng) trong gần hai năm. Nhưng cậu không gặp nhiều vấn đề về ngôn ngữ sau khi được đồng loại tìm thấy, do đã biết nói trước khi chạy trốn. Giờ đây, Ivan đang là một học sinh trung học bình thường như bao người khác.
Đầu năm 1996, tại một khu vực xa xôi của Trung Quốc, người ta bắt giữ được một đứa trẻ mình phủ đầy lông được gọi là “cậu bé gấu trúc”. Những người thợ săn đã phát hiện được cậu bé trong một đàn gấu trúc. Đây thực ra đã là trường hợp thứ ba trong lịch sử, khi một đứa trẻ được phát hiện lớn lên giữa một đàn gấu trúc: trước đó trường hợp đầu tiên ghi nhận vào năm 1892, và trường hợp thứ hai vào năm 1923. Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu về cậu bé cho biết, cậu di chuyển bằng cả tứ chi, thậm chí không thể đứng bằng hai chân, không tắm rửa chỉ dùng lưỡi liếm làm sạch bản thân như mèo, ăn lá và chồi non của tre trúc, luôn gãi và khịt như động vật hoang dã, gầm gừ mỗi khi không hài lòng chuyện gì đó v.v…
Điều tra cho thấy, cậu bé từ nhỏ đã bị cha mẹ vứt vào rừng do sợ hãi vẻ bề ngoài: thân thể mọc đầy lông lá do có lệch lạc về gen. Một đàn gấu trúc về sau đã tìm thấy cậu và kết nạp vào “gia đình” của mình. Nếu không tính tới một số khác biệt nhỏ, cậy bé-gấu trúc có hành động chẳng khác gì những “cha mẹ nuôi” của mình. Cậu được người thợ săn 36 tuổi tìm thấy và hiện giờ đang sống cùng gia đình ông.
Mùa thu năm 2003, người ta phát hiện cậu bé 3 tuổi Anton Adamov tại ngôi làng Gorisa (tỉnh Ivanovskya – Nga) có hành động chẳng khác gì một con mèo: kêu meo meo, cào cấu, đi lại bằng tứ chi, cọ lưng vào chân người khác. Hóa ra, trong suốt khoảng thời gian trước đó, cậu chỉ sống và giao tiếp với một con mèo, con vật được người mẹ “giao phó” trọng trách để rảnh tay cho việc… uống rượu.
Tại Volgograd (Nga) vào năm 2008 còn phát hiện ra một cậu bé hiểu được ngôn ngữ của… chim. Cậu bé 7 tuổi này được cứu khỏi tay người mẹ 31 tuổi, người sống trong một căn hộ khép kín có hai phòng cùng những cái lồng chim. Mẹ cậu bé mắc một chứng bệnh rối loạn tâm thần, vẫn cho cậu ăn, không đánh đập cậu, chỉ có điều không hề nói chuyện với con. Hậu quả là cậu bé chỉ học được ngôn ngữ của loài chim. Theo một nữ nhân viên cơ quan phụ trách trẻ vị thành niên, cậu bé chỉ kêu chiêm chiếp như chim khi nói chuyện, trong khi còn vẫy tay như kiểu chim vẫy cánh.
40 năm trước, khi ông Lang tròn 1 tuổi, người cha Hồ Văn Thanh đã mang con vào rừng sống hoang dã. Từ đó đến nay họ chỉ mặc mỗi chiếc khố bện bằng vỏ cây
Nh.Thạch