Xung quanh đề án điều tra tài nguyên bể than Đồng bằng sông Hồng
Sau khi Báo điện tử PetroTimes đăng tải bài phỏng vấn kỹ sư Nguyễn Xuân Nhự, Ủy viên BCH Hội Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Dầu khí Thái Bình và ý kiến trả lời chính thức của TS Nguyễn Quang Hưng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (ĐC&KS) về Đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể Sông Hồng”, Tòa soạn đã nhận được bài viết của ông Nguyễn Xuân Nhự trao đổi thêm về vấn đề này. Được biết, để bảo đảm tính khách quan và cẩn trọng, tác giả Nguyễn Xuân Nhự đã gửi bài viết cho một số chuyên gia về địa chất - khoáng sản trưng cầu phản biện và nhận được nhiều ý kiến tán thành, ủng hộ. Tòa soạn tiếp tục đăng bài viết này và cung cấp một số hình ảnh chụp tài liệu địa vật lý giếng khoan nhằm góp phần làm sáng tỏ thêm vấn đề đang được dư luận quan tâm.
>> Vì sao không đánh giá bằng chính dữ liệu khi thăm dò dầu khí?
>> Điều tra tài nguyên bể than sông Hồng: Đề án được xây dựng khoa học nghiêm túc và khả thi
Xin cảm ơn TS Nguyễn Quang Hưng đã trả lời tôi về các ý kiến liên quan tới Đề án “Điều tra đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể Sông Hồng”. Điều đầu tiên tôi nhận thức được rằng, ý kiến của tiến sĩ cũng là ý kiến chính thức của Tổng cục ĐC&KS Việt Nam về vấn đề này. Sau khi Báo điện tử PetroTimes đăng ý kiến của tôi tại số báo 229 ngày 11/6/2013, có nhiều chuyên gia hàng đầu của “làng” địa chất dầu khí với nhiều năm tham gia thăm dò dầu khí Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đã gọi điện thể hiện đồng tình với quan điểm của tôi. Khi đọc các ý kiến của TS Nguyễn Quang Hưng, tôi lại càng ngạc nhiên hơn và thấy các đề cập của mình chính xác hơn. Do vậy, với ý thức trách nhiệm của một công dân, một trong số các cán bộ địa chất am hiểu về địa chất ĐBSH, tôi xin thẳng thắn trao đổi lại và chứng minh những vấn đề TS Hưng đã nêu:
1. Về tài liệu địa vật lý giếng khoan (ĐVLGK): Tất cả các giếng khoan dầu khí đều đo 2 tỷ lệ 1/500 và 1/200. Trong khi đó, hiện nay các giếng khoan khoan thăm dò than chỉ đo tỷ lệ 1/200. Về số lượng và loại phương pháp đo khảo sát dầu khí hoàn toàn đáp ứng yêu cầu nghiên cứu than. Để lập cột địa tầng tổng hợp tỷ lệ 1/1.000, chúng tôi phải rút gọn từ tài liệu tỷ lệ 1/500, sau đó lập cột địa tầng theo tài liệu này với mục đích riêng. Nhưng, mỗi giếng khoan chúng tôi đều lập báo cáo tổng kết, trong đó có cột địa tầng tổng hợp tỷ lệ 1/500.
Như vậy, muốn nghiên cứu than, ta chỉ việc sử dụng tài liệu đo tỷ lệ 1/200 kết hợp với tài liệu về mẫu (mẫu mùn, mẫu lõi) để lập cột địa tầng tổng hợp. Tôi thật sự không hiểu vì sao các tác giả của đề án lại chỉ nhận được cột địa tầng tỷ lệ 1/1.000. Như vậy, rõ ràng các tác giả đề án đã không tiếp cận đầy đủ tài liệu.
Hình ảnh xác định vị trí và thông số của các vỉa than rất rõ ràng trên tài liệu minh giải địa vật lý giếng khoan ở tỷ lệ 1/200
Theo TS Hưng thì các tác giả của đề án xác định tài liệu sử dụng để xử lý là 2.996,39km tuyến địa chấn 2D và 3.200km tài liệu ĐVLGK để xây dựng mô hình địa chấn… Thật ngạc nhiên là đến thời điểm này mà các tác giả lại còn xây dựng mô hình địa chấn tại ĐBSH. Trong khi đó, các nhà địa chất dầu khí như chúng tôi đã thuộc lòng cấu trúc địa chất ĐBSH. Theo Đề án thì các tác giả chỉ sử dụng 48 giếng khoan, trong đó tài liệu ĐVLGK chỉ dùng của 16 giếng. Ai cũng biết, tài liệu ĐVLGK là hình ảnh “siêu âm” của mặt cắt giếng khoan. Nhờ vậy người ta nhận biết được vỉa than, đọc được chiều sâu, chiều dày các vỉa than đã bắt gặp, từ đó liên kết các tầng chứa than, các vỉa than với nhau và xác định quy luật phân bố than cả về chiều sâu và diện tích tại khu vực nghiên cứu. Như trên đã nói, các giếng khoan dầu khí đều đo ĐVLGK theo 2 tỷ lệ 1/500 và 1/200, trong đó tỷ lệ 1/200 là phù hợp với tỷ lệ đo nghiên cứu than hiện nay, nhưng không hiểu sao các tác giả đề án lại chỉ “biết” đến loại tài liệu tỷ lệ 1/1.000 (tài liệu đã rút gọn chứ không phải tài liệu nguyên thủy). Phải chăng đây là một trong các lý do có tính thuyết phục để đề ra việc khoan thêm 62 giếng trong giai đoạn 2012-2015?
2. Về tài liệu địa chấn: Đây là tài liệu nghiên cứu cấu trúc có độ chính xác cao và tốn khá nhiều tiền, nhưng không hiểu vì lý do gì mà các tác giả lại chỉ sử dụng chưa được 50% khối lượng tài liệu đã có, không những thế lại còn thu nổ thêm 213km tuyến 2D nữa? Xin lưu ý rằng, sơ đồ bố trí mạng lưới địa chấn 2D của đề án lại trùng hợp với nơi có mật độ tuyến địa chấn dày nhất tại ĐBSH mà các chuyên gia dầu khí đã làm. Tại diện tích này có thể vẽ được bản đồ tỷ lệ từ 1/10.000 đến 1/50.000. Việc làm này là quả là lãng phí. Cũng xin nói thêm, trầm tích chứa than nằm trong độ sâu không lớn nên đã thể hiện rất rõ trong các tài liệu địa chấn đã qua nhiều lần xử lý nên cũng không cần tái xử lý nữa. Vì tái xử lý tài liệu địa chấn không rẻ chút nào và tốn khá nhiều thời gian.
3. Về mẫu đánh giá chất lượng than: Đúng là khi nghiên cứu dầu khí, chúng tôi ít quan tâm tới loại mẫu này (ít chứ không phải không). Nhưng, trong các năm 2007-2011, tại ĐBSH, đã có 2 công ty nước ngoài tiến hành nghiên cứu khí than. Họ đã khoan 13 giếng, trong đó giếng nông nhất đạt chiều sâu 403,47m và giếng sâu nhất đạt chiều sâu 1.467,6m trong tầng than Tiên Hưng, địa tầng chứa than chủ yếu của ĐBSH, lấy mẫu 100% địa tầng chứa than và đã phân tích tất cả các chỉ tiêu về chất lượng than. Thông tin này không được các tác giả đề án sử dụng (?). Nếu sử dụng các thông tin cả cũ và mới liệu có cần khoan để đánh giá chất lượng than không khi mà mục tiêu của đề án là điều tra đánh giá tổng thể tài nguyên than?
4. Về con số 210 tỉ tấn than trong Báo cáo “Địa chất và độ chứa than miền võng Hà Nội”: Báo cáo này, như đã nói, tuy đã được Tổng cục Địa chất phê duyệt năm 1985 nhưng là báo cáo có rất nhiều sai sót, mà trước đây chúng tôi không quan tâm, thậm chí các địa tầng Phù Cừ 3 và không có than lại được thống kê có số vỉa than và tổng chiều dày lớn hơn cả địa tầng chính chứa than. Lẽ ra khi có thông tin này, Tổng cục ĐC&KS phải kiểm tra ngay xem có chính xác không nhưng tiếc thay lại chỉ dẫn ra tính pháp lý của báo cáo để bảo vệ ý kiến của mình. Thậm chí còn dẫn ra lỗ khoan số 17 Tiên Hưng (xin thưa không có lỗ khoan nào mang số hiệu số 17 ở ĐBSH). Và nữa “… xác định được sự có mặt của 26 vỉa than với bề dày 1-3m phân bố ở độ sâu 1.243-1.515m”.
Những tài liệu địa vật lý giếng khoan ở tỷ lệ 1:500 và 1:1000 cũng hoàn toàn có thể đủ thông tin để xác định chính xác các khu vực chứa than
Theo tài liệu dầu khí thì than ở khu vực Tiên Hưng xuất hiện chủ yếu ở khoảng chiều sâu 500-960m trong địa tầng Tiên Hưng và ít hơn trong địa tầng Phù Cừ giữa ở khoảng chiều sâu 1.300-1.600m. Khu vực Kiến Xương (LK32) than chỉ có ở khoảng chiều sâu khoảng 600-1.450m. Chắc chắn khoảng chiều sâu này không có được 26 vỉa than. Vậy có phải cứ Tổng cục phê duyệt là đúng hết không? Và nhận xét “báo cáo có khối lượng tài liệu rất lớn, người đọc không được nghiên cứu kỹ, đầy đủ và thiếu chuyên môn sâu sẽ có những nhận xét phiến diện, chủ quan”. Nhận xét này rất đúng và cần bổ sung thêm là nếu xa rời thực tế thì báo cáo sẽ không những không có giá trị mà còn gây hại nữa. Trường hợp này là một ví dụ điển hình (!).
5. Về chiều sâu của 62 giếng khoan trong đề án: Các tác giả đề án dự kiến khoan 62 giếng sâu từ 200-1.000m. Ở ĐBSH mà khoan 200m thì không hiểu thu được cái gì vì ở khoảng chiều sâu này, phần lớn diện tích ĐBSH có lớp phủ trầm tích có tuổi Đệ tứ và Plioxen, không có than. Còn khoan tới chiều sâu 1.000m để đánh giá tài nguyên than ở ĐBSH thì lại không phù hợp vì địa tầng chứa than chính của ĐBSH là trầm tích Điệp Tiên Hưng nằm ở trung tâm ĐBSH phân bố ở độ sâu tối đa 1.300m (khu vực Đông Nam đới nâng Khoái Châu - Tiền Hải). Tại sao đánh giá tài nguyên than mà lại đánh giá lửng lơ giữa địa tầng chứa than chính? Rõ ràng là tài liệu đầu vào của đề án cần được xem xét lại.
6. Về tiến độ thực hiện đề án: “Đề án… được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm giai đoạn 1: Đo địa chấn 213,1km; khoan 62 giếng khoan sâu 200-1.000m… chi dự toán khoảng 500 tỉ đồng, thực hiện từ 2012 đến 2015”. Từ 2012 đến 2015 mà khoan và nghiên cứu được 62 giếng khoan thì phải dùng bao nhiêu giàn khoan đây? Liệu có khả thi không?
7. Về sử dụng tài liệu trọng lực và từ telua: Xin nhắc lại rằng, đây là phương pháp nghiên cứu cấu trúc sơ bộ rẻ tiền áp dụng cho các vùng mới, nó chỉ làm cơ sở cho việc lựa chọn diện tích, còn nghiên cứu địa chấn cho kết quả nghiên cứu cấu trúc chính xác và đắt tiền hơn rất nhiều. Nên khi nghiên cứu cấu trúc địa chất ĐBSH, tài liệu này từ lâu đã không cần sử dụng vì đã có trên 6.000km tuyến địa chấn, gần 100 giếng khoan có chiều sâu từ 1.200m đến trên 4.000m phân bố trên toàn bộ các đơn vị cấu trúc địa chất cấp 2 của miền võng Hà Nội. Mặt khác, chất lượng của các tài liệu này đến thời điểm này đã quá lạc hậu. Điều hết sức mâu thuẫn là trong khi đó, các tác giả đề án lại chỉ sử dụng dưới 50% tài liệu địa chấn. Chúng ta đều biết rằng, tài liệu địa chấn có giá trị nghiên cứu hơn hẳn tài liệu trọng lực và từ telua. Đây là nguyên lý mà bất kỳ một nhà địa chất nào cũng thuộc lòng.
8. Về nghiên cứu chuyên đề: Một báo cáo tổng kết phương án điều tra tài nguyên chắc chắn phải có nội dung (một chương riêng) về cấu trúc địa chất. Vậy tại sao lại tách thành chuyên đề? TS Hưng cho rằng: “Nghiên cứu của ngành Dầu khí là nghiên cứu thạch học liên quan đến cấu trúc chứa dầu khí”. Thật là một nhận xét không dầu khí chút nào. Rất tiếc, các tác giả đề án không biết được các nhà địa chất dầu khí đã có rất… rất nhiều báo cáo về cấu trúc địa chất miền võng Hà Nội. Đến nay, mọi người đã rõ đến mức các đề án, báo cáo khi nghiên cứu về miền võng Hà Nội, chúng tôi coi đây là điều “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nên chỉ đề cập rất sơ lược trong các báo cáo, đề án mới. Ngay phần đầu bài viết, TS Hưng đã chỉ ra “kết quả tổng hợp đã phản ánh được cấu trúc địa chất, xác định được tầng chứa than chính tập trung tại khu vực Thái Bình”. Như vậy, có phải đặt vấn đề nghiên cứu chuyên đề là thừa, là lãng phí không?
9. Tính khoa học của đề án: Trong bài viết của mình, TS Hưng đã dẫn ra rằng, đề án có sự tham gia, thẩm định của rất nhiều nhà khoa học, các bộ, ngành, các hội đồng… Điều này là thực tế. Là một kỹ sư địa chất, tôi rất ngưỡng mộ các nhà khoa học địa chất của Việt Nam, trong đó tập trung rất nhiều ở Tổng cục ĐC&KS. Nhưng điều đáng nói ở đây là tài liệu đầu vào được thu thập, cung cấp không đầy đủ. Thậm chí, các tác giả sử dụng báo cáo cũ không kiểm tra, không so sánh với tài liệu nguyên thủy, nhất là khi đã có ý kiến cảnh báo, cho nên đã dẫn tới nhiều thiếu sót, nhiều ý kiến sai lầm, dẫn tới nhiều bất cập và hậu quả là lãng phí tiền của và thời gian. Với khoa học, địa chất mà thiếu thông tin thì việc đưa ra ý kiến sai lầm là lẽ thường. Đề án này phải chăng là một ví dụ? Thật lạ! Không hiểu vì sao người ta tổ chức nhiều hội thảo thế mà các chuyên gia hàng đầu nghiên cứu địa chất ĐBSH lại không được mời tham dự?! Qua ý kiến của TS Hưng, chúng tôi thấy rõ có rất nhiều nhà khoa học có danh tiếng tham gia đề án nhưng họ lại có quá ít thông tin, không những thế họ được cung cấp thông tin sai về địa chất ĐBSH.
Một nguyên tắc nghiên cứu địa chất rất sơ đẳng là phải sử dụng toàn bộ tài liệu đã có để xem các công trình trước đó làm được gì, tồn tại gì rồi mới đề ra công tác nghiên cứu tiếp theo. Nhưng tác giả đề án lại có quan điểm “công tác tổng hợp, phân tích tài liệu cũ: khối lượng công tác này rất lớn, đòi hỏi không chỉ về thời gian mà cả kinh phí. Bởi vậy, công tác này được tiến hành tiếp tục trong giai đoạn thi công đề án” (trang 49 của đề án). Chỉ riêng quan điểm này đã thấy “mức độ” khoa học của đề án.
Như vậy, chúng ta hình dung được đề án đã được xây dựng khoa học, nghiêm túc và khả thi tới mức nào.
10. Về vấn đề nên tiến hành đánh giá tài nguyên than ĐBSH như thế nào để tiết kiêm, hiệu quả hơn: Với hiểu biết của mình, tôi xin đề xuất như sau: Trước hết cần vận dụng Luật Khoáng sản phù hợp với thực tế nghiên cứu địa chất ĐBSH, phải sử dụng toàn bộ tài liệu đã có (một khối lượng khổng lồ, rất có giá trị) để đánh giá tổng thể tài nguyên than ĐBSH mà không cần hoặc nếu có thì chỉ một vài giếng khoan để kiểm tra là đủ.
Trên cơ sở đó tiến hành quy hoạch, phân chia các diện tích có đặc điểm địa chất, địa lý phù hợp thành các mỏ. Như vậy, báo cáo đánh giá tài nguyên than mới được coi là hoàn thành nhiệm vụ. Công tác thăm dò chi tiết tiếp theo dành cho các doanh nghiệp đầu tư khai thác mỏ. Đây là việc làm hoàn toàn khả thi và rất ít tốn kém ngân sách. Theo tính toán của chúng tôi thì công việc này chỉ cần chi ra khoảng 30 tỉ với thời gian 2 năm (nếu không thi công thêm công trình mới) là hoàn thành công việc. Phải khẳng định rằng, việc khai thác toàn bộ tài liệu dầu khí ĐBSH để phục vụ đề án này không ở đâu tinh nhuệ bằng lực lượng của Hội Dầu khí Việt Nam, nơi tập trung các chuyên gia hàng đầu nghiên cứu địa chất ĐBSH.
11. Có cần chờ kết thúc đề án đánh giá tài nguyên than ĐBSH rồi mới thử nghiệm khai thác khí hóa than ngầm không? Trả lời câu hỏi này, đối với các nhà địa chất dầu khí am hiểu về địa chất ĐBSH là không. Sau khi tìm hiểu về những yêu cầu cần đối với than để áp dụng công nghệ này, có thể nói ngay rằng, với tài liệu sẵn có chúng tôi đủ khả năng giúp Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chọn được vị trí thử nghiệm chính xác, đáp ứng các yêu cầu về chiều sâu chứa than, chiều dày các vỉa than, mức độ tập trung của các vỉa than, cấu trúc địa chất của địa tầng chứa than và vỉa than. Được biết Thủ tướng Chính phủ đã cho phép TKV chọn vùng ven biển Thái Bình làm nơi thử nghiệm. TKV hoàn toàn yên tâm triển khai ngay công việc này. Nếu làm được điều này thì công tác đánh giá tài nguyên sẽ có ý nghĩa hơn, nhất là khi thử nghiệm thành công. Rất đáng để suy nghĩ về công tác đánh giá tài nguyên ở giai đoạn này, dù là cần thiết nhưng nên ở mức độ nào cho phù hợp với thực tế. Sau khi thử nghiệm thành công, việc thăm dò chi tiết sẽ dành cho các doanh nghiệp đầu tư khai thác tiến hành để phù hợp với công nghệ và nhu cầu khai thác của họ.
12. Kiến nghị: Đây là một đề án lớn, ngân sách phải chi ra theo dự toán được phê duyệt là gần 500 tỉ đồng. Trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn như hiện nay, khi mà Quốc hội, Chính phủ phải cân nhắc, tiết kiệm từng đồng thì con số này không phải không có ý nghĩa. Chúng tôi đề nghị Chính phủ chủ trì cuộc trao đổi giữa cơ quan chủ trì đề án, Hội Dầu khí Việt Nam, các nhà khoa học, các chuyên gia có liên quan, có hiểu biết sâu sắc về địa chất ĐBSH nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả nhất để đánh giá tài nguyên than ĐBSH.
Nguyễn Xuân Nhự
(Chủ tịch Chi hội Dầu khí Thái Bình)