Luật sư Trương Quốc Hòe:
Trò chơi điện tử khiến trẻ em chỉ sợ cái “ảo”!
Từng tham gia bào chữa cho nhiều tội phạm tuổi vị thành niên, luật sư Trương Quốc Hòe nhận thấy, một trong những nguyên nhân tội phạm ở lứa tuổi này ngày một tăng cao là do các em thiếu hiểu biết về pháp luật. Cũng theo vị luật sư này, việc các em tiếp xúc với trò chơi điện tử, thông tin bạo lực làm cho các em bị chai sạn nỗi sợ vi phạm pháp luật. Các em chỉ sợ trên tinh thần cái ảo chứ không phải cái thật nên khi các em có hành vi sai trái, các em ấy chỉ nghĩ rằng: à, đến thế là cùng, tức là những xử phạt ấy chưa thấm vào các em nên các em không sợ. Tuy nhiên, Giám đốc Văn phòng Luật sư Interla cũng tin rằng: “Nếu các em được tham gia, tiếp xúc với những chế tài xử phạt, bản thân các em sẽ biết sợ, giúp các em tìm hiểu pháp luật và mong muốn mô hình này có thể nhân rộng”. PetroTimes đã có cuộc trò chuyện với luật sư Trương Quốc Hòe về vấn đề này.
PV: Khi người ta đua nhau cho con đi học hè ở nước ngoài thì anh lại tổ chức cho con mình và nhiều em vị thành niên học về luật pháp. Lý do anh làm vậy là gì?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Tôi tổ chức lớp học đào tạo lối sống theo pháp luật cho trẻ vị thành niên ngay tại văn phòng luật sư của mình. Học viên ở lớp là con trai tôi và các bạn gần tuổi với cháu, tầm từ 13 đến 15 tuổi. Lý do tôi mở lớp học này thứ nhất là, khi tôi tham gia bảo vệ cho các vụ án tuổi vị thành niên, trong quá trình lấy cung, vào trại tiếp xúc tôi phát hiện ra đa số bản thân các em phạm tội đều không biết hậu quả trầm trọng thế nào, đặc biệt, khi các em tham gia xử lý các tình huống hằng ngày trong cuộc sống đều không nghĩ đến hình phạt mình có thể bị nhận. Các em đều không có chiều sâu, vì tuổi trẻ chỉ nghĩ cái trước mắt, không nghĩ đến cái lâu dài. Chính suy nghĩ trước mắt làm các em dễ mặc cảm, dễ rung động và dễ dẫn tới vi phạm pháp luật.
Luật sư Trương Quốc Hòe
Từ yếu tố ấy, tôi mới nghĩ đến việc uốn nắn, điều chỉnh cho các cháu thông qua từng hành vi hằng ngày, giúp các cháu có đủ nhận thức để uốn nắn, xử lý tình huống hằng ngày sao cho đúng phong cách sống và đúng pháp luật. Hôm tết, chính con trai tôi (sinh năm 1996) đưa một nhóm bạn đến nhà chơi, khi tôi về nhóm bạn của con lấm lét chào tôi ra về. Buổi thứ hai, các cháu vẫn thế, nhưng tôi đã giữ các cháu lại và nói sẽ làm cơm, cùng các cháu ăn cơm và hãy coi tôi là bạn. Trong bữa cơm các cháu cũng vẫn lấm lét, nhưng tôi cố gắng cho các cháu hiểu tôi coi các cháu là bạn và dần dần các cháu tâm sự. Tôi ngạc nhiên là, điều đầu tiên các cháu quan tâm và hỏi tôi là về một vấn đề pháp luật trong nhà trường. Đó là câu chuyện cô giáo đuổi học sinh vì học sinh hư. Tôi đã giảng giải cho các cháu tình huống đó.
Sau buổi gặp, tôi bảo với con trai mình từ nay hãy để các bạn tiếp xúc với bố thường xuyên hơn đi, chúng tôi thường xuyên ăn cơm cùng nhau và nhiều băn khoăn của các cháu được giải tỏa. Cho đến bây giờ, nhiều gia đình chưa biết con mình đang theo học lớp này, có cháu học đến buổi thứ tư tuy rất thích rồi nhưng vẫn nhờ tôi gọi điện nói với gia đình. Tôi đã nói với cháu việc báo cáo với gia đình là nghĩa vụ cháu phải làm. Tôi cũng mong sau khi học ở lớp này gia đình sẽ thấy các con của mình có ý thức hơn, tốt hơn và khi đó tôi sẽ mời phụ huynh các cháu tới để nói chuyện.
PV: Tôi tưởng những hiểu biết pháp luật thông thường, các em học sinh trung học đã được học ở trường chứ?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Sau thời gian làm nghề, tôi phát hiện ra một yếu tố mọi người hầu như không chú ý đến việc dạy các em hành vi theo pháp luật mà mới chỉ chú ý đến việc giáo dục các em theo suy nghĩ trực quan của người lớn. Thêm nữa, khi đi sâu nghiên cứu tôi phát hiện ra rằng, hệ thống giáo dục Việt Nam mình đang bị trộn lẫn giữa tuổi nhận thức pháp luật và tuổi đào tạo. Sự trộn lẫn thể hiện rõ, trước 15 tuổi, quy trình đào tạo giáo dục không bộc lộ rõ đối với tuổi 15 cần học gì. Quan điểm của tôi là trước 15 tuổi chỉ cần giáo dục các em về lối sống và phong cách sống, tức là mang tính chất giáo dục là chính, còn về mặt trí dục ở độ tuổi đó chỉ cần cho các em nhận biết chứ chưa cần hiểu biết. Còn sau tuổi 15 mới dạy các em về trí dục, tức mới dạy các em về sự hiểu biết về pháp luật. Lý do là, trước 15 tuổi các em có học cũng không hiểu, mà đã không hiểu thì đừng gò các em hiểu, vì thế nên cho các em học theo hướng giáo dục đạo đức. Điều này đã được quy định ở Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự (Bộ luật Dân sự đề cập đến tuổi giám hộ, đối với trẻ em dưới 15 tuổi, mọi hoạt động của các cháu đều do phụ huynh giám hộ, nhưng Luật Giáo dục lại không đề cập đến chuyện này).
Chính những suy nghĩ này thúc đẩy tôi mở một lớp học này để trải nghiệm chính tư duy của mình đối với hệ thống giáo dục. Và hơn nữa, tôi muốn dạy cho các con một quy trình và phương pháp sống theo đúng pháp luật, tránh những sai lầm đáng tiếc xảy ra.
PV: Khi hành nghề luật sư, anh đã bảo vệ cho nhiều thân chủ là trẻ vị thành niên, anh nhận thấy điều gì?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Rõ ràng là tội phạm vị trẻ thành niên ngày càng gia tăng. Nhưng tôi cũng nhận thấy, các em chưa định hướng và ứng xử của các em với pháp luật thiếu sự hiểu biết. Sự gia tăng tội phạm trẻ vị thành niên cũng có lý do là, sức khỏe, thể lực trí lực của các em phát triển rất nhanh. Trong khi pháp luật hiện nay được xây dựng trên nền tảng sự phát triển của trẻ vị thành niên với chiều cao và cân nặng tuổi trẻ Việt Nam ở 1,6m. Trong khi các em bây giờ trung bình đều từ 1,7m trở nên.
Ngoài sức khỏe, thể lực phát triển nhanh hơn trước, năng lượng các em nhiều, trình độ thông tin đến với các em quá nhanh. Và cái thứ ba đặc biệt quan trọng là các cháu mong muốn được trở thành người lớn, vì các cháu đã yêu rồi. Tuổi 7x, 8x thì vào đại học mới biết yêu, nhưng 9x trở đi thì gia đình thậm chí phải chấp nhận các cháu yêu ở tuổi THPT, THCS. Vì vậy, các cháu có nhu cầu cuộc sống rất cao nhưng hiểu biết pháp luật lại thấp. Vì thế, đặc thù của các cháu ở lứa tuổi này là phải có sự phân biệt rõ ràng, dạy cho các cháu cái gì ở tuổi 15. Trong quan điểm của tôi, phải dạy cho các cháu cả trí thức và ý thức nhận biết thế giới xung quanh là cần thiết. Tôi cũng muốn chứng minh với cộng đồng và xã hội đây là mô hình ngành giáo dục phải xem xét.
Say mê trò chơi điện tử khiến thanh niên chìm đắm trong "thế giới ảo"
PV: Anh nghĩ đối với lứa tuổi này, các em cần học về pháp luật như thế nào để các em có thể có những hiểu biết cơ bản?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Tôi dạy cho các cháu mỗi buổi hai tiếng và hiện là dịp hè nên tôi dạy cho các cháu 2 buổi một tuần. Kỹ năng dạy những kiến thức này vốn rất khô cứng nên cần phải có phương pháp truyền dạy hợp lý. Nếu chúng ta đưa cho các em quá nhiều dung lượng thì các em sẽ không nhớ, nhưng nếu đưa ít quá thì không đủ. Vì thế dạy cho các em thế nào là đủ và dạy cho các em những gì chính là điều quan trọng nhất.
Mong muốn lớn nhất của tôi là có thể cho các em tiếp xúc được với những hình phạt, chế tài xử phạt mà pháp luật đang áp dụng để răn đe. Các em đều rất hồ hởi.
Tôi kể cho các em nghe một câu chuyện về người tử tù. Chuyện là, những người phu bốc mộ sau khi đào mộ một tử tù đã nhặt được một con búp bê bằng gạch, do người tử tù mài trong suốt 6 năm. Người tử tù bị bắt khi con gái của anh ta mới có 6 tháng và khi con anh được 6 tuổi, anh bị xử bắn. Trong thời kỳ từ khi bị bắt đến lúc ra pháp trường, anh ấy đã mài một con búp bê bằng gạch. Anh ấy bị xử bắn vào mùa đông nên khi ra pháp trường con búp bê được bỏ trong túi áo.
Khi tôi kể câu chuyện này trong buổi học cùng với nhiều câu chuyện khác nhau trong suốt hai tiếng học. Nhưng kết thúc buổi học, tôi hỏi các em nhớ gì nhất trong buổi học hôm nay thì tất cả các em đồng thanh: câu chuyện về người tử tù và con búp bê. Đặc biệt, rất nhiều em hỏi tôi: tại sao lại xử bắn một người biết yêu thương như vậy? Tôi giải thích với các em rằng, hành vi xử bắn là sự trừng phạt của xã hội đối với một hành vi nào đó của người tử tù, nhưng sự trừng phạt đó không tước được tình yêu người cha dành cho con gái.
Tôi nhận thấy, các em rất ham thích nghe những câu chuyện tôi kể. Tôi thường lồng trong các câu chuyện kể ấy những kiến thức pháp luật cần thiết.
PV: Anh lý giải thế nào về tình trạng trẻ phạm tội tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng? Có những tội phạm đặc biệt nguy hiểm như giết người, đánh bạn tập thể. Thậm chí, nhiều học sinh còn tung clip đánh bạn lên mạng xã hội.
Luật sư Trương Quốc Hòe: Tôi khẳng định, những hành vi đó có là do các em chưa có hiểu biết pháp luật và thậm chí còn là coi thường pháp luật. Các em coi thường vì các em chưa nhìn thấy chế tài xử phạt cho các hành vi đó. Nhưng đặc biệt quan trọng là khi các em đang có lối sống ấy lại không được pháp luật điều chỉnh. Tôi lấy ví dụ, việc các em tiếp xúc với điện tử, thông tin bạo lực làm cho các em bị chai sạn nỗi sợ về thần kinh. Các em chỉ sợ trên tinh thần cái ảo chứ không phải cái thật nên khi các em có hành vi sai trái, các em ấy chỉ nghĩ rằng: à, đến thế là cùng, tức là những xử phạt ấy chưa thấm vào các em nên các em không sợ. Còn nếu các em được tiếp xúc với những chế tài xử phạt, bản thân các em sẽ run sợ. Sự run sợ ấy cũng bổ trợ giúp các em tìm cách tìm hiểu pháp luật. Tôi tin thế.
Ngày càng nhiều trẻ vị thành niên phải vào trại giam
Thêm nữa, có một thực tế, người lớn có thể tìm ra chân lý cuộc sống, trong trường hợp không tìm ra chân lý họ luôn có những niềm tin khác như tôn giáo, tâm linh để định hướng cuộc sống của mình, nhưng trẻ em thì chưa biết đặt lòng tin vào cái gì. Tôi nghĩ, nếu các em hiểu được luật pháp, các em sẽ có cơ sở để tạo dựng lòng tin. Thêm nữa, qua phương pháp dạy này tôi muốn mình trở thành người bạn đường của các em. Trong rất nhiều tình huống các em không tiện nói được với bố mẹ, bản thân mình có thể trở thành người cho các em chia sẻ, trở thành chỗ dựa tinh thần.
Tôi từng tiếp xúc với những phạm nhân không biết gì về ma túy vẫn phải đi trại cai nghiện, do cuộc sống, sự cạnh tranh đẩy cậu ấy vào nghiện ma túy. Tôi cho rằng, để cho các em hiểu pháp luật thì một phần vừa phải có chế tài cho các em được trải nghiệm. Sau đó, các em tự học để bổ túc lại kiến thức của mình.
PV: Theo anh, tuổi vị thành niên thì các em nên được học và tiếp xúc với những vấn đề quan trọng nào của pháp luật?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Quan điểm của tôi là giúp các em hiểu về những quy định hành vi trật tự xã hội. Những điều này được luật hình sự quy định trong một chương riêng, trong đó gồm có: gây rối trật tự công cộng, trộm cướp, đánh nhau, vi phạm giao thông... Bản thân trong giai đoạn này, tôi cũng tập trung giảng dạy cho các em về trật tự xã hội là chính. Còn từ tuổi 20 trở lên, phải dạy các em những kiến thức về quan hệ kinh tế, kỹ năng xử lý các vấn đề trong kinh doanh. Tôi cho rằng, mỗi chu kỳ, mỗi lứa tuổi con người cần phải cập nhật những thông tin về pháp luật cần thiết.
PV: Có một câu hỏi đặt ra đối với hầu khắp các gia đình có con đang đi học ở thành phố: Hè này cho con học gì? Và câu trả lời thường là: học bơi, học đàn, học tiếng Anh, học kỹ năng sống thậm chí ở nước ngoài. Nhưng hình như chưa ai có suy nghĩ cho con tham gia một khóa tìm hiểu pháp luật. Vậy tiêu chí của anh cho một lớp học có thể cung cấp cho các em những hiểu biết cơ bản về pháp là gì?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Tôi muốn các em có thể xử lý được những việc mà ngay khi ra khỏi lớp các em có thể gặp phải: an toàn giao thông, chống trộm cướp… Đặc biệt ở độ tuổi này, các em bắt đầu độc lập và bắt đầu có ý thức về trách nhiệm với chính bản thân mình, xã hội và quan trọng là tuổi này các em buộc phải nhận thức. Tôi nghĩ trong khoảng thời gian nghỉ hè, chúng tôi có thể phổ biến kiến thức giúp các em hiểu về hành vi gây rối trật tự an toàn xã hội, tham gia các hoạt động ngoại khóa: tham gia phiên tòa, tham gia vào các trại giam, trại cai nghiện để các em nghe, chứng kiến hoặc tiếp xúc để các em có được những bài học cụ thể. Đó cũng là hình thức phổ biến tôi cho rằng hiệu quả. Tôi đang tích cực đề nghị với cơ quan chức năng để có thể hiện thực hóa mong muốn của mình.
PV: Vậy theo anh, việc mở các lớp học dạng này, thứ nhất là do tự phát, thứ hai là nó không thuộc trách nhiệm xã hội mà do đam mê và mong muốn cá nhân. Nhưng theo anh, nếu điều này cần phải trở thành một quy định để tất cả các em được hưởng thì cần thêm những điều gì?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Mô hình lớp học của tôi hiện không cần cấp phép, vì nó nằm trong mô hình hành nghề luật sư có dịch vụ tư vấn khác. Mô hình này của tôi không bị một thế lực nào cản trở. Đối với luật sư được vận dụng theo những quy định về hành nghề luật sư thực hiện, đối với hệ thống nhà trường thì được Luật Giáo dục cho phép mở những mô hình này. Tuy nhiên, với mô hình mở tại văn phòng luật sư, chúng tôi hoạt động theo tính chất nghề nghiệp. Bản thân tôi, khi mở lớp học này là thực sự muốn có trải nghiệm xã hội, để tự kiểm tra xem những điều mình nghĩ, mình phán đoán sau khi cọ xát thực tế có đúng không.
Sau thời gian dạy cho các em, tôi thấy điều mình suy nghĩ đã hoàn toàn chính xác, các em ở tuổi vị thành niên đang cần phải phổ biến pháp luật. Tôi cũng mong muốn mô hình được ứng dụng vào nhà trường. Chưa kể, đây còn là quyền các em được hưởng đã được quy định rõ tại Luật Giáo dục. Nhưng trong Luật Giáo dục, phương pháp đào tạo đang chưa phân biệt rõ sau tuổi 15 các em cần gì nên nhà trường mới cung cấp cho các em những hiểu biết cơ bản về tự nhiên chứ pháp luật rất ít, thành ra dung lượng đào tạo về luật pháp thấp, phương thức đào tạo cứng nhắc khiến các em khó tiếp thu. Chưa kể, mô hình đào tạo trong nhà trường không giúp các em được tiếp xúc với chế tài xử phạt như đã nói ở trên.
Tôi cho rằng, mô hình tôi đưa ra nhận được sự ủng hộ của nhiều người với tư cách cá nhân. Chẳng hạn, sau khi đề nghị, giám đốc trung tâm cai nghiện đồng tình, lãnh đạo tòa án ủng hộ, nhưng hoàn toàn với vai trò cá nhân. Nhưng chúng ta vấp ở thể chế hành chính. Rõ ràng các cơ quan buộc phải phục vụ chứ không phải đi xin như hiện tại. Điều này, theo Luật Giáo dục, các em mặc nhiên được hưởng, nhưng chúng tôi đang phải đi xin.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hằng Nga (thực hiện)