Hollywood đã xoa dịu Hitler như thế nào?
Kiểm duyệt phim, cắt giảm vai của những người gốc Do Thái và hủy bỏ các bộ phim không được Đức Quốc Xã “ưa thích” là một trong những động thái đã từng được thực hiện để xoa dịu Hitler của Hollywood.
Trước Thế chiến thứ nhất, Đức từng là thị trường phim lớn thứ hai trên thế giới.Theo cuốn sách The Collaboration: Hollywood's Pact with Hitler của tác giả Ben Urwand, thuật ngữ “cộng tác” thường được sử dụng trong các thỏa thuận giữa Hollywood và người Đức trong suốt những năm 1930. Và trong thời điểm đó, đây là thị trường phim quan trọng của Mỹ và tất nhiên những người đứng đầu Hollywood phải dành “sự quan tâm đặc biệt” đến “kho vàng” này để có thể tối đa hóa doanh thu tại thị trường Châu Âu.
Điều đó giải thích cho sự thiên vị với chính phủ Đức. Đến khi Hitler lên nắm quyền vào tháng 1/1933, những nhà làm phim Hollywood đã “được giao dịch” trực tiếp với các đại diện của Quốc trưởng. Hơn ai hết vào thời điểm đó, Hitler là người “nghiện” phim ảnh và nhìn ra được công dụng tuyên truyền của môn nghệ thuật này.
Hitler là người “nghiện” phim ảnh và hiểu công dụng tuyên truyền của môn nghệ thuật này.
Cũng theo Urwand, vào thời đó một bộ phim nếu có dính dáng đến hai chữ Do thái dù ở bất cứ khâu nào đều sẽ bị cấm. Ngay cả, các hãng phim lớn đều lựa chọn các thành viên thuộc Đức Quốc xã làm người trưởng đại diện cho chi nhánh của mình tại Đức. Điển hình là hãng Paramount với Paul Thiefes được bổ nhiệm vị trí này vào năm 1937 hay hãng MGM với Frits Strengholt. Tên này thậm chí đã ly dị và “tiễn” người vợ gốc Do Thái của mình vào trại tập trung theo yêu cầu của Bộ tuyên truyền.
Phần lớn Hollywood đã phải “khom mình” trước Đức quốc xã kể từ khi bộ phim nổi tiếng All Quiet on the Western Front (Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh) được ra mắt vào cuối năm 1930. Bộ phim kể về một quân nhân Đức bị vỡ mộng khi phát hiện ra tính chất phi nghĩa của Thế chiến I. Dù giành được hai giải quan trọng tại Oscar là Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất nhưng All Quiet on the Western Front lại bị hắt hủi không thương tiếc tại Đức. Đức Quốc xã đã mua 300 vé của buổi chiếu ra mắt nhưng bắt đầu la ó, cười nhạo khi đến cảnh quân Pháp thất trận trước người Đức. Joseph Goebbels – trưởng ban tuyên truyền Đức Quốc xã đã lên án ngay buổi chiếu rằng bộ phim là một cuộc tấn công nhắm vào nước Đức. Bom bẩn và chuột được âm thầm thả vào rạp phim khiến tất cả mọi người phải di tản. Sáu ngày sau bộ phim bị gỡ bỏ hoàn toàn khỏi nước Đức.
Phim Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh
Điều này trở thành một cú sốc tại Hollywood. Theo một đại diện của Universal, hãng này đã có thể thu được một lượng doanh thu khổng lồ tại Đức nếu không vấp phải biến cố trên. Carl Laemmle – chủ tịch của Universal khi đó đã tức tốc quyết định “biên tập” lại bộ phim và “trình” Bộ Ngoại giao Đức xem xét vào hè năm 1931. Cơ quan này đã “duyệt” và phiên bản mới đã được trình chiếu khắp Châu Âu sau đó. Áp lực của Hollywood trực tiếp đến từ Georg Gyssling – tổng lãnh sự Đức tại Los Angeles. Chiến lược chính được ông ta áp dụng để gây sức ép lên các hãng phim Mỹ được chiếu theo quy định về phim ảnh của Đức được biết đến với tên: điều luật 15.
Theo đó, bất cứ các hãng phim nào trên thế giới phát hành phim với những hình ảnh có nội dung chống lại nước Đức sẽ bị cấm chiếu trên lãnh thổ nước này.
Hai bộ phim tiếp sau được xem là phần 2 (The Road Back ) và phần 3 (Three Comrades) của All Quiet on the Western Front cũng bị can thiệp một cách thô bạo. Khi đang tiến hành quay The Road Back vào tháng 4/1937, Gyssling đã gửi thư đến tất cả 60 thành viên trong đoàn làm phim từ đạo diễn, diễn viên đến cả bộ phận phục trang cảnh báo bất kỳ bộ phim nào khác mà họ tham gia trong tương lai có thể sẽ bị cấm tại Đức. Universal ngay lập tức điều chỉnh và cắt đến 21 cảnh trong bộ phim khiến đạo diễn James Whale rất giận dữ. Ông đã nghỉ việc và từ đó không đạo diễn thêm bất cứ một bộ phim nào cho hãng này.
Đến Three Comrades, nhà biên kịch F. Scott Fitzgerald – tác giả của The Great Gatsby đã biên tập lại bộ phim theo cách hoàn toàn không thể nhận ra “nhờ” có sự nhúng tay của Gyssling. Hầu hết những bộ phim khác đều bị chặn từ đầu ở khâu kịch bản. Ví dụ như The Mad Dog of Europe của Herman Mankiewicz được viết kịch bản vào tháng 5/1933 nói về sự đối xử của Đức Quốc xã với người Do Thái. Dù cảm thấy bị xúc phạm nhưng Gyssling không có quyền đe dọa trực tiếp vì bộ phim không nhắm vào thị trường Đức. Thay vào đó, ông ta đã làm một động thái đe dọa khác là thông báo với những người đứng đầu cơ quan phân loại phim ảnh Mỹ rằng: nếu bộ phim được thực hiện thì tất cả các phim Mỹ sau này sẽ bị cấm trên lãnh thổ Đức. Louis B. Mayer – người đứng đầu MGM lúc đó đã thay mặt cam kết sẽ không có bất kỳ một cảnh phim nào của The Mad Dog of Europe được thực hiện.
Ha Ny (theo Telegraph)