6 giờ vật lộn với tử thần
(Petrotimes) – Chiếc ca nô càng bị cuốn ra khơi, sóng đánh càng mạnh và càng nhiều, hy vọng của những người gặp nạn càng tắt dần. Trong giờ phút đó, mọi người cùng an ủi nhau, nghĩ đến những nguồn động viên tinh thần để cố gắng sống.
Kể về hành trình của chuyến tàu định mệnh và những giờ phút vật lộn với tử thần giữa biển đêm, anh Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1984, quê Hà Tĩnh, một nạn nhân trên chiếc tàu gặp nạn, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện An Sinh TP HCM vẫn chưa hết bàng hoàng.
Theo lời anh Tuấn, anh cùng một số đồng nghiệp tự tổ chức thuê tàu đi Đảo Xanh chơi trước khi đi dự đám cưới một đồng nghiệp ở Tiền Giang vào ngày hôm sau. Khoảng 19 giờ chiếc tàu mang số hiệu H29 - BP bắt đầu xuất phát, có 30 người đi trên chuyến tàu này. Lúc đầu, tàu cũng có dấu hiệu bị trục trặc, phải đề nhiều lần mới nổ. Đi được khoảng 30 phút thì tàu bị mắc vào bùn cạn, nhưng ngay sau đó thoát ra được. Ngoài ra, do lúc đầu bơm xăng không đủ nên tàu cũng phải rẽ vào một địa điểm để tiếp nhiên liệu.
Anh Trần Quốc Tuấn đang điều trị tại Bệnh viện An Sinh
Khoảng 1 giờ đầu, tàu đi đối đầu với sóng (sóng đập đằng trước mũi tàu) thì không sao nhưng đến khi rẽ thì sóng đập nghiêng vào mạn tàu, lúc này, lái tàu cố đề máy hết sức cho tàu vượt qua con sóng nhưng không vượt qua được, nước bắt đầu tràn vào trong tàu, mọi người hốt hoảng đổ ra ngoài. Chỉ sau vài ba phút thì chiếc tàu bị sóng đánh lật úp hoàn toàn. Trên tàu chỉ có khoảng 7 – 8 chiếc áo phao nên đa số được dành cho phụ nữ.
Khi tàu lật, mọi người cố bám vào mũi tàu và hàng dây thừng buộc xung quanh tàu để trụ lại. Từ bên ngoài, mọi người phát hiện chị Nông Thị Phin còn kẹt lại trong tàu. Có lẽ do say sóng nên chị ngủ quên không chạy ra ngoài cùng lúc với mọi người. Một anh giữ được điện thoại không bị ướt nỗ lực leo lên tàu gọi điện báo cứu hộ nhưng chỉ gọi được một vài phút thì máy cũng hết pin mất liên lạc. Mọi người tiếp tục bám quanh tàu, lênh đênh theo con sóng. Càng về khuya nước càng xuống, chiếc tàu càng bị kéo xa ra khơi.
Ban đầu mọi người bám trụ tương đối đầy đủ quanh tàu nhưng khi chiếc tàu càng bị cuốn ra khơi, sóng đánh càng mạnh, tần suất nhiều, khiến nhiều người đuối sức. Cứ khoảng 30 giây đến 1 phút lại có một con sóng ập đến, mỗi lần sóng ập đến đánh bật mọi người văng ra xa cả mét, cứ thế mỗi phút sau cơn sóng mọi người lại tiếp tục bơi vào bám lại tàu. Hành trình kéo dài trong khoảng 6 giờ.
Anh Tuấn cho biết: Lúc đó mọi người cùng động viên nhau cố lên, nhưng hầu hết đều rất hoang mang, tàu càng bị trôi ra khơi thì hy vọng càng mất dần. Lúc đó, mọi người phải nghĩ đến những nguồn động viên tinh thần, nghĩ về gia đình để có thêm nghị lực, cố gắng vượt qua bão tố để sống, hy vọng khi trời sáng sẽ có người ra cứu. Riêng anh Tuấn, anh nghĩ đến bố mẹ chỉ có một người con trai duy nhất, nếu anh chết đi không biết bố mẹ sẽ ra sao, nghĩ như vậy anh mới có thêm nghị lực để sống!
Tuy nhiên, do sóng đập quá mạnh, nhiều người đuối sức không gắng gượng nổi nữa đành phải buông tay. Người đầu tiên bị đuối sức là chị Nguyễn Thị Kiêm Hoàng, sinh năm 1993, chị liên tục kêu cứu vì không còn chút sức lực nào nữa. Mọi người cố kéo chị lên và đặt nằm ở đuôi tàu và dốc sức tàn cố giữ chặt chị lại nhưng sức người không thắng nổi đại dương đang nổi giận, sóng vỗ mạnh quá chị không chịu nổi nên bị cuốn trôi. Mặc dù, trên người chị có mặc áo phao, khi sóng cuốn trôi mọi người thấy người chị nổi lên trên dòng nước nhưng mặt đã úp xuống biển!
Anh Trần Hữu Hiệp đang mặc áo phao trên người, thấy đồng nghiệp là chị Phạm Thị Thu bị đuối nước đang dần mất hết sức lực nên đã nhường áo phao lại cho chị. Anh Hiệp còn chủ động đứng trước chị Thu và các đồng nghiệp nữ để cản lại cơn sóng. Điều đáng nói là anh Hiệp lại không biết bơi, nên chỉ sau vài con sóng anh mệt lả và chết ngay trên tay đồng nghiệp. Mọi người cố gắng giữ xác anh lại nhưng không được vì sóng đánh quá mạnh. Còn anh Hà Tiến Sơn, tuy không biết bơi nhưng người cao to, có sức khỏe nên làm trụ cho mọi người bám vào. Tuy nhiên, gần về cuối thì anh đuối sức và cũng bị sóng đánh mất tích. Nhắc lại những chuyện này, rất nhiều đồng nghiệp của các anh không ai cầm nổi nước mắt.
Khi nghe chúng tôi nói còn một số người mất tích và lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm, anh Tuấn nghẹn nghèo: “Đêm nay lại mất ngủ”. Nói về cảm giác lúc tàu gặp nạn, anh Tuấn vẫn chưa hết bàng hoàng “Thật khủng khiếp! Đến giờ, ngủ nửa đêm giật mình còn muốn rơi xuống giường. Mặc dù bị thâm tím cả người, vết thương ngoài da chằng chịt nhưng chẳng có cảm giác đau, nỗi đau tinh thần dường như lấn át hết cả. Khi được cứu lên bờ người tôi cứng đơ như khúc gỗ”.
Về hai chiếc ca nô đi cùng hành trình, mặc dù biết chiếc ca nô còn lại gặp nạn nhưng không thể quay lại cứu vì chỉ cần dừng lại thì sẽ bị sóng đánh chìm luôn. Vì thế, hai chiếc ca nô cố gắng đi chậm lại để định vị tọa độ chờ lực lượng cứu hộ đến.
Cuối cùng, sau khoảng 6 giờ vật lộn trên biển, tàu cứu hộ cũng đến. Khi thấy ánh sáng đèn pha của tàu cứu hộ, mọi người đang bám vào con tàu gặp nạn hò hét, giơ tay lên, những người mặc áo phao cố đứng lên để lấy phản quang cho tàu cứu hộ nhận ra. Lúc đó mọi người biết chắc được cứu sống nhưng không ai dám bỏ tàu bơi về phía tàu cứu hộ mà đợi tàu cứu hộ đến, từ từ từng người một được cứu lên tàu.
Các nạn nhân được cứu sống đã được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo UBND TP HCM, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam và Công ty CP Ống thép Dầu khí đến thăm hỏi, động viên. Theo các nạn nhân, toàn bộ chi phí điều trị ở bệnh viện đều do Công ty CP Ống thép Dầu khí chi trả, công ty cũng hỗ trợ hoàn toàn vé máy bay, chi phí đi lại, nơi ăn ở cho người nhà các nạn nhân bị thương vào thăm con và hỗ trợ đưa xác các nạn nhân không may tử nạn về quê an táng.
Mai Phương