Phim được khen cũng... khó bán!
Dù không được xem là tiêu chí quan trọng để đánh giá một bộ phim hay hay dở, nhưng số vé bán ra vẫn được xem là mốc đánh giá thành - bại của một bộ phim.
Phim Đường đua sau khi ra mắt đã nhận được không ít lời khen ngợi từ giới truyền thông, thế nhưng ngay sau khi ra rạp thì doanh thu đạt được quá thấp; điều này như một gáo nước lạnh dội xuống lòng nhiệt huyết của nhà làm phim. Trước đó, bộ phim Cát nóng của đạo diễn Lê Hoàng cũng phải ngưng chiếu vì số lượng vé bán ra quá ít. Điều này một lần nữa khẳng định, dù không phải tất cả nhưng phòng vé vẫn là bảo chứng nặng ký cho thành – bại của một bộ phim và không nhà sản xuất nào có thể vui cười khi phim được khen hay nhưng vắng tanh từ phòng vé!
Thực tế, trên các cụm rạp từ trước tới nay doanh thu phim Việt với phim ngoại vẫn có sự chênh lệch đáng kể. Sự so sánh này sẽ trở nên khập khiễng bởi chất lượng phim, về mặt bằng chung rõ ràng là lệch. Nhưng đối với cùng đối tượng là phim Việt thì mức chênh lệch về doanh thu lại là điều đáng bàn trong “gu” thưởng thức nghệ thuật điện ảnh của khán giả Việt.
Thử lửa lần 2, Cát nóng vẫn gặp thất bại vì bán được quá ít vé
Thực tế thì, không phải vì khán giả quay lưng với phim Việt, bằng chứng là doanh thu của những bộ phim Tết vừa qua đã có những dấu hiệu khả quan. Điển hình, Mỹ nhân kế đoạt doanh thu gần 59 tỷ đồng, Nhà có 5 nàng tiêng đạt hơn 50 tỷ... từ các phòng vé. Đó là những phim thuần giải trí. Nhìn vào những con số khủng như vậy, không thể nói khán giả Việt không mặn mà với phim Việt, nhưng rõ ràng nhìn vào những con số đó các nhà làm phim có thể “bắt mạch” dự đoán “khẩu vị” khán giả của mình.
Tâm lý chung những bộ phim hài hước mang tính giải trí vẫn là sự lựa chọn của đông đảo khán giả Việt. Nắm bắt được tình thế này nên các nhà làm phim tư nhân nhanh nhạy hơn để cho ra đời các bộ phim thiên về giải trí, thiếu tính nghệ thuật. Nhưng cũng không vì thế mà nói nhà làm phim nhà nước kém nhanh nhạy, bởi khi được đầu tư kinh phí từ nhà nước hoặc tự bỏ tiền túi ra thì họ đương nhiên phải chịu sức ép lớn hơn về chất lượng sản phẩm.
Nhìn vào bộ phim gần đây nhất bị khán giả “chối từ” đó là Cát nóng của đạo diễn Lê Hoàng. Bộ phim ít nhiều cũng được đặt kỳ vọng khi được chọn trình chiếu khai mạc cho Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần 2. Mặc dù ngay sau khi chiếu mở màn này, có nhiều ý kiến trái chiều và đôi phần thất vọng. Tuy nhiên, xét về mặt bằng chung thì đây vẫn là bộ phim “xem được” và có thông điệp chuyển tải.
Không bằng lòng với những “sự chê” nên Cát nóng đã tự “thử lửa” bằng cách đưa ra rạp. Tuy nhiên, sự thật chua chát với bộ phim này khi gặp phải sự thất bại lần 2 là không bán được vé. Đã có ý kiến lý giải rằng: Bộ phim của nhà nước này không được đầu tư quảng cáo “rầm rộ” từ truyền thông như các sản phẩm khác của các hãng phim tư nhân. Thế nhưng, đây dường như vẫn chưa là câu trả lời thỏa đáng.
Đường đua, bộ phim này đã nhận được khá nhiều sự quan tâm của báo chí nhưng doanh thu cũng không thể đạt đến 1 tỷ đồng trong đợt ra rạp vừa qua; đó quả là điều khiến không chỉ nhà sản xuất mà cả báo giới cũng ngạc nhiên.
Dù nhận được nhiều lời khen trước khi ra rạp nhưng tuần đầu tiên công chiếu, doanh thu của Đường đua chưa đạt 1 tỷ đồng
Lý giải cho sự vụ này, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn – chồng của Hồng Ánh, Giám đốc sản xuất bộ phim Đường đua, cho rằng: “Đường đua không tạo ra được sự bùng nổ phòng vé có một phần là do phim “nặng”, không nhiều tính giải trí cho khán giả trẻ dưới 20 tuổi, vốn là công chúng chính của điện ảnh Việt hiện nay...”. Lý giải này, xem chừng đúng hơn cả. Bởi với hai bộ phim kể trên, rõ ràng có thông điệp, cũng không phải xếp vào dạng “quá già” so với đối tượng khán giả đông đảo nhất hiện nay là giới trẻ. Nhưng rõ ràng, sự chỉn chu trong nội dung, nặng về thông điệp và thiên hướng chính luận... vẫn thật khó để đi vào “thực đơn” đang thiên về giải trí như hiện tại.
Vậy nên, rõ ràng kiểu làm phim hài làm nhảm, ăn xổi... là điều mà có lẽ các nhà làm phim thừa nhận ra chứ không phải đợi đến khi giới chuyên môn và truyền thông lên tiếng. Tâm lý làm phim ấy... giữa một thời đại điện ảnh công nghiệp như hiện nay là điều khó tránh, bởi đầu tư là phải thu về lợi nhuận. Nhưng điều này sẽ mang đến mối lo ngại lớn bởi rằng rồi phim Việt sẽ đi về đâu?!
Vẫn biết, khán giả cũng dần lựa chọn cho mình được những “món ngon” nhưng tiêu chí “giải trí” vẫn được đặt lên hàng đầu. Cạnh tranh với những bộ phim “bom tấn” của nước ngoài vẫn còn là ước mơ xa vời của các nhà làm phim Việt. Nhưng với thị trường phim Việt thì việc nâng cấp chất lượng phim vẫn là điều đáng bàn tính.
Thiết nghĩ, bằng tài năng của mình, vẫn là những bộ phim giải trí nhưng đảm bảo chất lượng chứ không phải nhanh và ẩu như hiện tại thì cần lắm những cái đầu sỏi của các nhà làm phim. Và từ thực trạng này thì phim “nhà nước” cũng như dòng phim chính luận... để không rơi vào tình trạng “lưu kho” thì cũng phải tự tìm hướng đi cho mình. Bởi càng ngày, việc khiến khán giả phải móc “hầu bao” ra mua vé xem phim là càng khó. Việc làm sao để đảm bảo được phim hay và làm sao để bán được vé, hay nói cách khác làm làm sao dung hòa được giữa tính nghệ thuật và giải trí xem ra vẫn rất cần sự tính toán tỉ mỉ từ các nhà làm phim.
Huy An