Công điện khẩn của Vinacomin chỉ đạo việc phòng chống cơn bão số 5
Dự báo khoảng 10h ngày mai (3/8), bão số 5 (bão Jebi) sẽ đổ bộ vào đất liền thuộc các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, tốc độ bão di chuyển nhanh và phức tạp, sức gió giật cấp 10, cấp 11.
Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Vinacomin đã ra công điện khẩn số 05/CĐ - BCĐ yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các nội dung theo công điện đã số 04/CĐ-BCĐ ngày 1/8/2013 và triển khai tiếp một số nội dung sau:
1. Ngày 3/8/2013 cho đến khi bão tan, hoãn các cuộc họp ngoài công việc về phòng chống bão, các đơn vị tập trung chỉ đạo cho công tác chuẩn bị và ứng phó với cơn bão số 5
2. Đơn vị có tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ yêu cầu về nơi tránh bão để neo đậu đảm bảo chắc chắn an toàn xong trước 16h ngày 2/8/2013.
3. Các đơn vị khai thác hầm lò khởi động chạy thử máy phát điện diezen ngay từ ca 2 ngày 2/8 đảm bảo sẵn sàng phát điện; chủ động làm việc với chính quyền địa phương san lấp các hố tụ thuỷ, trám lấp các vết nứt và khu sụt lún, nếu có vướng mắc phải thông tin ngay về Vinacomin. Các đơn vị đang bị sự cố ngập cục bộ trong mỏ như Công ty Than Mông Dương, XN than Cao Thắng, XN than Thành Công - Công ty than Hòn Gai và các đơn vị có nguy cơ nước xuống mỏ nhiều như các Công ty 790, 86, 35 - TCT Đông Bắc triển khai lắp bơm (cả dự phòng) để bơm tối đa nước từ hầm lò; xử lý san lấp các vị trí nứt nẻ và hố tụ thuỷ trên bề mặt địa hình chống thẩm thấu nước xuống mỏ phải được thi công trước khi bão đổ bộ. Công ty Môi trường cử người kiểm tra, trực canh gác tại bãi thải và đập chắn đá khu vực Ngã Hai Quang Hanh. Công ty Than Khánh Hoà - TCT Công nghiệp mỏ Việt Bắc bố trí người trực canh gác tại bãi thải mỏ, khi có mưa to tổ chức sơ tán dân dưới khu vực chân bãi thải Nam.
4. Các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại các vị trí xung yếu để ứng phó khi xảy ra sự cố; tổ chức sơ tán người và tài sản tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn nếu thấy cần thiết.
5. Tổng giám đốc và Giám đốc các đơn vị không được di chuyển khỏi cơ quan của mình, tập trung chỉ huy phòng chống và ứng phó với bão số 5. Tổ chức trực ban 24/24 tại các đơn vị ngay từ ca 2 ngày 2/8 cho đến khi giải quyết xong hậu quả sau bão.
6. Trong quá trình chuẩn bị, ứng phó trước, trong và sau cơn bão, các đơn vị cần liên hệ với các nhóm được phân công trực kiểm tra, đôn đốc của Ban chỉ đạo PCTT - TKCN Vinacomin gửi kèm theo công điện này.
7. Các đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, báo cáo công tác chuẩn bị và ứng phó trước, trong và sau cơn bão, báo cáo kịp thời các tình huống sự cố xảy ra về Ban chỉ đạo PCTT - TKCN Vinacomin.
Công tác phòng chống lụt bão tại một số khu vực khai thác than của Vinacomin trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Công ty Than Nam Mẫu chủ động tổ chức đào rãnh thoát nước tại các khu vực trọng yếu.
*Tại TP Cẩm Phả, công tác PCLB diễn ra hết sức khẩn trương. Thành phố đã ra công điện khẩn và tổ chức họp, quán triệt các nội dung trọng tâm trong công tác PCLB đến các phường, xã trên địa bàn; yêu cầu các phòng, ban, đơn vị quân sự… tham gia phối hợp trong công tác kiểm tra, ứng cứu kịp thời trong tình huống xảy ra sạt lở (nếu có) trong cơn bão số 5. TP đã thành lập các tổ công tác đi thông tin trên biển, nhắc nhở các xã ven biển về công tác chuẩn bị phòng, tránh bão đảm bảo hiệu quả và an toàn về tính mạng, tài sản cho nhân dân. Đáng chú ý, lãnh đạo thành phố đang chỉ đạo sát sao việc xử lý khu vực tụ thủy tại phường Mông Dương- khu vực này đang có nguy cơ tụt nước xuống hệ thống hầm lò khu Đông Bắc Mông Dương.
Ngoài ra, lực lượng chức năng đang tiếp tục kiểm tra các khu vực neo đậu tàu thuyền; yêu cầu tàu, thuyền khẩn trương về nơi tránh trú bão an toàn. BCH PCTT&TKCN của thành phố trực 24/24h để kịp thời nắm bắt thông tin, điều động lực lượng khi có tình huống xảy ra trong cơn bão.
* Tại huyện Đông Triều, mực nước trong các hồ Khe Chè, Bến Châu, Trại Lốc và Đồng Đò 2 đã qua tràn xả lũ cao từ 0,5-0,7m. Đặc biệt, hồ Đồng Đò 2 ở xã Bình Khê, mức nước chảy qua tràn xả lũ cao và đập ngăn bị thấm nước. UBND huyện đã chỉ đạo xã Bình Khê phối hợp với Công ty Thủy lợi Đông Triều thường trực tại đập, có phương án di dời các hộ dân sinh sống quanh chân đập khi có sự cố xảy ra. Để đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực khai thác than, các xã Hồng Thái Đông, Hồng Thái Tây, Tràng Lương và thị trấn Mạo Khê đã triển khai kiểm tra vùng có nguy cơ sạt lở đất, các bãi khai thác than để phòng tránh sạt lở khi bão số 5 đổ bộ vào.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa tối nay (2/8) còn có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội.
Vùng biển Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.
Từ sáng sớm 3/8, các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.
Từ ngày 3/8, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Người dân vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3-5m.
Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông, người dân cần đề phòng có lốc xoáy.
(Tiếp tục cập nhật...)
M.K