Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Đầu tư công tăng là tín hiệu đáng mừng
Trong bối cảnh thu ngân sách đang gặp khó thì câu chuyện đầu tư công tại nhiều địa phương tăng theo thống kê của Tổng cục Thống kê đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.
Các địa phương đã biết chia sẻ gánh nặng đầu tư công với Chính phủ.
Báo cáo gần đây của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy: Trong khi dòng vốn đầu tư công thuộc diện trung ương quản lý đạt 22,9 ngàn tỉ đồng, bằng 57,1% kế hoạch năm và giảm 14% so với cùng kỳ năm trước, thì vốn thuộc diện địa phương quản lý lại tăng, đạt 83,9 ngàn tỷ đồng, bằng 53,7% kế hoạch năm và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2012.
Sau khi thông tin trên được công bố, rất nhiều ý kiến đã cho rằng, chủ trương cắt giảm đầu tư công của Chính phủ giường như chưa có chuyển biến. Và vấn đề này một lần nữa được nhắc tới tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7/2013. Theo đó, câu hỏi: “Vì sao lại có tình trạng này” đã được gửi tới Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Trả lời câu hỏi của báo giới, Bộ trưởng cho biết: Đầu tư công được hiểu là các dòng vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà. Hàng năm chúng ta đều có kế hoạch thu ngân sách bao nhiêu, chi bao nhiêu nhưng thu ngân sách lại chủ yếu từ thuế mà theo lộ trình chung thì các loại thuế có giảm dần.
“Nếu như những năm trước đây, chúng ta thu được 100 đồng thì có khi phải dành 50 đồng để đầu tư vào các công trình như điện, đường, trường… Tuy nhiên, càng ngày số thu từ thuế giảm dần và tỉ trọng thu từ thuế so với GDP cũng ngày một đi xuống theo đúng xu thế.
Một vấn đề nữa cũng được Bộ trưởng đề cập tới khi trả lời câu hỏi trên là tỉ trọng đầu tư phát triển các công trình cũng giảm dần từ trên 40% xuống trên 30%, đến năm 2012 chỉ còn xấp xỉ 20% và năm 2013 thì còn khoảng 18%.
Bộ trưởng thông tin thêm: Năm 2013, chúng ta có khoảng 180.000 tỉ đồng đầu tư cho các công trình, được phân ra làm 2 phần, một phần giao cho địa phương, một phần cho các Bộ, ngành ở Trung ương. Phần các Bộ, ngành vào khoảng 80.000 tỉ đồng (năm 2012, đầu tư công do các Bộ, ngành quản lý cũng vào khoảng 80.000 tỉ đồng) và phần còn lại thì đầu tư cho các địa phương nhưng bên cạnh phân do Trung ương giao quản lý, còn một phần nữa là ngân sách do tự địa phương huy động.
Bộ trưởng đưa quan điểm: Ngân sách đầu tư từ các Bộ, ngành Trung ương không tăng là điều rất bình thường, còn nhu cầu đầu tư của các Bộ, ngành thì rất nhiều như xây bệnh viện, làm đường quốc lộ… Ở địa phương, phần ngân sách Trung ương phân cho địa phương cũng chỉ có như vậy, nhưng nếu địa phương nào đầu tư từ nguồn tại chỗ mà tăng thêm đầu tư công, mà đúng theo tinh thần "làm đâu được đó", không dàn trải ra, thì cũng phấn khởi.
“Nhu cầu thì rất nhiều, làm quốc lộ, bệnh việc… cần nhiều ngàn tỉ nữa nhưng ngân sách cũng chỉ từng đấy thôi, không tăng thêm được, còn huy động nguồn từ ngoài là quyền của địa phương và đáng phấn khởi, hoan nghênh” – Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.
Thanh Ngọc