Huyền thoại Rútxlan: Những chiến công của Rútxlan
Khi thấy Rútxlan cắp mảnh gỗ chuôi lựu đạn ra, Nguyễn Văn Học rú lên: “Chó thần! Chó thần!...” rồi chắp tay vái con chó lia lịa và xin thành khẩn khai hết.
>> Huyền thoại Rútxlan: Những ngày gian khổ và lai lịch của Rútxlan
(Ảnh minh họa)
Vào buổi sáng ngày 26/3/1962, nhân dân phát hiện thấy có một nữ chết ở hồ gần Ngã Tư Vọng, một nửa người chìm dưới nước còn một nửa trên bờ, mặt nạn nhân đắp chiếc khăn mùi soa. Trong người nạn nhân không có thứ giấy tờ gì. Cách chỗ nạn nhân nằm khoảng 30 mét, các trinh sát thu được một đôi guốc gỗ… Hai tiếng đồng hồ sau, huấn luyện viên Trần Thảo đưa chó Rútxlan đến và ngay lập tức, anh cho chó truy theo dấu vết từ đôi guốc. Rútxlan dẫn trinh sát chạy dọc theo đường Bạch Mai, qua công viên Thống Nhất băng qua đường Nam Bộ và đến đường tàu hỏa thì mất dấu…
Biết chắc chắn là việc truy tìm tung tích nạn nhân cũng như thủ phạm sẽ còn gặp nhiều khó khăn nên Trần Thảo quyết định phải giữ bằng được mẫu hơi của nạn nhân. Anh cắt ba mảnh vải trên áo nạn nhân ở ba vị trí khác nhau như tay, ngực, bụng rồi bằng những biện pháp hết sức thủ công với các dụng cụ tự chế và rất tỉ mỉ, anh đã chuyển được mẫu hơi của nạn nhân sang bông sạch và có thể để được hàng tháng. Sau này, khi các cán bộ đi học giám định ở Trung Quốc về, bảo đó là cách “chưng hơi” thì Trần Thảo cũng mới biết. Sở dĩ anh cho lấy nhiều mẫu hơi như vậy là vì Rútxlan có thể giám biệt một cách chính xác hơi người ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Càng có nhiều mẫu hơi thì việc giám định càng có cơ sở chắc chắn.
Ba ngày sau thì trinh sát phát hiện ở ngõ Giếng Mứt có một cô gái đã mất tích mấy ngày. Không ai biết cô ta đi đâu cũng như thân nhân của cô. Việc khai quật tử thi cho nhận dạng là rất phức tạp, vì vậy Ban chuyên án dùng Rútxlan. Các trinh sát cho chọn một số đồ vật trong nhà và để cho Rútxlan giám biệt. Kết quả đã xác định đúng người bị hại là người đã sống trong ngôi nhà đó. Sau khi tìm được tung tích nạn nhân, các trinh sát dựng lên một số đối tượng hiềm nghi, trong đó có một gã thợ mộc, nhưng gã đã vắng nhà… hai tháng trước khi xảy ra vụ án. Trong nhà gã thợ mộc chẳng có đồ đạc gì ngoài hòm đồ nghề đã mốc meo vì lâu ngày không có người sử dụng. Vì thế cần phải giám định xem chủ nhân của đôi guốc để ngoài hiện trường kia có phải của gã thợ mộc hay không.
Chó Rútxlan lại được đưa vào cuộc. Trần Thảo lấy những chiếc đục, tràng đã mốc ra, dùng bông lau sạch lớp mốc. Rồi anh dùng hơi nóng sấy khô chuôi gỗ… Đầu tiên là anh để lẫn những chiếc tràng, đục của đối tượng hiềm nghi lẫn với các đồ đi mượn về. Chó Rútxlan đã lấy ra được những thứ của gã thợ mộc. Sau đó, anh cho chó ngửi đôi guốc thu được ở hiện trường và cho giám định so sánh với những đồ thợ mộc. Sau nhiều lần thử đi thử lại, chó Rútxlan chỉ cho một kết quả duy nhất: Gã có đôi guốc gỗ chính là chủ của những đồ thợ mộc. Thế là mọi việc đã rõ ràng, các trinh sát chỉ còn việc lùng bắt gã thợ mộc. Nửa tháng sau đó, gã bị bắt khi đang lang thang ở công viên.
Sau vụ án này, tên tuổi và chiến công của Rútxlan bắt đầu được lan truyền và càng ngày Rútxlan càng tỏ ra là một chúc chó hình sự thiên bẩm. Có những vụ mà không ai có thể tưởng tượng nổi.
Tháng 12/1962, một nhân viên bưu điện ở phố Bạch Mai đã dùng xà beng đập chết người. Để tránh dấu vết, hắn lấy giấy báo quấn vào xà beng lót tay. Hành động xong, hắn đem xà beng nhúng vào dầu mazut rồi ném xuống ao. Từ hiện trường, Rútxlan truy đuổi theo dấu vết và thấy mất hút ở cái ao cách nơi gây án ba trăm mét. Đuổi đến bờ ao, Rútxlan cứ chõ mõm xuống mặt nước mà sủa. Khi các trinh sát xuống mò và thấy chiếc xà beng vẫn để nguyên lớp giấy báo lót tay. Trần Thảo dùng bếp than hơ một đầu chiếc xà beng và để cho sức nóng lan dần xuống cán làm khô dầu và khô nước. Khi cho so sánh với đồ vật của các đối tượng hiềm nghi, Rútxlan đã xác định ngay ra thủ phạm.
Những tưởng tìm được đối tượng trong những tình huống như vậy là quá giỏi, ai ngờ Rútxlan còn tìm được trong những vụ còn phức tạp và khó khăn hơn thế nhiều. Một trong những vụ đó là ném lựu đạn ở xã Xương Lâm, huyện Xương Giang, tỉnh Bắc Giang.
Ngày 30/4/1963, hội nghị nông dân của xã đang họp trong căn nhà của ông chủ nhiệm HTX thì một quả lựu đạn chày chuôi gỗ đã rơi vào qua lỗ thủng trên tường sau nhà và nổ. Ba người chết, gần hai chục người bị thương. Đây là vụ án nghiêm trọng chưa từng có kể từ năm 1954. Cũng may là hôm đó có đoàn công tác của công an huyện xuống xã. Các anh vừa tổ chức cấp cứu người, vừa lo bảo vệ hiện trường và thu nhặt những mảnh lựu đạn, trong đó có những mảnh gỗ từ chuôi lựu đạn. Vụ án được báo cáo về Bộ và ngay hôm đó, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn ra lệnh cho Công an Hà Nội đưa chó nghiệp vụ Rútxlan lên Bắc Giang để truy tìm thủ phạm.
Khi Trần Thảo lái xe ba bánh đưa Rútxlan lên đến xã Xương Lâm thì đã thấy ở đó có khá nhiều người đang xếp hàng ngoài sân. Hóa ra là do quá căn thù, công an huyện và xã đã “chọn” ra được hơn ba chục đối tượng mà họ cho là “oi khói”. Và cũng chả hiểu tin đồn từ đâu mà họ biết là Công an Hà Nội có con chó rất tài, nó tìm ra được tất cả thủ phạm, miễn là kẻ đó để lại một chút dấu vết gì. Thấy công an địa phương làm như vậy, Trần Thảo rất lo bởi lẽ nếu chó giám định sau thì hậu quả sẽ khôn lường.
Một đồng chí công an đưa cho Trần Thảo gói mảnh lựu đạn. Nhìn những mảnh gỗ ám khói thuốc nổ và ngửi qua cũng đã thấy nồng hơi thuốc, Thảo sợ con Rútxlan không giám biệt được. Để cho chó ổn định thần kinh trước khi vào cuộc, Thảo đưa Rútxlan vào nghỉ trong một nhà khác và yêu cầu giữ yên tĩnh tuyệt đối. Anh lấy từng mảnh gỗ ở chuôi lựu đạn ra, đun một nồi nước cho bốc hơi và để mảnh gỗ vào cho hút ẩm. Làm như vậy là để cho bay bớt mùi thuốc nổ và tăng nồng độ hơi người bám ở chuôi lựu đạn. Qua kinh nghiệm điều tra, Trần Thảo biết rõ rằng khi làm việc gì mờ ám, đối tượng thường rất căng thẳng đến “toát mồ hôi”, vì thế nguồn hơi để lại đậm đặc hơn. Anh lại cho gỡ hai viên gạch ở lỗ thủng trên tường xuống, vì anh cho rằng khi trèo lên để thả lựu đạn vào, dứt khoát cánh tay của đối tượng phải cọ vào gạch và chắc chắn có dấu hơi để lại.
Theo đề nghị của Trần Thảo, công an địa phương yêu cầu những người bị tình nghi lấy ra mỗi người một thứ đồ vật mang theo mình. Người thì bút máy, người thì dép, guốc, có người hăng hái cởi cả áo ra… Tất cả mọi thứ xếp thành hàng. Lúc đầu, mọi người có vẻ bình thản vì họ không tin là con chó nào lại có thể nhận được hơi người từ những mảnh lựu đạn ám khói, vả lại, theo họ thì: “Chó Tây chỉ to, oai, chứ không khôn bằng chó ta”. Có người còn hào hứng kể lại chuyện họ chứng kiến cảnh lính Pháp dắt chó bécgiê đi sục tìm du kích ở Bắc Ninh năm xưa ra sao, rồi họ kết luận: “Chó Bécgiê chỉ được cái to xác, bắt nạt người yếu bóng vía. Nuôi chó Tây giữ nhà thì tốt, lúc có việc, thịt không ngon”. Nhưng khi thấy Trần Thảo dắt Rútxlan ra thì mọi người im bặt. Một bầu không khí im lặng, căng thẳng và nặng nề bao trùm tất thảy. Mọi người sợ hãi thực sự vì nếu chó giám định sai, có trời mà biết số phận họ ra sao, mặc dù cán bộ công an đã giải thích cho mọi người là kết quả giám định của chó chỉ là tham khảo.
Lần giám định thứ nhất, mẫu hơi là những mảnh gỗ ở quả lựu đạn. Rútxlan lấy ra một chiếc bút máy của đối tượng Nguyễn Văn Học.
Lần giám định thứ hai, mẫu hơi là từ hòn gạch. Chó Rútxlan lại lấy ra chiếc bút máy của Nguyễn Văn Học.
Lần giám định thứ ba, mẫu hơi lại là chiếc bút máy của Học, còn vật phải tìm là những mảnh gỗ của quả lựu đạn được trộn lẫn với các mẫu gỗ vụn khác… Rútxlan chọn chính xác.
Khi thấy Rútxlan cắp mảnh gỗ chuôi lựu đạn ra, Nguyễn Văn Học rú lên: “Chó thần! Chó thần!...” rồi chắp tay vái con chó lia lịa và xin thành khẩn khai hết.
Sau vụ án đó, vào dịp tổng kết, Rútxlan được phần thưởng là chiếc cổ dề bằng xatanh đỏ có thêu dòng chữ: “Chó ưu tú nhất”.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong