Năm Dickens: Một bộ mặt khác của Charles
Bạn đọc: 2012 là năm của Dickens. Xin ông cho biết đôi nét về năm này và nhà văn này. (Nguyễn Thế Cuộc, TP Vũng Tàu)
Học giả An Chi: Dưới nhan đề “Google kỷ niệm Đại văn hào Charles Dickens”, Thegioitinhoc.vn ngày 7/2/2012 cho biết: “Ngày hôm nay 7/2/2012, Google đã đưa logo kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Đại văn hào người Anh nổi tiếng trên thế giới (thế kỷ XIX) vào Google search”.
Dưới nhan đề “Google kỷ niệm ngày sinh 200 năm của Đại văn hào Charles Dickens”, báo TTM ngày 7/2/2012 đưa tin do H.N viết theo AFP :
“Các tác phẩm của Dickens dựa trên trải nghiệm thực tế của ông, từ tuổi thơ ấu hạnh phúc sống ở Kent, đông nam nước Anh, trước khi cha ông bị tù vì nợ, đến khi ông trở thành đứa trẻ nghèo khổ. Khi còn nhỏ, ông đã phải làm việc trong nhà máy và chính đó là nơi giúp ông hình thành ý tưởng cho tác phẩm nổi tiếng nhất “David Copperfield” được xuất bản dưới dạng tiểu thuyết năm 1850. Sau đó, dù học hành không ra đầu đũa, ông vẫn tìm được việc chạy vặt trong công ty luật khi mới 15 tuổi. Chín năm sau đó, ông trở nên rất nổi tiếng với tác phẩm “The Pickwick Papers”. Ông trở thành nhà báo chuyên về mảng luật pháp”.
Dưới nhan đề “Năm của Dickens”, báo TN ngày Chủ nhật 19/2/2012 thì viết:
“Nhiều nước năm nay cũng tổ chức “Năm Dickens”, nhưng trước đó từ cuối năm 2011 đã tổ chức các triển lãm vinh danh ông. Sáng ngày 7/2 năm nay, Thái tử Anh Charles cùng phu nhân đến thăm Bảo tàng Dickens tại London và sau đó vào Tu viện Westminster đặt vòng hoa lên mộ ông. Tại đây, 180 hậu duệ của Dickens có buổi gặp mặt được cho là đông nhất từ trước tới nay. Cũng vào ngày 7/2, Hội đồng Anh còn tổ chức đọc 24 trích đoạn tác phẩm của Dickens trong 24 giờ tại 24 quốc gia như Iraq, Albania, Argentina, Australia, Pakistan, Zimbabwe… Hoạt động này còn diễn ra tại thành phố Portsmouth, nơi đại văn hào sinh ra và tại hạt Kent, nơi ông qua đời… Ngày 14/2 vừa qua, ở Điện Buckingham cũng có buổi đọc sách của Dickens với sự tham dự của Nữ hoàng Elizabeth II”... v.v.
Charles Dickens danh vang thế giới, nhưng về một mặt khác thì ít ai biết rằng, đây là một kẻ phân biệt chủng tộc hạng nặng, như Gideon Polya đã vạch trần trong bài “Genocidal Racist Charles Dickens (1812-1870),Indian Holocaust And UK - US Muslim Genocide” (Charles Dickens, [1812-1870] kẻ kỳ thị chủng tộc mang tư tưởng diệt chủng, Cuộc đại tàn sát người Ấn Độ và tội diệt chủng của Anh và Hoa Kỳ đối với người Hồi giáo), đăng trên Countercurrents.org ngày 10/2/2012. Sau khi nhắc lại rất tóm tắt sự nghiệp của Dickens, Polya viết:
“Nhưng điều mà người ta sẽ quên nói tại những buổi kỷ niệm là trong thực tế thì Charles Dickens là một kẻ phân biệt chủng tộc mang tư tưởng diệt chủng (Genocidal Racist), cũng như nhiều người Anh cùng thời với ông ta. Đây là những gì ông ta đã viết cho Emile de la Rüe ngày 23/10/1857, liên quan đến vụ được gọi là cuộc Nổi loạn của Ấn Độ năm 1857 (Indian Mutiny of 1857): “Tôi ước muốn được làm Tổng tư lệnh ở đó (Ấn Độ) và đây là những gì tôi sẽ nói với bọn người phương Đông đó một cách kiên quyết (những lời này còn phải được dịch hùng hồn sang các thứ tiếng địa phương): Ta, kẻ Độc Nhất Vô Nhị, đang thực hiện chức vụ mà ta tin tưởng sâu sắc là được Chúa, chứ không phải quỷ Satan ban cho, có hân hạnh báo cho các ngươi biết rằng, ta muốn thực hiện một cách nhanh chóng nhất, bằng lòng nhân từ và bằng cách tránh những hành động độc ác, việc tiêu diệt nòi giống Ấn Độ khỏi bề mặt địa cầu vì nòi giống các ngươi đã làm cho quả đất bị biến dạng bằng những hành động tàn bạo kinh tởm gần đây”.
Câu trên đây của Charles Dickens được Polya dẫn từ quyển “Dickens and the Empire. Discourses of class, race, and colonialism in the works of Charles Dickens” (Dickens và Đế quốc [Anh]. Luận giải về giai cấp, chủng tộc và chủ nghĩa thực dân trong công trình của Charles Dickens) của Grace Moore (Ashgate Publishing, Aldershot, UK, 2004).
Còn Emile de la Rue thì thuộc một gia đình tai to mặt lớn trong giới tài chính ở Genève (Thụy Sĩ), có quan hệ với nhiều ngân hàng của châu Âu. Dòng họ De la Rüe cũng có mở một ngân hàng ở Genova (Italia). Nói như thế để thấy rằng, tuy có lúc tụt xuống tận đáy xã hội nhưng Charles Dickens là con người của giới thượng lưu nên lập trường của ông ta là đứng về phía bọn bóc lột và bọn thực dân xâm lược. Cuộc nổi loạn năm 1857 thực chất là cuộc Chiến tranh giành Độc lâp của Ấn Độ (1857 Indian War of Independence) mà binh sĩ yêu nước Ấn Độ trong đạo quân thuộc địa đã lôi kéo được nhiều bộ phận dân chúng, khiến 2.000 tên lính Anh đã bị giết chết và đẩy Đế quốc Anh đến bờ vực thẳm. Hẳn là vì vậy nên Dickens mới hằn học đến như thế.
Để trả đũa, bọn thực dân Anh đã tiến hành một cuộc tàn sát chưa từng có. Sử gia người Ấn Độ Amaresh Misra đã khẳng định trong quyển “War of Civilizations: India AD 1857” (Rupa & Co, India, 2007) rằng, bọn thực dân Anh đã tàn sát 10 triệu người Ấn Độ trong vòng 10 năm để trả thù cho 2.000 tên lính Anh bị giết. Misra gọi đây là một Holocaust (cuộc đại tàn sát). Trong bài “India's secret history: A holocaust, one where millions disappeared...” (Bí sử của Ấn Độ: Một cuộc đại tàn sát mà hàng triệu người mất mạng), đăng trên The Guardian, ngày 24/8/2007, Randeep Ramesh cũng thừa nhận điều này trong khi những cây bút Ăng-lê có chủ ý phủ nhận cuộc đại tàn sát này thì nói chỉ có 100.000 người bị sát hại. Ý kiến của The Guardian là: “Chúng tôi thành tâm hy vọng rằng, bài học đã được dạy này sẽ không bao giờ bị lãng quên…”. Tờ L'Estaffette của Pháp thì: “Can thiệp để ủng hộ dân Ấn Độ, tung tất cả hạm thuyền của chúng ta ra khơi, phối hợp những nỗ lực của chúng ta với của người Nga chống lại nhà cầm quyền Anh ở Ấn Độ…, đó là đường lối duy nhất thực sự xứng đáng với những truyền thống vinh quang của nước Pháp”.
Charles Dickens thì sao? Thì đứng về phía bọn thực dân xâm lược. Gideon Polya kêu gọi:
“Những người lương thiện cần phải thông tin cho những người mình có thể (thông tin) về những sự tàn bạo mà bọn Anglo-Saxon và đồng minh của chúng đã phạm phải và là trừng phạt và tẩy chay trong mức độ có thể tất cả mọi chính trị gia, đảng phái, đất nước và tập đoàn đa quốc gia nào đồng lõa với Liên minh chiến tranh của Hoa Kỳ chống lại người Hồi giáo, người Arập, người châu Á và người châu Phi”.
Vầng hào quang xung quanh Charles Dickens như thế thì cũng chẳng lấy gì làm chói lọi.
A.C