Vinacomin: Những công trình dọc chiều dài đất nước
Dẫu có đến nhiều lần, nhưng cứ mỗi khi đi Tây Nguyên và các tỉnh miền Nam Trung Bộ, trong lòng chúng tôi lại thấy bâng khuâng. Tây Nguyên, vùng đất đỏ bazan kỳ vĩ cứ cuốn hút những ai đặt chân tới đây, mỗi lần đến là mỗi lần bắt gặp những đổi thay, khác lạ. Sự thay đổi của cả vùng đất đã đành, nhưng thay đổi mạnh mẽ hơn cả là những công trình, những con người của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (Vinacomin). Chuyến đi này của cánh phóng viên chúng tôi còn thú vị hơn những lần trước, bởi lần này cả đoàn đi bằng đường bộ, dọc theo chiều dài đất nước…
Ngày thứ nhất, xe đi từ sáng sớm cho đến tối khuya thì đến Huế. Sáng hôm sau, xe vượt qua dãy Trường Sơn hùng vĩ, qua Kon Tum để đến Gia Lai. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Công ty Hóa chất mỏ Tây Nguyên, đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ - Vinacomin. Công ty Hóa chất mỏ Tây Nguyên có trụ sở tại số 444/4 Lê Duẩn, thành phố Pleiku, Gia Lai. Đó là một văn phòng cao tầng khang trang, trên một mảnh đất đỏ rộng rãi. Đã sang buổi chiều, ánh nắng vàng trải dài nhưng mát mẻ, không gay gắt như nắng miền Bắc làm cho chúng tôi cảm thấy rất dễ chịu. Văn phòng khá yên ắng.
Tiếp chúng tôi, ông Vũ Trường Thông, Phó giám đốc, Chủ tịch Công đoàn công ty hồ hởi như đón người trong nhà vừa đi xa trở về. Ông cho biết, văn phòng chỉ có vài chục người làm nghiệp vụ, còn lại tất cả anh em đều làm việc rải rác trên nhiều vị trí công trường theo các hợp đồng với các đơn vị. Cũng như nhiều công ty hóa chất mỏ khác trên các vùng miền khác nhau, đơn vị cũng làm cung ứng và dịch vụ khoan nổ từ lớn tới nhỏ mỗi năm hàng ngàn tấn cho các đơn vị trong vùng. Khó khăn thì nhiều do có nhiều đơn vị nhỏ lẻ, lại xa xôi, chi phí sản xuất lớn, nhưng anh em trong đơn vị cứ thay nhau gắn bó, bám trụ và hoàn thành kế hoạch hằng năm. Nhiều người đã ở lại và xây dựng gia đình ngay trên vùng đất này.
Công trình đê lấn biển Bình Thuận và công trình Tổ hợp Alumin Nhân Cơ (bên phải)
Sáng sớm hôm sau, Pleiku vẫn còn chìm trong màn sương dày đặc, trong cái lạnh se se, chúng tôi rời thành phố xinh đẹp này, vượt qua Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk đến tỉnh Đắk Nông. Đường Tây Nguyên không rộng nhưng thông thoáng. Khi đi lên cao có thể nhìn hết tầm mắt thấy một vệt dài giữa bạt ngàn màu xanh của rừng cao su, điều, cà phê, ca cao, tiêu… Thi thoảng có những chiếc xe công nông của người dân trồng trọt chở đầy nông sản ung dung trên đường. Có những xe chở theo cả phụ nữ và bốn năm đứa trẻ, nồi niêu, cuốc xẻng và đặc biệt có cả… mấy chú chó. Đó là đại gia đình của những người dân tộc thiểu số, chủ yếu là Êđê kéo nhau lên nương. Xe đi khá nhanh, tầm quá đầu giờ chiều đã qua Buôn Mê Thuột đến Gia Nghĩa, thủ phủ của tỉnh Đắk Nông.
Tới Vinacomin Hotel, dù mệt mỏi nhưng chúng tôi không thể ngồi yên vì muốn tìm hiểu ngay về hoạt động của các đơn vị. Vậy là lại sửa soạn máy ảnh, giấy bút lên đường. Cánh phóng viên chúng tôi tỏa đi mỗi người một ngả vì ở vùng đất này, cách nhau không xa, có nhiều đơn vị trực thuộc Tập đoàn đang làm việc tại đây. Đó là Công ty Khai thác khoáng sản Tây Nguyên (Tổng Công ty Đông Bắc); Ban Quản lý Dự án Alumin Nhân Cơ; Công ty Xây lắp Môi trường - Vinacominvà một số đơn vị dịch vụ khác. Trong đó, Công ty Khai thác khoáng sản Tây Nguyên là đơn vị tiên phong trong việc tìm kiếm, thăm dò quặng bauxite tại Tây Nguyên.
Riêng nhóm chúng tôi chọn đơn vị thuộc Tổng Công ty Đông Bắc để tìm hiểu. Xuất phát từ chủ trương của Đảng, Chính phủ về đầu tư khai thác bauxite, sản xuất alumin và luyện nhôm tại Tây Nguyên, năm 2004, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc điều động một số công nhân, cán bộ vào địa bàn Tây Nguyên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, tìm kiếm quặng bauxite tại tỉnh Đắk Nông. Các anh thuê nhà dân và bắt đầu từ những lỗ khoan đầu tiên trên vùng hoang vu. Điều bất ngờ đối với các chiến sĩ của công ty là trữ lượng bauxite tại 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng khá lớn và dễ khai thác.
Cuối 2005, Xí nghiệp Khai thác khoáng sản Tây Nguyên tiền thân của Công ty Khai thác khoáng sản Tây Nguyên - Tổng Công ty Đông Bắc chính thức đi vào hoạt động. Lần lượt sau đó, hai dự án tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng và Nhân Cơ bắt tay vào triển khai thử nghiệm. Dẫu có không ít khó khăn, trở ngại do đây là hoạt động khai thác và sản xuất công nghiệp nhôm đầu tiên ở nước ta. Đi đầu thường đồng nghĩa với khó khăn, thách thức. Nhưng với những bước đi thận trọng, giờ đây, những mẻ alumin đầu tiên đã ra lò và xuất đi các nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nền công nghiệp nhôm còn mới mẻ này. Để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường trong tổ hợp, Tập đoàn đã thành lập Công ty Xây lắp Môi trường Nhân Cơ. Công ty có nhiệm vụ hoàn thổ những khu vực khai thác quặng và xây dựng các công trình bảo vệ môi trường ngay trong quá trình triển khai dự án.
Điều dễ nhận thấy ở những người tiên phong trên vùng đất mới, đó là sự nhiệt huyết. Khí thế lao động ở nơi nào cũng sôi nổi, ai ai cũng vui vẻ nói cười. Họ tự tin vào những công việc mình làm. Từ Nhân Cơ, Đắk Nông sang Bảo Lộc, Lâm Đồng cũng mất nửa ngày đường, phải vượt qua không biết bao nhiêu con đèo, dọc theo dòng sông Đồng Nai, nơi Vinacomin cũng đang triển khai Dự án Thủy điện Đồng Nai 5. Dự án do Vinacomin làm chủ đầu tư với tổng vốn là 5.200 tỉ đồng cũng đã vừa được ngăn dòng xong. Dự án bao gồm 2 tổ máy với công suất 150MW sẽ góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng điện cho quốc gia.
Ngày thứ 5, chúng tôi nghỉ tại Lâm Đồng. Những tấn alumin trắng muốt như đường được đóng bao và xuất xưởng tại nhà máy alumin Tân Rai đã thực sự làm cho chúng tôi thêm phấn khích và tự tin vào bước phát triển của công nghiệp nhôm hơn. Trời chiều, cơn mưa nhẹ làm cho bầu trời như giăng sương, se lạnh. Lâm Đồng một ngày như có 4 mùa trong năm ở ngoài Bắc.
Muốn cảm thụ thêm, nhưng công việc cuốn hút, hôm sau, cánh phóng viên chúng tôi lại lên đường xuôi ra Bình Thuận, nơi những người của Vinacomin đã hoàn thành dự án san gạt mặt bằng trung tâm điện lực ở Vĩnh Tân. Kỹ sư Nguyễn Cao Cường dẫn chúng tôi bước hẳn lên con đê lấn biển được coi là một kỳ tích về sức lao động của con người. Con đê như một mũi tên xuyên ra phía biển, thách thức đại dương. Hàng ngàn khối bê tông Tetrapod chắn sóng nghiêng mình ra biển như những chú chim cánh cụt xếp hàng dài tít tắp. Công trình do Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại (Tổng Công ty Đông Bắc) thi công. Hệ thống đê bao lấn biển Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 3,3km, dài nhất Việt Nam hiện nay, chiều cao đê 13,3m, chiều rộng chân đê trung bình 40m. Đây là một trong những hạng mục then chốt trong việc san gạt mặt bằng của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Cũng trong chuyến đi, trên hành trình ngược ra Bắc, ngày thứ 7, thứ 8, chúng tôi còn đến với Công ty CP than Nông Sơn, Công ty Chế biến Kinh doanh than Đà Nẵng, Công ty Hóa chất mỏ Trung Trung Bộ… Và ở đâu chúng tôi cũng thấy một vóc dáng Vinacomin vươn mình xây dựng những nhà máy, những công trình, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, tô điểm thêm cho những địa phương nói riêng, cũng như làm giàu cho đất nước nói chung.
Hùng Hải