Hãy để khoa học được là... khoa học!
Việc lập hội đồng nghiệm thu đề tài luôn là vấn đề bức xúc lâu nay của các nhà khoa học chân chính. GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Đại học New South Wales (Úc) trả lời xung quanh vấn đề này.
P.V: Ở Úc, từ khi đề tài khoa học được xét duyệt, đến khi nhà khoa học được cấp kinh phí là bao lâu, thưa giáo sư?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Thông thường, thời gian từ lúc đề cương nghiên cứu được phê chuẩn đến khi nhận tiền tài trợ chỉ 3 tháng. Mỗi năm, cơ quan tài trợ cho nghiên cứu y sinh học (National Health and Medical Research Council - NHMRC) ra thông cáo thời hạn nộp và xét duyệt đề cương.
Tháng Ba các nhà khoa học phải nộp xong đề cương. Đề cương sẽ được chọn lọc và gửi đi bình duyệt kín, đến tháng 9 thì nhà khoa học sẽ nhận được báo cáo bình duyệt, và họ có 1 tuần để trả lời. Đến tháng 11, NHMRC sẽ thông báo kết quả đề cương nào được tài trợ, họ không công bố những đề cương không được tài trợ. Đến đầu tháng Một năm sau thì tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của trung tâm nghiên cứu của nhà khoa học.
Những người nghiên cứu khoa học cần sự minh bạch trong quy trình xét duyệt đề tài và cấp kinh phí
P.V: Ở Úc có cơ chế công khai tài chính, công khai các khoản chi cho nghiên cứu khoa học không, thưa giáo sư?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi đoán cũng giống như bên Việt Nam, một đề cương nghiên cứu ở Úc cũng có những khoản chi cụ thể cho nhân sự, thiết bị nghiên cứu và dịch vụ. Tất cả các khoản chi trong đề cương phải phù hợp với qui định của NHMRC, cơ quan xét duyệt và quyết định tài trợ. NHMRC công bố những qui định về tiền lương cho các cấp nhân sự trong công trình nghiên cứu (nếu công trình cần tiền lương), nhà khoa học được phép chi cho cái gì và chi bao nhiêu. Chẳng hạn như, NHMRC không chi cho những khoản như mời khách nước ngoài đến giảng, hay những chi phí mang tính cơ sở vật chất.
P.V: Một vấn đề các nhà khoa học Việt Nam đã mong muốn từ lâu là giảm bớt các "khâu trung gian" trong xét duyệt đề tài nghiên cứu. Theo GS, mô hình nào phù hợp để các nhà khoa học Việt Nam không phải qua nhiều "cầu" mà vẫn tiếp cận được nguồn đầu tư cho KHCN? Làm thế nào để rút ngắn thời gian xét duyệt đề tài khoa học?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi không hiểu lắm về "khâu trung gian" trong xét duyệt đề tài nghiên cứu. Ở các nước trên thế giới mà tôi có kinh nghiệm duyệt đề tài cho họ thì qui trình 4 bước rất đơn giản. Bước 1, nhà khoa học đệ trình đề cương; bước 2, cơ quan xét duyệt sẽ gửi đề cương cho 3 chuyên gia bình duyệt về ý tưởng, phương pháp, thành tích khoa học của chủ đề tài; bước 3, nhà khoa học trả lời; và bước 4, cơ quan tài trợ sẽ dựa vào trả lời của nhà khoa học và báo cáo của các chuyên gia bình duyệt mà ra quyết định.
Thời gian bình duyệt thường 3 tháng, và theo tôi đó là thời gian có thể chấp nhận được.
P.V: Ở Việt Nam, Bộ Tài chính chỉ có thời gian 3 tháng để xét duyệt các đề tài để trình Chính phủ và Quốc hội. Nhưng Bộ Tài chính luôn bị chỉ trích là nguyên nhân gây chậm trễ trong việc cấp kinh phí nghiên cứu. GS có đồng ý với điều này? Liệu các đồng nghiệp của ông ở Việt Nam còn nêu nguyên nhân nào khác không?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi cũng có theo dõi những trao đổi giữa Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ xung quanh việc cấp kinh phí nghiên cứu, nhưng rất khó hiểu. Chẳng hạn như tôi không hiểu sao lại phải trình lên cao thế. Có lẽ vì tôi không quen với những thủ tục trong nước, nên không hiểu.
Ở Úc, chúng tôi (những nhà khoa học) làm việc và nhận tiền từ cơ quan tài trợ (như NHMRC), chứ chẳng liên quan gì với Bộ Tài chính. Trong thực tế, mỗi năm Bộ Tài chính Úc dựa vào qui hoạch của ngân sách Chính phủ mà cấp ngân sách cho NHMRC, và NHMRC chi tiền cho các nhà khoa học theo luật định. NHMRC chỉ chuyển khoản cho chúng tôi, chứ họ không cần báo cho Bộ Tài chính. Tôi không hiểu tại sao một cách làm đơn giản như thế không thể thực hiện được ở nước ta.
P.V: Theo GS làm thế nào để ngăn ngừa việc lo lót để được duyệt cũng như quyết toán đề tài?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Theo tôi hiểu, hiện nay các cán bộ hành chính của Sở và Bộ Khoa học và Công nghệ có quyền can thiệp vào việc tuyển chọn đề tài nghiên cứu để đưa ra xét duyệt, thậm chí chọn cả hội đồng chuyên môn để xét duyệt đề tài nghiên cứu! Đó là một cách làm rất lạ, vì họ đã can thiệp vào khoa học. Đáng lẽ các quan chức nên đóng vai trò người quản lí, chứ không can thiệp vào khoa học.
Ở Úc và các nước như Mỹ, các hội đồng khoa học được hình thành từ sự thẩm định của giới khoa học và họ độc lập với giới quản lí. Nhà quản lí quyết định dựa vào đề nghị của hội đồng xét duyệt. Hội đồng xét duyệt chỉ đóng vai trò chuyên môn mà không quan tâm đến tiền bạc. Với qui trình và cách tổ chức như thế, hoàn toàn không có những "lem nhem" với bất cứ ai.
P.V: Thưa giáo GS, ở Úc, các cơ quan của Bộ KHCN có phải là "cấp trên" của các nhà khoa học?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi nghĩ Bộ Khoa học và Công nghệ không phải là cấp trên của chúng tôi, những người làm khoa học. Bộ là cơ quan quản lí.
P.V: GS từng đề nghị, kết quả của các nghiên cứu phải được công bố trên các tập san uy tín hoặc được đăng ký sáng chế. Tuy nhiên, những nghiên cứu được áp dụng trên phạm vi Việt Nam tuy rất hiệu quả (ví dụ, phát minh ra men vi sinh để ủ rơm rạ, làm phân bón) liệu có được các cơ quan khoa học uy tín của thế giới thừa nhận và công bố?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Đúng là tôi đã và đang kêu gọi nên dùng công bố quốc tế như là một tiêu chí để đánh giá thành tựu của nghiên cứu. Theo tôi hiểu Nafosted đang áp dụng tiêu chí công bố quốc tế trong việc xét duyệt và nghiệm thu đề tài nghiên cứu, nhưng các Sở và các cơ quan tài trợ khác thì chưa hay còn ngần ngại áp dụng tiêu chí này.
Nghiên cứu, dù là ứng dụng hay cơ bản, nếu có kết quả tốt thì đều có khả năng công bố quốc tế. Những ví dụ mà anh đưa ra thì rất khó nói, vì tôi không có chuyên môn để đánh giá, và đó cũng là lí do tại sao những thành tựu đó nên để cho các chuyên gia trong ngành đánh giá. Nếu để cho những người quen hay chuyên gia trong nước đánh giá thì dễ dẫn đến tình trạng “mẹ hát con khen hay” và có thể thiếu tính khách quan.
Hoàng Tuân (thực hiện)