Vinacomin: Tiêu thụ than gặp nhiều thách thức
Với việc áp dụng thuế xuất khẩu than tăng 3% áp dụng từ 1/7, mỗi tấn than Việt Nam xuất khẩu tăng từ 3,5 - 4,5 USD. Thị trường tiêu thụ than 6 tháng cuối năm vẫn là thách thức khi giá than liên tục giảm. Đây cũng là vấn đề khiến ngành Than lo cân đối tài chính.
Cập nhật thị trường than quốc tế đến ngày 8/7 cho thấy than nhiệt năng của Australia loại 9A (tương đương 9A Hòn Gai) có giá 76,6 - 79 USD/tấn, tuy nhiên hiện loại than này Vinacomin đang chào giá 105 USD/tấn. Than của Quảng Châu (Trung Quốc) loại 11A giá bán khoảng 55 - 56 USD/tấn, còn than của Việt Nam đang chào 69 USD/tấn.
Thị trường tiêu thụ than 6 tháng cuối năm vẫn là thách thức khi giá than liên tục giảm
Theo Tổng Giám đốc Vinacomin Lê Minh Chuẩn, từ ngày 20/6 đến nay, Tập đoàn chưa ký thêm được hợp đồng xuất khẩu nào. Nếu không áp dụng mức thuế xuất khẩu thêm 3% và giá than giữ như mức trung bình của quý II, triển vọng mỗi quý Vinacomin sẽ xuất khẩu 3,5 - 4 triệu tấn than từ nay đến cuối năm. Điều này khiến Tập đoàn duy trì được sản lượng tiêu thụ gần 43 triệu tấn than (xuất khẩu và tiêu thụ nội địa). Nhưng với việc thuế xuất khẩu tăng từ 1/7, khả năng tiêu thụ cả năm của Tập đoàn chỉ dừng ở mức 37 - 38 triệu tấn, ảnh hưởng nhiều đến việc làm và duy trì nguồn vốn đầu tư cho phát triển lâu dài của Ngành.
Để tháo gỡ khó khăn, hiện nay, ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống, Vinacomin đang mở rộng xuất khẩu than ra các thị trường mới để cân đối nguồn tài chính.
Ngoài ra, Tập đoàn cũng điều tiết sản xuất nội bộ theo hướng các doanh nghiệp có giá thành thấp do điều kiện thuận lợi khai thác sẽ đẩy mạnh sản xuất nhiều hơn, các doanh nghiệp còn lại có giá thành sản xuất cao sẽ chỉ sản xuất theo đúng kế hoạch nhằm hỗ trợ cho nhau.
Được biết, hết 6 tháng, lợi nhuận của Tập đoàn đạt 600 tỷ đồng, bằng 24% kế hoạch năm nhưng lợi nhuận từ than rất ít mà chủ yếu từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các sản phẩm khác của ngành mang lại.
PV