Snowden tiếp tục gây náo loạn ngành ngoại giao thế giới
(Petrotimes) - Việc Brazil triệu hồi đại sứ Mỹ để phản đối hôm 9/7 là động thái mới nhất cho thấy những tiết lộ của Snowden đang khiến phần còn lại của thế giới ngày càng thiếu tin tưởng vào Mỹ.
Brazil đang điều tra các cáo buộc nói rằng Mỹ theo dõi điện tử các công dân nước này, trong khi Tổng thống Dilma Rousseff tuyên bố nếu cáo buộc là thật thì hành động đó có thể vi phạm chủ quyền Brazil
Chính phủ Brazil ngày 8/7 nói rằng họ sẽ điều tra về tin cho biết Mỹ theo dõi điện thoại và email của người dân Brazil. Loan báo được đưa ra sau khi tờ O Globo ở Brazil, số ra ngày 7/7, đưa tin Cơ quan An ninh Quốc gia NSA của Mỹ thu thập thông tin của hàng tỉ cú điện thoại và trang email của người dân Brazil, dựa trên sự tiết lộ của Edward Snowden, cựu nhân viên đã bỏ trốn của NSA.
Tờ O Globo cũng cho biết NSA đã được sự tiếp tay của một số công ty viễn thông Mỹ đang liên doanh với các công ty Brazil. Chính phủ Brazil nói họ sẽ cho điều tra các công ty Mỹ này.
Bản tin của tờ O Globo có sự chấp bút của Glenn Greenwald, nhà báo đầu tiên đã tiết lộ các tài liệu mật do Snowden cung cấp.
Ngày 9/7, Bộ Ngoại giao Brazil đã triệu đại sứ Mỹ tại Brasilia để trao công hàm phản đối. Ngoại trưởng Brazil nói rằng chính phủ ông quan tâm về một bài tường thuật của báo chí cho biết chính phủ Mỹ đã thu thập dữ liệu của hàng tỉ cú điện thoại và email ở nước ông. Ông cam kết sẽ tiến hành một nỗ lực để quyền riêng tư của người sử dụng internet được quốc tế bảo vệ. Ngoại trưởng Antonio Patriota cho biết Brazil sẽ yêu cầu Mỹ giải thích. Brazil cũng định đề nghị những thay đổi cho luật lệ viễn thông quốc tế.
Trước hành động của Brazil, hàng loạt các nước Mỹ Latinh khác đã phản pháo sau khi một số nước châu Âu không cho máy bay của Tổng thống Bolivia sử dụng không phận vì nghi ngờ chở theo cựu tình báo Mỹ Snowden. Như vậy là sau Trung Quốc, Nga và châu Âu, quan hệ giữa Mỹ với thế giới còn lại đang căng thẳng vì vụ Snowden.
Trong một thông báo mới nhất ngày 8/7, Chủ tịch Cuba Raul Castro lên tiếng ủng hộ 3 nước Mỹ Latinh đang đề nghị dành qui chế tị nạn cho cựu nhân viên hợp đồng của tình báo Mỹ Edward Snowden. Ông Castro nói rằng ông ủng hộ cho quyền của tất cả các nước trong khu vực dành qui chế tị nạn cho “những người bị bức hại vì lý tưởng của mình”.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 5/7 nói rằng ông quyết định dành cho Snowden quy chế “tỵ nạn nhân đạo” để bảo vệ cho ông này trước “sự bách hại” của Mỹ. “Nhân danh lãnh đạo quốc gia, chính phủ nước Cộng hòa Venezuela quyết định cho phép người Mỹ trẻ tuổi tên Edward Snowden được quyền tị nạn nhân đạo, nhờ thế người này có thể sống (mà không sợ bị) … đế quốc truy tố”- Tổng thống Maduro tuyên bố. Không rõ Venezuela đưa ra đề nghị này có kèm theo điều kiện nào không. Ngày 9/7, Tổng thống Maduro xác nhận Venezuela đã nhận đơn xin tị nạn chính thức của Edward Snowden, đồng thời kêu gọi nhân vật này nên sớm ấn định thời gian khởi hành nếu quyết định chọn Venezuela làm điểm đến an toàn.
Ngày 5/7, ở Nicaragua, Tổng thống Daniel Ortega nói ông cũng có đề nghị tương tự “nếu tình huống cho phép”, nhưng không nêu rõ tình huống ấy là gì. Ông phát biểu trong một bài diễn văn đọc tại thủ đô Managua: “Chúng ta có quyền giúp người cảm thấy hối tiếc sau khi khám phá thấy Mỹ đã sử dụng kỹ thuật để do thám khắp thế giới, đặc biệt là đối với các đồng minh ở châu Âu”.
Sau Venezuela, Nicaragua đến lượt Bolivia tuyên bố sẵn sàng cấp quy chế tỵ nạn cho Edward Snowden. Hôm 6/7, Tổng thống Evo Morales cho biết Bolivia sẵn sàng đón tiếp Edward Snowden. Tổng thống Morales nói: “Nếu anh ta đệ đơn xin đúng theo quy định luật pháp, chúng ta sẽ cho anh ta tỵ nạn. Đối với chúng ta, điều này không có vấn đề gì cả và chúng ta không sợ hãi. Bởi vì anh ta đã thông báo cho chúng ta biết cách thức mà chính phủ Mỹ kiểm soát chúng ta một cách bất hợp pháp. Tôi lưu ý chính phủ các nước châu Âu và Mỹ rằng chúng tôi sẽ cho tỵ nạn tất cả những ai tố cáo hoạt động gián điệp của Mỹ và họ bị truy bức về chính trị”.
Hiện chưa rõ Snowden sẽ làm thế nào để có thể đáp máy bay tới một trong ba nước vừa kể. Còn nhớ, hôm 2/7, sau cuộc họp thượng đỉnh tại Matxcơva của một số các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, khi từ Nga trở về, máy bay của Tổng thống Bolivia Morales bị từ chối đi ngang không phận 4 nước Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và buộc phải quay lại đáp xuống Vienna, Áo, vì nghi ngờ có chở theo Edward Snowden. Ngày 5/7, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garia-Margallo nói rằng Tây Ban Nha và các nước châu Âu khác có hành động vì nhận được tin Snowden ở trên máy bay của Tổng thống Bolivia. Nhưng ông từ chối không nói có sự liên lạc nào với Mỹ hay không.
Ngày 4/7, các nhà lãnh đạo một số nước Nam Mỹ đã họp và cực lực phản đối Mỹ cùng các nước châu Âu trong vụ gây trở ngại với máy bay của Tổng thống Bolivia. Các nước Nam Mỹ nói rằng hành động đối với máy bay của Tổng thống Bolivia là vi phạm công pháp quốc tế, có tính cách gây hấn và bá quyền nước lớn. Các nước này ủng hộ Bolivia trong việc chính thức khiếu nại lên Ủy hội Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Không chỉ các nước đồng minh của Tổng thống Morales, mà nhiều nước khác ở châu Mỹ Latinh đã lên án hành động mà họ xem là “làm nhục”, “xúc phạm”, “thiếu tôn trọng”, chỉ trích cả Mỹ lẫn châu Âu.
Vụ Snowden đang gây nên những tổn hại ngoại giao lớn giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới
Trong khi đó, trang mạng chuyên tiết lộ tin mật WikiLeaks ngày 7/7 nói rằng Snowden đã nộp đơn xin tị nạn thêm sáu nước khác. Snowden từng nộp ở 21 nước nhưng đã bị nhiều nước từ chối, hoặc vì họ có hiệp ước dẫn độ với Mỹ, hoặc "đang nghiên cứu". WikiLeaks cho biết họ không muốn nêu tên những quốc gia Snowden mới nộp đơn sau này, “để tránh bị Mỹ can thiệp”. Trong một phân đoạn video mới được công bố, Snowden giải thích về quyết định công khai những chương trình giám sát bí mật của Mỹ. Tờ Guardian của Anh công bố phân đoạn video này hôm 9/7, một phần trong video phỏng vấn ngày 6/6 thực hiện tại Hồng Kông.
Người ta tin rằng Snowden đang có mặt ở khu vực quá cảnh của một sân bay ở Matxcơva từ khi đến đây trên một chuyến bay từ Hồng Kông cách nay hai tuần. Người này không thể đi tiếp vì hộ chiếu đã bị chính phủ Mỹ thu hồi. Giới hữu trách Mỹ muốn Snowden được dẫn độ về Mỹ để ra tòa về các cáo trạng gián điệp, nhưng yêu cầu này bị Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ, mặc dù ông muốn Snowden rời Nga để tới một nước khác. NSA cho biết những thông tin mà họ thu thập đã giúp ngăn chận được nhiều vụ tấn công khủng bố. Snowden nói rằng người Mỹ nên biết là chính phủ đang theo dõi họ.
Theo các nhà phân tích, rất khó mà Snowden có thể sang được châu Mỹ Latinh để tỵ nạn. Theo lời ông Michael Shifter, Chủ tịch Đối thoại liên Mỹ, một trung tâm nghiên cứu và phân tích ở Washington, chính quyền những nước như Ecuador, Venezuela và Bolivia vẫn thường thách đố Mỹ, thế nhưng không một nước nào dám cắt đứt hoàn toàn bang giao với Mỹ, lý do là vì cái giá phải trả, nhất là về mặt kinh tế, sẽ rất là đắt. Ông Shifter đơn cử trường hợp của Tổng thống Rafael Correa của Ecuador, quốc gia đầu tiên mà Snowden xin tỵ nạn. Ông Correa rất hay khiêu khích Mỹ, nhưng lãnh đạo Ecuador cũng là một người rất thực dụng và quan tâm đến tình trạng kinh tế quốc gia, thành ra ông đang bị dằng co rất dữ.
Ngay chính Ngoại trưởng Ecuador Francisco Carrion cũng nhìn nhận rằng, “nếu máy bay chính thức của tổng thống một nước mà bị cấm bay qua không phận một quốc gia khác, thì làm sao Snowden có thể đến châu Mỹ Latinh được?”. Trả lời AFP, ông Carrion tuyên bố: “Cho dù châu Mỹ Latinh vẫn có truyền thống đón tiếp tỵ nạn rất hào phóng, nhưng sẽ rất khó mà Snowden có thể đến được Ecuador”.
Về phần Patricio Navia, một học giả Chilê, thì ghi nhận rằng nhiều nước châu Mỹ Latinh đã tránh không bị lôi kéo vào vụ này. Hơn nữa, nếu một quốc gia nào bảo vệ một nhân vật đã từng tiết lộ bí mật các quốc gia khác, thì quốc gia đó sẽ có nguy cơ sau này cũng bị lộ thông tin mật.
Trong một phát biểu ngày 7/7, Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho hay vụ Edward Snowden tiết lộ các chương trình do thám của Mỹ đã làm tổn thương mối quan hệ với các quốc gia khác và ảnh hưởng tới “sự quan trọng của việc tin tưởng lẫn nhau”.
H.Phan (tổng hợp)