Hợp đồng thi hộ chặn đứng ước mơ vào trường công an, quân đội
Được bao cấp tiền ăn, tiền học, sau khi tốt nghiệp được sắp xếp việc làm - chính những “sức hút” ấy đã khiến nhiều sĩ tử ước mơ được theo học các trường của ngành công an và quân đội.
Những hợp đồng thi hộ...
Sau ba buổi thi đại học đợt I, toàn quốc có 134 thí sinh bị kỷ luật, trong đó khiển trách 19, cảnh cáo 4 và đình chỉ 111, lỗi chủ yếu là mang điện thoại vào phòng thi. Đặc biệt, trong số này có 2 trường hợp bị đình chỉ do nhờ người thi hộ.
Cụ thể, trong buổi thi môn đầu tiên của đợt I - Kỳ tuyển sinh 2013 (môn Toán, khối A), diễn ra vào ngày 4/7, tại điểm thi số 5 trường THCS Nguyễn Trãi (quận Hà Đông, Hà Nội) - điểm thi của Học viện An ninh, giám thị đã nghi ngờ một thí sinh không giống với ảnh trong giấy báo thi. Ngay sau đó, vị giám thị này đã báo cáo với Ban Chỉ đạo tuyển sinh và Công an thành phố Hà Nội. Sau khi hết giờ làm bài, thí sinh này được mời về Hội đồng thi để kiểm tra.
Tất cả các thí sinh khi vào phòng thi đều phải xuất trình thẻ dự thi để đối chiếu
Bằng các biện pháp nghiệp vụ như hỏi tên, tuổi của bố mẹ, tên cô giáo chủ nhiệm lớp 12, thí sinh này không trả lời được, thừa nhận là người đi thi hộ và bị cơ quan chức năng tạm giữ để điều tra mở rộng xem có đường dây thi hộ hay không.
Theo Thượng tá Vũ Minh Chính - Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83, Công an Hà Nội), người thi hộ tên Lưu (26 tuổi, quê ở tỉnh Hà Nam); còn thí sinh được thi hộ tên Sơn (18 tuổi, quê ở tỉnh Lạng Sơn). Lưu từng là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng do ham chơi, nợ nhiều môn nên đã bị buộc thôi học.
Tại cơ quan công an, Lưu khai nhận đã quen biết Sơn và được gia đình Sơn nhờ Lưu thi hộ vào Học viện An ninh. Nếu thành công sẽ bồi dưỡng 50 triệu đồng. Qua điều tra, phòng PA83 cho rằng đây chỉ là trường hợp cá biệt, không có dấu hiệu mang tính tổ chức.
Sau vụ thi hộ vào Học viên An ninh bị đưa ra ánh sáng, vào buổi thi môn cuối của đợt I này (môn Hóa, diễn ra vào sáng ngày 5/7-PV), giám thị ở điểm thi Đại học Phòng cháy Chữa cháy nghi ngờ một thí sinh không giống với ảnh trong thẻ dự thi nên báo cáo lên Hội đồng tuyển sinh. Nhận báo cáo, Hội đồng tuyển sinh đã chỉ đạo giám thị cứ cho thí sinh làm bài thi, cuối buổi đưa em này về hội đồng để xác minh.
Kết thúc thời gian làm bài, chờ thí sinh này nộp bài thí xong, giám thị đã mời thí sinh này lên Hội đồng tuyển sinh để xác minh. Bị hỏi về thông tin trong hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh này trả lời nhiều câu không khớp. Lãnh đạo hội đồng tiếp tục kiểm tra dấu hiệu nhận biết trên chứng minh thư nhân dân thì thấy không giống. Thí sinh này sau đó phải thừa nhận được thuê thi hộ. Ngay sau đó, Hội đồng tuyển sinh trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy báo cáo sự việc với lãnh đạo cấp trên và mời công an quận vào làm việc.
Theo Đại tá Đinh Ngọc Tuấn Hiệu - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy, phụ trách tuyển sinh, đây là lần đầu tiên nhà trường phát hiện trường hợp thí sinh nhờ người thi hộ. Trước kỳ thi, giám thị được tập huấn và phổ biến rất kỹ về quy chế và các hình thức gian lận mà thí sinh có thể vi phạm. Hiện nay ảnh chụp được photoshop nhiều nên đôi khi không giống người thật bên ngoài. Hơn nữa, chọn người thi hộ thì người ta cũng mất nhiều công sức để tìm người có nét tương đồng trên gương mặt.
Sức hút của những trường công an, quân đội...
Theo Quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, những thí sinh nhờ người khác thi hộ, làm bài hộ dưới mọi hình thức bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường trong hai năm tiếp theo, hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi vào phòng thi mang theo tài liệu; phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi; vũ khí, chất gây nổ, gây cháy; viết vẽ nội dung không liên quan đến bài thi... thí sinh sẽ bị đình chỉ thi.
Hình phạt đối với những hành vi gian lận trong thi cử rất nghiêm, thế nhưng năm nào cũng có những trường hợp cố tình vi phạm. Những mùa tuyển sinh năm trước, các trường hợp gian lận trong tuyển sinh đại học, cao đẳng chủ yếu như mang tài liệu vào phòng thi, mang điện thoại vào phòng thi...
Thí sinh đang làm bài thi ở một điểm thi của trường công an.
Thế nhưng, sau ba buổi thi đại học đợt 1, toàn quốc có 134 thí sinh bị kỷ luật. Đặc biệt, hai trường hợp thi hộ đã bị phát giác đưa ra ánh sáng kịp thời, đó là trường hợp thi vào Học viện An ninh và Đại học Phòng cháy Chữa cháy.
Theo Thượng tá Vũ Minh Chính, các trường hợp thi hộ thường xảy ra ở trường công an, quân đội vì những trường này học không mất tiền, tốt nghiệp lại được sắp xếp công việc ngay. Hơn nữa, thí sinh và phụ huynh nghĩ rằng khi đã qua sơ tuyển, việc thi hộ sẽ dễ dàng hơn.
Thiên Minh