Giường Procuste là giường gì?
Bạn đọc: Xin cho biết giường Procuste là giường gì? (Nguyễn Thế Hùng)
Học giả An Chi: Procuste là biệt danh của một tướng cướp trong thần thoại Hy Lạp, tên thật là Polypémon, còn có tên là Damastès. Biệt danh của hắn ta trong tiếng Hy Lạp cổ đại là Prokroústês, có nghĩa là “nện để kéo dài”. Hắn hoạt động dọc theo con đường đi từ Athens đến Éleusis và tra tấn những nạn nhân mà hắn bắt được bằng cách trói họ vào chiếc giường của hắn. Nếu họ quá khổ, hắn sẽ cắt những phần thò ra (khỏi giường); nếu họ nhỏ quá, hắn sẽ kéo dài họ ra cho bằng (chiều dài của chiếc giường). Có dị bản kể rằng hắn ta có hai chiếc giường, một nhỏ, một lớn. Hễ nạn nhân nào to xác thì hắn đặt lên chiếc giường nhỏ rồi chặt những phần thừa ra. Hễ nạn nhân nào nhỏ con thì hắn đặt lên chiếc giường to rồi kéo ra cho dài bằng. Về sau, Procuste đã bị Thêseús bắt phải đền tội cũng bằng chính cực hình này.
Người ta thường dùng lối nói chiếc giường của Procuste để ám chỉ cái xu hướng muốn quy mọi người hoặc mọi thứ về một cái mẫu người duy nhất, một kiểu tư duy duy nhất, một kiểu hành động duy nhất, v.v... Lối nói chiếc giường của Procuste còn được dùng để chỉ một tư thế giao hợp khi mà chân của một trong hai người ló ra khỏi giường. Cách dùng ẩn dụ tính dục này đã có từ thời cổ đại, chẳng hạn trong tác phẩm “Đại hội phụ nữ” (Ekklēsiázdousai) của Aristophane, viết vào khoảng 396 tr.CN. Nhưng nghĩa trước mới là nghĩa được dùng một cách phổ biến.
Góp ý cho việc “Hướng tới một triết lý dạy văn”, trên Tuổi Trẻ cuối tuần ngày 18/8/2006, nhà giáo Trần Phò đã viết:
“Dĩ nhiên chấm thi thì phải có đáp án. Nhưng chỉ biết có đáp án mà quên mất thực tế bài làm của thí sinh thì có khác gì người đi sửa giày chỉ tin vào cái ni chân của mình! Huống chi “cái ni” dù là lý tưởng mấy cũng chỉ là một kiểu giường Procuste mà thôi (…)! Từ thực tế chấm thi, tôi cảm thấy lo lắng ít nhiều chúng ta vận dụng đáp án như một kiểu giường Procuste”.
Trong lĩnh vực ngữ học ở nước ta, Cao Xuân Hạo là người đã dùng thành ngữ chiếc giường Procuste để bài bác cái thói quen lấy khuôn mẫu ngữ pháp của châu Âu mà gò ép tiếng Việt, chẳng hạn trong quyển Phonologie et linéarité của ông do SELAF (Hội nghiên cứu Ngôn ngữ học và Nhân loại học Pháp quốc) ấn hành năm 1985 tại Paris, mà bản tiếng Việt là “Âm vị học và tuyến tính” do chính ông dịch (Nxb Khoa học xã hội, in lần thứ 3, 2006). Có thể thấy thành ngữ đang xét tại tr.186 của bản này. Nhà ngữ học người Pháp Jean-Pierre Chambon khi nhận xét về công trình này của Cao Xuân Hạo cũng viết:
“Mặt khác, Cao (Xuân Hạo – AC) đã chứng minh với một sức thuyết phục mạnh mẽ rằng, âm vị học cổ điển chỉ phản ánh “những quy luật của một số hệ thống âm vị học thuộc một loại hình nhất định: loại hình của các thứ tiếng châu Âu”. Đem dùng cho các ngôn ngữ khác, nó chỉ có thể gò các ngôn ngữ ấy vào một cái giường Procuste mà thôi” (Sđd, tr.405).
Trong lĩnh vực thời sự thì L'Observatoire de l'Europe ngày 4/12/1011 đã đăng lại bài có nhan đề “Leuro, lit de Procuste insoutenable” (Đồng euro, chiếc giường Procuste không thể bảo vệ) với lời dẫn:
“Liên minh châu Âu, đó là 27 nền kinh tế có những nhu cầu khác nhau, những sự đặt cược khác nhau và những kết quả khác nhau. Hy Lạp chỉ có thể nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng bằng cách dành ưu tiên cho những tài nguyên và những sự đầu tư của chính mình chứ không phải bằng cách ngả theo một sự quản trị về kinh tế của 27 nước trong đó nó sẽ thua ngay từ vạch xuất phát. Hy Lạp chỉ có thể thoát khỏi khủng hoảng nếu Liên minh châu Âu thích nghi với nó, chứ không phải là ngược lại”.
Cùng vấn đề trên, Russia Today ngày 11/12/2011 có bài “Đồng euro: chiếc giường Procuste đó…” (The Euro: That Procrustean Bed...) của Adrian Salbuchi trong đó tác giả đã mở đầu:
“Những cố gắng của các nhà lãnh đạo châu Âu nhằm lùa một loạt nước khác nhau vào một cái rọ tài chính cứng nhắc tất phải thất bại. Nhưng đây là một phần của một kế hoạch dài hạn nhằm thiết lập một siêu - tiền tệ toàn cầu (global super-currency), đồng tiền này chỉ có thể đem lại thêm nhiều nỗi đau khổ cho những người lao động bình thường mà thôi. Ngày nay người ta càng ngày càng phải tự hỏi: Hà cớ gì mà dân châu Âu lại chấp nhận việc đặt ra chỉ một đồng tiền cho toàn châu Âu?”.
Sau khi thuật lại sự tích chiếc giường Procuste, Adrian Salbuchi viết tiếp:
“Câu chuyện xưa về chủ đề “tầm vóc duy nhất” có vẻ như lại đang được thể hiện ở thế kỷ XXI khi mà dân châu Âu lại dễ bị thuyết phục để áp đặt cho mình một sự ranh mãnh ngớ ngẩn, một mâu thuẫn khái niệm hiển nhiên mà họ gọi là đồng euro.
“Đồng tiền siêu quốc gia do người Pháp và người Đức bày đặt ra, bị người Anh tẩy chay, không được người Thụy Sĩ biết đến, do người Đức điều khiển và được phần còn lại của châu Âu chấp nhận với một sự ngu dốt hân hoan, cuối cùng đã rơi mặt nạ và để lộ bộ mặt kinh tởm của nó: bộ mặt của một hệ thống bất khả thi, chỉ phục vụ cho bọn chủ ngân hàng và gây thiệt hại cho những người lao động”.
Trở lên là vài thí dụ về cách sử dụng thành ngữ chiếc giường Procuste trong một vài lĩnh vực khác nhau.
A.C