Kiếm sống bằng… "luộc" vòng hoa đám tang
Có rất nhiều thứ "quay vòng" quanh mỗi chiếc vòng hoa viếng đám tang. Có hẳn một "nghề" ra đời chỉ để sống dựa vào tình cảm của người sống dành cho người đã khuất - đó là nghề "luộc" vòng hoa! "Luộc" vòng hoa có 2 loại: một loại là lấy thẳng từ cửa hàng ra bán ở cổng nhà tang lễ với giá cao, ăn tiền chênh lệch; còn có loại là mang hoa đã sử qua dụng từ nơi chôn cất về "tân trang" và... quay vòng.
Dịch vụ làm vòng hoa viếng "sôi động" trước cổng Nhà tang lễ số 5, Trần Thánh Tông
Chợ vòng hoa
Theo nhẩm tính của những người chuyên “luộc” vòng hoa ở nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5, Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội), có ngày ở đây tiêu thụ hết vài trăm vòng hoa. Đây có thể coi là mảnh đất màu mỡ, dân "luộc" hoa khắp nơi đổ về.
Ghi nhận của phóng viên chúng tôi cho thấy, ở đây có tới vài chục người chuyên “luộc” hoa, 6 cửa hàng lớn nhỏ kinh doanh vòng hoa với hơn chục thợ cắm hoa làm việc suốt ngày đêm.
Giá mỗi vòng hoa loại bình dân dao động từ 200 đến 500 nghìn đồng/vòng, loại cao cấp thì có giá cao hơn lên đến hàng triệu. Dân "luộc" vòng hoa có mặt ở khắp nơi, đặc biệt là trước cổng Nhà tang lễ. Họ dàn hàng ngang ra đường để mời chào, chèo kéo khách. Hễ ai có ý định rẽ vào cổng là họ xúm đến, mời chào, giới thiệu giá các loại vòng hoa, thậm chí chạy theo vào tận bãi xe để bán hàng.
Người dân xung quanh gọi khu vực này là... chợ hoa. Chủ một quán cà phê cạnh nhà tang lễ cho biết: “Vì đây là Nhà tang lễ thành phố nên số lượng đám tang tổ chức mỗi ngày rất đông. Hôm nào nhiều đám, thu nhập của dân "luộc" hoa lên tới hàng triệu, chính vì thế mà tình trạng tranh giành cướp khách, chuyện xô xát, mắng chửi nhau liên tục xảy ra”.
Theo tìm hiểu, trước khi tới chợ hoa, để tránh tình trạng về không, dân “luộc” vòng hoa thường gọi điện cho Nhà tang lễ hỏi xem hôm nay có bao nhiêu đám. Bà chủ quán nước trước cổng nhà tang lễ ước tính mỗi ngày nhà tang lễ tổ chức từ 4-5 đám, đám nào to tiêu thụ đến hàng trăm vòng hoa.
Xâm nhập xưởng "chế biến” vòng hoa lớn nhất miền Bắc
Chúng tôi theo chân một đám tang xuống Đài hóa thân Hoàn Vũ trong khuôn viên nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội). Sau khi làm xong các thủ tục cần thiết cho người đã khuất, có hai xe vòng hoa thì một xe được các nhân viên của nghĩa trang ném xuống hố chứa, còn một xe vòng xuống dưới, cùng người chuyên dọn vòng hoa xếp riêng ra một góc.
Một nhân viên trong Đài hóa thân Hoàn Vũ cho biết, số vòng hoa này sẽ được chôn để làm phân xanh. Hàng ngày đều có người vào dọn hố đựng vòng hoa này. Được biết, người được nghĩa trang Văn Điển thuê là gia đình ông Chương.
Ông Chương với chiếc xe ngựa chất đầy vòng hoa đi ra từ nghĩa trang Văn Điển.
Sau khi làm lễ tang, hố chứa hoa đầy, còn thừa rất nhiều vòng hoa xếp la liệt. Cứ đến khoảng 15h, lại xuất hiện một chiếc xe ngựa vào chở những vòng hoa này đi.
Bám theo xe ngựa đó, chúng tôi phát hiện thấy số vòng hoa này thực chất không được chôn để làm phân xanh như lời nhân viên nhà tang lễ nói. Nó được đưa về tập kết tại một khu đất trống nằm ngay sau nghĩa trang Văn Điển. Ở đó có vài người phụ nữ trung tuổi đang rút những chiếc mút hoa (hoa giả) từ các vòng hoa để vào bao tải.
Những chiếc mút hoa được rút ra, phân loại theo màu sắc
Trong vai một chủ cửa hàng chuyên kinh doanh vòng hoa sát nhà tang lễ xuống tìm mối lấy hàng, phóng viên đã thâm nhập “xưởng chế biến” vòng hoa đằng sau nghĩa trang này.
Những người phụ nữ nói trên đều là họ hàng nhà ông Chương. Họ đã làm thuê cho ông Chương nhiều năm, công việc của họ là rút những chiếc mút hoa, rút hoa tươi từ vòng hoa ra sau đó phân loại cho vào bao tải.
Căn cứ vào màu, mút hoa được chia làm 3 loại: đỏ, vàng và trắng. Trong đó, mút màu vàng, đỏ có giá đắt hơn: 45.000 đồng/kg, mút trắng có giá 40.000 đồng/kg. Để thuận tiện cho việc bảo quản, đóng gói, giao hàng cũng như vận chuyển, mút hoa được đóng vào bao tải với trọng lượng 4 kg/bao.
Những vòng hoa sau khi đưa ra khỏi nghĩa trang sẽ được tập kết, chỉnh sửa lại.
Cô Huyền (Vĩnh Ninh, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội) - người làm việc cho nhà ông Chương nói: “Đây là nơi cung cấp hàng gần như lớn nhất miền Bắc, khách khắp nơi đổ về đây lấy hàng, từ Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Nhà tang lễ Hà Đông, Viện 103, Bệnh viện E…, nếu thích có thể lấy hàng “ăn thẳng”. Cô Huyền giải thích hàng “ăn thẳng” là những vòng hoa còn nguyên vẹn gần như đến 90%, nếu lấy về chỉ cần chỉnh sửa lại một chút là có thể bán được.
Giá cho hàng “ăn thẳng” là gần 20.000 đồng/vòng, nếu khách muốn đặt hàng loại này phải gọi điện trước 13h chiều để còn chuẩn bị. Cô Huyền tiết lộ, hàng ngày vợ chồng ông Chương chở 5 đến 7 chuyến xe ngựa về, ước tính lến đến vài trăm vòng hoa.
Khi phóng viên đặt vấn đề với ông Chương muốn mua với số lượng lớn những nguyên liệu cũ để làm vòng hoa, nếu hàng đẹp có thể “ăn thẳng”. Ông Chương nói luôn muốn bao nhiêu cũng có và có hai hình thức để lựa chọn, một là tự đến lấy hàng, hai là ông thuê xe chở đến tận nơi và phải trả tiền thuê xe cho ông. Ông Chương còn khoe hàng ngày cứ tầm cuối giờ chiều là rất nhiều khách hàng quen của ông đến lấy hàng.
Anh Đoàn ở Hà Đông chuyên lấy hàng nhà ông Chương khuyên tôi không nên lấy hàng “ăn thẳng” vì khách hàng trong nội thành thường khó tính lắm, họ hay cần loại vòng đế to, có nhiều hoa tươi.
Vậy là thế gian đã có thêm 1 nghề: Nghề sống dựa vào vòng hoa đám tang - hiện vật thể hiện tình cảm của người sống dành cho người đã khuất!
Nguyễn Hoan