Thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sạch trong giao thông vận tải và công nghiệp
Xu hướng sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, thân thiện với môi trường là xu hướng chung của thế giới hiện nay, đặc biệt là trong giao thông vận tải (GTVT) và công nghiệp, hai lĩnh vực hoạt động được đánh giá có tác động lớn đến môi trường. Tìm hiểu về tình hình sử dụng nhiên liệu sạch trong hai lĩnh vực này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Nam - Phó giám đốc Công ty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam (PV Gas South), hiện là đơn vị duy nhất cung cấp khí sạch CNG cho GTVT và công nghiệp, đồng thời cũng là một đơn vị bán lẻ LPG hàng đầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
PV: Trong những năm qua, ở nước ta đã xuất hiện các phương tiện xe buýt “xanh”, taxi sử dụng nhiên liệu sạch CNG, đó là sản phẩm PV Gas South đang cung cấp, ông có thể cho biết sự tăng trưởng của việc sử dụng nhiên liệu CNG trong GTVT và công nghiệp hiện nay?
Ông Trần Thanh Nam: Khi mới đưa vào sử dụng khoảng từ cuối năm 2008, lượng CNG cung cấp ra thị trường chỉ khoảng 3 triệu m3. Đến nay, lượng CNG PV Gas South cung cấp cho GTVT và công nghiệp đã đạt trên 120 triệu m3/năm. Trong đó, mỗi năm chúng tôi cung cấp khoảng 3 triệu m3 cho GTVT và khoảng 120 triệu m3 cho công nghiệp. Trong GTVT, hiện công ty cung cấp CNG cho hệ thống khoảng 65 xe buýt trên địa bàn TP HCM, chủ yếu là của Sài Gòn Bus, Liên hiệp Hợp tác xã vận tải thành phố; một số xe vận tải hành khách ở TP HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đặc biệt, để hạn chế ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đi tiên phong trong việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch CNG với việc ban hành Nghị quyết số 2958/NQ-DKVN thông qua việc chuyển đổi và sử dụng nhiên liệu khí nén CNG cho toàn bộ xe ôtô tại các đơn vị thành viên Tập đoàn trên địa bàn TP HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (ước tính khoảng 500 xe). Đến nay, đã hoàn thành chuyển đổi cho hơn 350 xe và dự kiến, tháng 10 tới sẽ tiếp tục chuyển đổi thêm 60 xe sử dụng CNG. Trong lĩnh vực công nghiệp, PV Gas South và một số đơn vị trực thuộc đang cung cấp CNG trong các khu công nghiệp ở: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM, Bình Thuận và Long An.
Ông Trần Thanh Nam - Phó giám đốc PV Gas South
PV: Ông có thể cho biết các ưu điểm trong sử dụng nhiên liệu CNG thay cho các nhiên liệu truyền thống như: xăng, diezel?
Ông Trần Thanh Nam: CNG (Compressed Natural Gas) là khí thiên nhiên nén mà nước ta đã khai thác, chế biến và sản xuất được. Do không có benzene và hydrocarbon kèm theo, nên khi đốt nhiên liệu này không làm phát sinh nhiều khí độc như: CO, CO2, NO… và hầu như không phát sinh bụi. Vì vậy, ưu điểm nổi bật đầu tiên của CNG là nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, CNG còn nhiều ưu điểm khác như tính an toàn cao hơn, giảm hao mòn động cơ nên giúp tiết giảm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa. Cụ thể, do CNG nhẹ hơn không khí nên nếu rò rỉ ra ngoài sẽ dễ phát tán và không tích tụ như xăng hay LPG, do đó giảm nguy cơ cháy nổ. Chưa kể, giá CNG cung cấp cho GTVT hiện rẻ hơn rất nhiều so với giá xăng dầu, chỉ bằng 50-60% giá xăng dầu nên mang lại hiệu quả kinh tế cao.
PV: Với lợi ích về nhiều mặt như: rẻ, an toàn, không ô nhiễm môi trường… nhưng tại sao việc sử dụng CNG hiện nay vẫn chưa phổ biến hoặc có thể nói là còn rất thấp, thưa ông?
Ông Trần Thanh Nam: Hiện nay, hiệu quả kinh doanh CNG chưa cao do số lượng sử dụng vẫn còn ít. Đây là một khó khăn trong việc phát triển sử dụng CNG. Hầu hết động cơ xe hiện được thiết kế sử dụng nhiên liệu xăng, dầu nên nếu muốn chuyển sang sử dụng CNG thì ta phải lắp một bộ chuyển đổi, tức là phải tốn tiền đầu tư cho bộ chuyển đổi này hoặc ngay từ đầu phải nhập xe được thiết kế cho sử dụng nhiên liệu CNG từ nước ngoài về.
Tuy nhiên, hiện chưa có chính sách ưu đãi để nhập khẩu các loại xe sử dụng CNG cũng như bộ chuyển đổi. Chi phí đầu tư khá cao là một trong những rào cản cho việc chuyển sang sử dụng CNG. Cụ thể, chi phí chuyển đổi một ôtô 4-7 chỗ từ sử dụng nhiên liệu truyền thống sang CNG thông thường khoảng 3.000USD/xe.
PV: Định hướng kinh doanh CNG của PV Gas South trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Thanh Nam: Dự kiến, trong những năm tới, tốc độ phát triển CNG trong GTVT tiếp tục tăng cao do TP HCM đã có kế hoạch đưa thêm nhiều xe buýt sử dụng CNG vào hoạt động và kế hoạch triển khai CNG trong GTVT tại khu vực phía bắc khi có nguồn khí. Tuy nhiên, tốc độ phát triển CNG trong công nghiệp khu vực phía nam sẽ không cao do những khách hàng công nghiệp có vị trí không quá xa nguồn khí lớn đủ để đầu tư chuyển đổi sang sử dụng CNG mang lại hiệu quả kinh tế cao không còn nhiều.
Đồng thời, PV Gas South cũng đang có kế hoạch đưa nhiên liệu sạch LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) vào sử dụng như là một loại nhiên liệu để thay thế cho CNG vì dự kiến trong thời gian tới nguồn khí không đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ trong nước mà phải nhập khẩu và để nhập khí với khối lượng lớn thì phải nhập dưới dạng hóa lỏng (thay vì nén như CNG) nhằm tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, việc sử dụng LNG cũng đang là xu hướng chung của thế giới.
PV: Ngoài kinh doanh CNG, một lĩnh vực kinh doanh chính khác của PV Gas South hiện nay là bán lẻ LPG (thường gọi là gas), ông có thể cho biết về hoạt động ở lĩnh vực này của công ty?
Ông Trần Thanh Nam: Hiện nay, PV Gas South là một trong những đơn vị kinh doanh bán lẻ LPG hàng đầu của Tập đoàn, với thị phần chiếm 33% ở khu vực phía nam, hệ thống phân phối gồm: 108 tổng đại lý, 400 đại lý và hơn 5.000 cửa hàng phân phối trải dài khắp từ Đà Nẵng đến Cà Mau.
PV: Trong việc kinh doanh gas thì khó khăn lớn nhất hiện nay là gì?
Ông Trần Thanh Nam: Hiện nay, việc kinh doanh bán lẻ gas hiệu quả còn thấp bởi bên cạnh tác động từ biến động giá thì nạn sang chiết gas lậu, chiếm dụng vỏ bình gas đã và đang gây thiệt hại nặng cho những đơn vị kinh doanh chân chính. Do đó, hiện nay chúng tôi tăng cường công tác quản lý, kiểm soát việc cung ứng gas tại hệ thống các tổng đại lý, đại lý, cửa hàng phân phối để hạn chế tình trạng bị chiếm dụng vỏ bình gas và sang chiết lậu. Tuy nhiên, không thể nào kiểm soát hết được. Vì vậy, rất cần sự quản lý chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng để “dẹp” nạn sang chiết gas lậu, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh gas.
PV: Cuối cùng, xin ông cho biết về kết quả kinh doanh trong những tháng đầu năm và kế hoạch của PV Gas South trong năm 2013?
Ông Trần Thanh Nam: Trong những tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất của PV Gas South đã đạt theo kế hoạch đề ra. Quý I/2013, sản lượng CNG cung cấp ra thị trường khoảng 30 triệu m3 và LPG khoảng 55.000 tấn. Năm 2013, công ty đặt mục tiêu cung cấp ra thị trường 265.000 tấn LPG và 125 triệu m3 CNG. Ngoài ra, theo kế hoạch phát triển của mình, PV Gas South sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển hạ tầng để cung cấp nhiên liệu sạch cho GTVT, đặc biệt là tại các đô thị lớn, khu dân cư tập trung, khu đô thị mới, đảm bảo thuận tiện, an toàn và hiệu quả kinh tế cho người sử dụng. Đối với kinh doanh LPG, mục tiêu đến năm 2015 chiếm khoảng 50% thị phần bán lẻ LPG phía nam.
PV: Xin cảm ơn ông.
Mai Phương (thực hiện)