Vân Dung: Từ Top 15 Hoa hậu VN đến bán vé giá 1000 đồng
Chẳng mấy ai biết nghệ sỹ hài Vân Dung từng lọt vào Top 15 Hoa hậu báo Tiền Phong 1992, nay là Hoa hậu Việt Nam, càng ít người tin rằng danh hài đình đám này từng có thời phải bán vé biểu diễn với giá một nghìn đồng.
Theo chân chị gái đi thi Hoa hậu
Nhắc đến Vân Dung là người ta nhớ ngay đến dáng người nhỏ nhắn kiểu ‘đào thế’ trên sân khấu – như có lần chị tự nhận, chiều cao và nhan sắc cũng không nổi bật hay lộng lẫy gì cho cam, vậy mà cái ‘duyên ngầm’ của chị lại bén ngay cuộc thi tìm kiếm nhan sắc lớn nhất cả nước.
Năm 1992, người chị gái Vân Trang, do sở hữu một chiều cao nổi bật lại ưa nhìn, nên cả nhà động viên đi thi Hoa hậu. Ai ngờ cô em Vân Dung kém cô chị cả chục phân ‘chiều dài’ cũng hý hửng đòi đăng ký, với lý do ‘con đi thi để cổ vũ cho chị Vân Trang’.
Vân Dung thuở 16 tuổi
Đi thi cho vui, ủng hộ chị gái là chính, vậy mà nàng ‘đào thế’ nhỏ nhắn lại lọt thẳng vào Top 15 nhan sắc đẹp nhất nước, còn người chị gái Vân Trang dừng chân ở Top 10.
Cả nhà mừng rỡ vì không ngờ gia đình lại có những hai ứng cử viên sáng giá cho chiếc vương miện Hoa hậu, nhưng riêng ‘người trong cuộc’ Vân Dung thì tưng tửng, khiban giám khảoxướng tên mình thì nhìn ngang ngó dọc, còn khi gọi tên chị gái thì nhảy cẫng lên rồi vừa cười vừa nói ‘thì đã bảo em chỉ đi cổ vũ chị thôi mà’.
Nhan sắc cũng được liệt vào hàng ‘có số có má’ thời ấy, mà Vân Dung nói chị chẳng ấn tượng nhiều với cuộc thi này, đơn giản bởi với chị, đó là cuộc dạo chơi của tuổi trẻ, chứ không phải nơi chị thể hiện niềm đam mê.
Vân Dung khi ấy là thí sinh trẻ nhất cuộc thi, mới 16 tuổi, đi thi Hoa hậu như được tung tăng ở chỗ mới lạ chứ chẳng nuôi niềm yêu thích với nơi ngập tràn những nhan sắc lộng lẫy. Thế nên đó cũng là cuộc thi sắc đẹp đầu tiên và duy nhất mà chị tham gia.
Vân Dung kể niềm đam mê của chị là ánh đèn sân khấu, chị nuôi ước mơ ấy từ khi mới 4, 5 tuổi, vì chịu sự ảnh hưởng của việc cả gia đình đều theo con đường nghệ thuật.
Vân Dung nuôi ước mơ lên sân khấu từ khi còn rất nhỏ
Không biết mình sẽ làm gì trên sân khấu và có con đường nào để đi lên đó, nhưng ngay từ khi còn ngồi ghế mẫu giáo và hay nhõng nhẽo khóc nhè,Vân Dung đã chắc chắn mình sẽ là diễn viên và nhất định phải lên trên ấy bằng được, bởi chị thấy ánh đèn sân khấu nó quen thuộc với mình lắm.
Danh hài nổi tiếng đất Bắc nói, dấu mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp Vân Dung đến giờ phút này vẫn là cái khoảnh khắc vào năm chị 15 tuổi rưỡi. Tối hôm ấy cả nhà quây quần xem tivi, vô tình thấy thông tin Nhà hát Tuổi trẻ tuyển người. Thế là hôm sau chị vô tư đi thi, và chính thức trở thành người của Nhà hát Tuổi trẻ cho đến bây giờ.
Người ta nói ‘tôi chỉ có 1000 đồng mua vé’
Bước chân vào Nhà hát Tuổi trẻ, ‘mài đũng quần’ suốt 4 năm học, mà khi ra trường, Vân Dung nói chị vẫn không khỏi chông chênh và mất phương hướng khi thấy cái nghề mình đang theo đuổi chật vật đủ đường.
Với cá tính mạnh mẽ của mình, ngay từ khi mới bước chân vào Nhà hát, Vân Dung đã xác định muốn đi theo con đường riêng chứ không phải bắt chước bất cứ ai, từ cách học đến cách diễn. Và cái riêng, cái mới, thì không phải khi nào cũng dễ được đón nhận.
Ra trường, Vân Dung mới thấm nỗi vất vả phía sau ánh hào quang lộng lẫy của sân khấu thủ đô. Sự khó khăn không đến từ việc chị không biết diễn, bởi chị làm tốt, rất tốt là đằng khác công việc mình theo đuổi, nhưng sự chật vật đến từ những lo toan cơm áo gạo tiền, đến từ việc chị không biết bắt đầu từ đâu trong hàng trăm ngã rẽ mông lung của cuộc sống.
Cái thời kỳ những năm 90, chẳng riêng gì Vân Dung, mà cả ngành sân khấu lao đao trong cơn khủng hoảng chung của kinh tế. Nhiều người ngậm ngùi rời ánh đèn sân khấu, đi buôn ngược bán xuôi kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình. Vân Dung cũng nhiều lúc chạnh lòng chợt nghĩ hay bỏ quách cái nghề này đi, kiếm một việc gì đó, nhiều tiền và cả nhiều thời gian dành cho gia đình hơn. Vậy mà cuối cùng, lửa nghề lại giữ chị lại.
Vân Dung luôn lạc quan, sống chết với ánh đèn sân khấu
Chị cứ sống chết với ánh hào quang sân khấu, với sự hóa thân những nàng tiên, công chúa, hoàng tử… để rồi mỗi lần bước chân ra phía sau cánh gà là lại tất tả những nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Ở Nhà hát Tuổi trẻ, nếu một đêm có 5 vở diễn thì chị làm đến 4, có 4 vở thì chị làm đến 3, vậy mà số tiền nhận được chỉ hơn các bạn diễn có 10 nghìn đồng. Nhiều khi vừa diễn xong, bước ra khỏi sân khấu nửa bước chân chị đã ngất luôn. Mọi người cuống quýt đưa chị vào bệnh viện cấp cứu xong ngày hôm sau lại diễn tiếp, cứ hừng hực lòng yêu nghề của tuổi trẻ.
Chị nói cứ bước chân ra, nhìn thấy ánh mắt yêu mến của khán giả, thấy những tràng pháo tay chào đón, là lại lăn lưng ra làm, lại thấy đầy đam mê như thuở 16 còn nhiều mộng ước.
Rồi sân khấu thủ đô bước vào thời kỳ đỉnh cao của sự chật vật, suốt 10 năm đầu chị lặn lội đi diễn tỉnh, đến nỗi giờ nhìn lại Vân Dung nói vẫn không biết mình đã đi qua những năm tháng ấy bằng cách nào, bởi đó là cả một chặng hành trình đầy sóng gió.
Cứ đi biền biệt khắp các tỉnh thành, cả vùng sâu vùng xa, biên giới xa xôi có khi 3, 4 tháng mới được về nhà một lần, thậm chí những ngày lễ, Tết phải nuốt nước mắt vào trong ngồi ăn cơm cùng bạn diễn mà lòng thì nhớ nhà, con gái dễ tủi thân.
tủ
Vân Dung của ngày hôm nay sau 15 năm bám trụ với nghề
Đến nỗi đôi khi bước xuống khỏi sân khấu chị phải gào lên:‘Trời ơi! sao cuộc đời mình lại như thế này nhỉ, lại phải khổ sở vất vả như vậy? Giờ này lẽ ra mình phải được ở bên gia đình, bên người thân, chứ không phải một thân một mình vất vả thế này.’
Chị kể ở nhiều nơi biên giới xa xôi, vùng dân tộc thiểu số, khán giả còn chẳng có tiền mua vé, họ nói họ không có 10 nghìn, họ chỉ có một nghìn đồng thôi, nhưng nhìn những ánh mắt chờ đợi dưới trời mưa từ 6h – 9h tối ngoài sân vận động thôn, những nghệ sỹ như chị đã trào nước mắt.
Lúc đó, chẳng còn suy nghĩ số tiền mà họ sẽ bỏ ra nữa, mà ngay cả khi họ không có một đồng nào Vân Dung cũng sẵn sàng diễn. Những phút giây ít ỏi đứng trên sân khấu của người nghệ sỹ, có nghĩa gì đâu với sự háo hức mong chờ của bao nhiêu con người như thế. Lúc đó chỉ còn nghĩ mình đến đây để phục vụ, để làm mọi người vui thế, là hạnh phúc.
Nhưng có một kỷ niệm đã làm thay đổi rất nhiều suy nghĩ, và cuộc đời làm nghề của nghệ sỹ Vân Dung.
Đó là lần đi diễn ở Quảng Bình, về đến Hà Nội lúc 4h sáng, mẹ thức dậy, nhìn con gái đầy xót xa rồi kéo chị vào gương và nói:‘Con ạ! hãy dừng lại đi, tiền có thể lúc nào cũng kiếm được, nhưng tuổi trẻ, sức khỏe và sắc đẹp không phải lúc nào cũng có được đâu con.
Con nhìn các bạn con xem, họ bằng tuổi con mà bạn nào cũng xinh đẹp, trẻ trung, năng động, trong khi đó, con có giống một bà già không? Nên con hãy dừng lại đi, hãy suy nghĩ lại.
Mẹ chỉ nói như vậy thôi, tiếp tục công việc hay không là quyền của con, nhưng nếu mình không biết trân trọng giá trị của bản thân mình thì cũng đừng chờ đợi người khác trân trọng mình. Mình phải biết nâng niu, quý trọng, giữ gìn tuổi trẻ và sắc đẹp chứ. Thời gian không lấy lại được đâu con ạ.'
Nghe mẹ nói xong, Vân Dung chỉ im lặng, chị đã tắt điện thoại 3 tháng liền không đi diễn nữa. Chị ở nhà nghỉ ngơi, cân bằng lại cuộc sống. Từ đó trở đi, chị đều cân nhắc lựa chọn những công việc đến với mình, mỗi khi có điện thoại gọi đến chị đã bắt đầu suy nghĩ là có hay không nhận lời….
Theo VTC News