Đòi lại thương hiệu bị đánh cắp: Chặng đường đầy gian nan
Việc thương hiệu của doanh nghiệp lâu nay bị “đánh cắp” đã không còn xa lạ trên thương trường. Tuy nhiên, hành trình đòi lại tên thương hiệu đối với doanh nghiệp nội vẫn còn lắm gian nan.
Một nhà máy của công ty CP Phúc Sinh, nguyên đơn trong vụ kiện.
Sau một thời gian không mấy quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu, thời gian gần đây nhiều thương hiệu trong nước đã bắt đầu lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình. Bằng chứng là các doanh nghiệp đã dần có thái độ tích cực và chủ động hơn trong việc xúc tiến bảo vệ thương hiệu.
Minh chứng cho vụ việc này là mới đây nhất, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ kiện đòi lại tên thương hiệu của Công ty cổ phần (CP) Phúc Sinh (Q.4, nguyên đơn) kiện Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Nông sản Phúc Sinh (Q.Tân Phú, bị đơn) về việc “đánh cắp” tên thương hiệu.
Theo bản án sơ thẩm, Công ty CP Phúc Sinh được thành lập từ năm 2001. Lúc đầu công ty này có tên là Công ty TNHH Quốc tế Phúc Sinh, đến năm 2007 đổi thành Công ty TNHH Phúc Sinh và từ năm 2010 thì đổi thành Công ty CP Phúc Sinh. Năm 2008, Công ty CP Phúc Sinh phát hiện phía bị đơn dùng tên thương mại tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của mình.
Đại diện pháp lý của công ty CP Phúc Sinh cho biết, phần tên riêng “Phúc Sinh” trong tên thương mại của phía bị đơn cũng trùng với nhãn hiệu mà phía nguyên đơn đã được bảo hộ trước đó. Phía bị đơn sử dụng tên giao dịch có chứa thành phần tên riêng “PHÚC SINH”, “PHUC SINH” trong các công văn, hợp đồng cũng như thông tin trên trang web. Trong thực tế vì tên thương hiệu bị mất nên rất nhiều khách hàng của công ty đã hiểu nhầm về hoạt động kinh doanh, sản xuất của công ty.
Tại phiên tòa, HĐXX cho rằng tên của Công ty CP Phúc Sinh có trước từ năm 2001. Tuy sau đó được đổi lại tên công ty cổ phần năm 2010 nhưng tiền thân của nó đã có từ trước sự ra đời của Nông sản Phúc Sinh. Chưa tính đến việc hai bên có một số ngành nghề kinh doanh trùng nhau, gây nhầm lẫn. Đặc biệt, nguyên đơn đã đăng ký và được bảo hộ độc quyền sử dụng nhãn hiệu Phúc Sinh là cơ sở chính đáng không có gì phải bàn cãi. Vì vậy tòa đã bác kháng cáo của bị đơn, chấp nhận yêu cầu của Công ty cổ phần (CP) Phúc Sinh (Q.4, nguyên đơn), buộc Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Nông sản Phúc Sinh (Q.Tân Phú, dưới đây gọi tắt là Nông sản Phúc Sinh, bị đơn) không được sử dụng tên riêng là “Phúc Sinh”.
Mặc dù đã thắng kiện và được bồi thường chi phí trong quá trình tham gia tố tụng, tuy nhiên công ty CP Phúc Sinh cho biết, quãng thời gian theo vụ việc rất dài. Tính từ khi phát hiện bị “đánh cắp” tên thương hiệu doanh nghiệp này phải nghiên cứu và chuẩn bị rất kỹ các bước từ văn bản bản pháp luật đến các bước khởi kiện. Đặc biệt, là sự nhầm lẫn của khách hàng về tên thương hiệu khiến công việc kinh doanh của công ty CP Phúc Sinh không ít lần gặp khó khăn.
Ông Bùi Thành Châu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Điện tử Cali (nhà phân phối chính thức nhãn hiệu điện tử California của Mỹ tại Việt Nam), doanh nghiệp cũng đang tiến hành các bước để đòi lại tên cho biết: Việc bị đánh cắp tên hoặc đặt trùng tên với công ty và có cùng ngành nghề kinh doanh tương tự nhau sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và quá trình giao dịch làm ăn của chúng tôi. Nó không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mà cồn là uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, để thắt chặt hơn việc đăng ký tên doanh nghiệp trong tình hình hiện nay thì cần phải có những quy định chặt chẽ và đầy đủ hơn về đăng ký tên và bảo hộ thương hiệu cho doanh nghiệp; cho phép sở Kế hoạch và đầu tư sau khi thông báo về hành vi vi phạm về thương hiệu mà doanh nghiệp không sửa đổi thì rút giấy phép. “Trước mắt doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình bằng cách mạnh dạn khởi kiện. Mặt khác, doanh nghiệp nên chú ý đăng ký bảo hộ thương hiệu ở trong nước và quốc tế nhằm tránh sự việc này xảy ra” - ông Lịch khuyến nghị.
Thùy Trang