Năm 2013: Xuất khẩu da giày sẽ đạt khoảng 8 tỉ USD
(Petrotimes) - Những năm gần đây, ngành da giày Việt Nam tạo ra nhiều bất ngờ khi liên tiếp nằm trong top 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về da giày, đứng thứ 2 xuất khẩu vào thị trường “khó tính” Hoa Kỳ. Tìm hiểu về hiện trạng và triển vọng phát triển của ngành da giày Việt Nam, phóng viên PetroTimes đã có cuộc trao đổi với ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam.
PV: Ông có thể cho biết sự phát triển của ngành da giày Việt Nam trong những tháng đầu năm như thế nào?
Ông Diệp Thành Kiệt: Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày tháng 5/2013 đạt 750 triệu USD, tính chung 5 tháng đầu năm đạt 3,1 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Và đến nay, các thị trường truyền thống của ngành đều có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD như: thị trường Hoa Kỳ dẫn đầu với 755 triệu USD, Anh 149 triệu USD, Bỉ 140 triệu USD, Nhật Bản 121 triệu USD, Trung Quốc 114 triệu USD… Đồng thời, đa số các doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng ổn định đến hết quý II và III/2013.
PV: Những khó khăn của khủng hoảng kinh tế hiện nay có ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành da giày hay không?
Ông Diệp Thành Kiệt: Khó khăn của thị trường trong nước và khủng hoảng ở một số thị trường, trong đó có thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu rõ ràng cũng có tác động đến ngành da giày nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, chúng ta cũng có nhiều thuận lợi, đặc biệt là việc Trung Quốc - một trong những nước xuất khẩu da giày lớn trên thế giới gặp những khó khăn nhất định do chi phí lao động tăng lên, một số thay đổi chính sách kinh tế, chính trị của Trung Quốc cũng tác động điều chỉnh thị trường xuất khẩu của nước này.
Ngoài ra, chúng ta cũng đang có một số thuận lợi trong sự điều chỉnh đó. Vì vậy, mặc dù thị trường chung của thế giới sụt giảm, nhưng chúng ta vẫn đang tăng trưởng xuất khẩu rất tốt.
Ông Diệp Thành Kiệt – Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam
PV: Để đạt được hiệu quả kinh tế trong xuất khẩu thì ngành da giày phải đạt được tỉ lệ nội địa hóa nhất định nhưng đa số nguyên phụ liệu của ngành da giày vẫn đang phải nhập khẩu. Đó có phải là hạn chế của ngành da giày Việt Nam hay không, thưa ông?
Ông Diệp Thành Kiệt: Chúng ta đã thấy được điểm yếu này từ rất lâu nhưng thiếu chính sách đồng bộ để giải quyết. Thời gian gần đây, Chính phủ cũng đã có quyết định số 12, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, trong đó có phát triển công nghiệp phụ trợ da giày. Hy vọng, chúng ta có thể biến chính sách đó thành hành động cụ thể để nâng cao tỉ lệ nội địa hóa trong ngành.
Hiện nay, tỉ lệ nội địa hóa của ngành da giày cũng có những bước tiến đáng kể. Một số ngành hàng có tỉ lệ nội địa hóa đến 70%. Sản phẩm mà ta xuất khẩu nhiều nhất là giày thể thao thì tỉ lệ nội địa hóa cũng trên dưới 50%. Tuy nhiên, một số dòng giày cao cấp chúng ta vẫn phải nhập nhiều vật tư, đặc biệt là da. Đây là trăn trở của Hiệp hội và của Bộ Công Thương. Chúng tôi nghĩ rằng sắp tới sẽ có những hành động quyết liệt hơn để tăng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành.
PV: Theo ông, trong ngắn hạn có thể giải quyết được khó khăn về nguyên liệu cho ngành da giày không?
Ông Diệp Thành Kiệt: Hiện nay, về nguyên liệu da chúng ta đang có 2 hướng đi. Thứ nhất, chúng ta làm từ da thô rồi thuộc và hoàn chỉnh. Xu hướng này đang gặp khó khăn không chỉ về vốn, thị trường mà còn về vấn đề môi trường. Lo ngại, ảnh hưởng đến môi trường nên một số địa phương còn e ngại cấp phép cho các doanh nghiệp thuộc da hoạt động trên địa bàn. Hướng thứ hai, chúng ta có những dự án nhập da đã thuộc sẵn và chúng ta chỉ làm khâu hoàn tất. Khá nhiều các doanh nghiệp đang đi theo hướng này để đáp ứng được yêu cầu về nguyên liệu sản phẩm.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trong ngắn hạn vì giá trị gia tăng trong sản phẩm mà ta nhập da thuộc về không cao bằng ta chủ động làm theo hướng thứ nhất. Vì vậy, về lâu về dài chúng ta vẫn phải phát triển nguyên liệu theo hướng thứ nhất.
PV: Ông có thể cho biết những cơ hội cho ngành da giày Việt Nam trong năm 2013?
Ông Diệp Thành Kiệt: Cơ hội lớn nhất được nhìn thấy là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết, sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành da giày Việt nam. Bởi khi gia nhập TPP, da giày Việt Nam có thị trường rộng lớn với hơn 2,7 tỉ người, GDP chiếm 50% của thế giới. Các sản phẩm da giày của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi 0% so với mức khoảng 14 % như hiện nay, từ đó nâng cao sức cạnh tranh và thị trường cũng không ngừng được mở rộng.
Với nhiều cơ hội đang mở ra, trong năm 2013, ngành da giày phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 8 tỉ USD, đạt tốc độ tăng trưởng từ 14 – 15% so với năm 2012, đặc biệt đơn hàng từ thị trường Hoa Kỳ dự kiến có thể tăng khoảng 10%.
PV: Định hướng phát triển ngành da giày Việt Nam trong dài hạn như thế nào thưa ông?
Ông Diệp Thành Kiệt: Để tiếp tục phát triển, giữ vững vị thế, các doanh nghiệp của ngành đã hướng tới sự phát triển bền vững từ ổn định các thị trường truyền thống tiến tới mở rộng các thị trường mới; đầu tư tăng năng suất lao động; tập trung xây dựng thương hiệu và giành lại thị phần ở thị trường nội địa; tranh thủ tận dụng tối đa sự dịch chuyển đơn hàng từ các nhà nhập khẩu mới.
Về nguồn nguyên liệu, chúng ta hướng đến tăng cường nội địa hóa nhưng không nhất thiết chúng ta chỉ lấy nguyên liệu trong nước mà có thể ưu tiên hướng nhập khẩu nguyên liệu từ các nước có ưu đãi về thuế như: các nước trong TPP, ASEAN…
PV: Xin cảm ơn ông!
Mai Phương (Thực hiện)