Thủ tục hành chính làm “nản lòng” nhà đầu tư
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn đánh giá, hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có biểu hiện “nản lòng” khi đầu tư vào Việt Nam bởi thủ tục hành chính quá rườm rà, tốn kém.
Ngày 7/6, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM để lấy ý kiến tiếp tục hoàn thiện đề án cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn nhận định: Dù muộn cũng còn hơn không, chúng ta đang nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nhận diện những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư để từ đó xây dựng một khung pháp lý thân thiện, an toàn cho các nhà đầu tư, không chỉ là các nhà đầu tư nước ngoài mà cả những nhà đầu tư trong nước, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chịu nhiều ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thời gian qua.
Thủ tục hành chính kéo dài, phiền hà đang làm giảm sức cạnh tranh của môi trường đầu tư nước ta. Do đó, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là giải pháp quan trọng đã được đưa vào Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
Thủ tục hành chính rườm rà đang làm “nản lòng” các nhà đầu tư
Trong các thủ tục đầu tư hiện nay, thủ tục được đánh giá phiền hà nhất là các thủ tục liên quan đến đăng ký quyền sử dụng đất.
Do ở nước ta hiện chưa có một quy trình cụ thể, thống nhất các thủ tục hành chính mà nhà đầu tư phải thực hiện khi muốn triển khai một dự án đầu tư có sử dụng đất. Mỗi địa phương hiện vận dụng một quy trình giải quyết riêng, chưa kể ở từng ngành, từng lĩnh vực lại có quy định khác nhau.
Nghiên cứu của Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính cho thấy, quy trình trình thủ tục hành chính thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất rất nhiều, phức tạp, không rõ thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau và được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật của nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau; nhanh nhất cũng phải mất từ 580 – 865 ngày mới làm xong vì có đến 34 thủ tục chính chưa kể hàng loạt các thủ tục “con”.
Ông Nguyễn Văn Thế - Phó Tổng giám đốc Tông Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Chợ Lớn bày tỏ: Là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, các vướng mắc thủ tục hành chính là chuyện thường ngày và cũng là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp vì mỗi thủ tục phải qua rất nhiều cơ quan để xác nhận, xin ý kiến, thỏa thuận… nhiêu khê vô cùng. Quy trình đề ra đã phức tạp nhưng trên thực tế việc thực hiện còn phức tạp hơn nhiều. Thực tế có nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn, nhiều nhà thầu uy tín vào nước ta với ý định đầu tư nhưng khi nghe đấu thầu, đấu giá sử dụng đất là họ “chạy ngay”.
Thực trạng các thủ tục hành chính rườm ra, chồng chéo, không minh bạch rõ ràng gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc tìm hiểu và thực hiện. Các cơ quan chức năng nhiều lúc cũng gặp khó khăn, lúng túng trong thực thi, chưa kể việc thiếu minh bạch dễ làm phát sinh các tiêu cực, nhũng nhiễu.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, kinh tế trong nước chịu tác động nhanh và mạnh của kinh tế thế giới thì việc kéo dài thời gian đầu tư chứa đựng nhiều rủi ro mà nhà đầu tư không tính toán được; làm mất đi các cơ hội đầu tư của họ. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện dự án kéo dài sẽ tăng chi phí đầu tư, giảm hiệu quả kinh tế dự án. Thực tế, không ít dự án đến nay phải tạm dừng đầu tư giữa chừng, gây nên nhiều lo ngại cho các nhà đầu tư.
Hạn chế về thủ tục hành chính là rào cản rất lớn trong thu hút đầu tư, nhất là thời điểm hiện nay khi các nhà đầu tư quan tâm đến sự an toàn vốn đầu tư hơn là cơ hội có được lợi nhuận lớn sau đầu tư.
Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính đang hướng tới xây dựng đề án cải cách thủ tục hành chính để làm sao vừa đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Một số giải pháp cải cách cơ bản được đưa ra như: Thống nhất quy trình thủ tục đầu tư liên quan đến sử dụng đất; đề nghị bãi bỏ thủ tục về đăng ký đầu tư, thẩm tra đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư vì các thủ tục này trùng lặp về nội dung xét duyệt với các thủ tục: giới thiệu địa điểm, đăng ký kinh doanh, thu hồi đất, giao đất, đánh giá tác động môi trường…; bãi bỏ thủ tục cung cấp thông tin quy hoạch sau khi có chấp nhận chủ trương đầu tư; bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép quy hoạch…
Mai Phương