''Davos châu Á'' khai mạc tại Myanmar
(Petrotimes) - Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á khai mạc hôm qua (6/6) ở Naypyidaw, thủ đô Myanmar. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các vị bộ trưởng của nhiều chính phủ trên thế giới đang tụ họp để bàn về những đề tài như đầu tư nước ngoài, công cuộc phát triển và thương mại của khu vực Đông Á.
Từ trái: Ông Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Myanmar Thein Sein, và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong tại lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á tại Naypyidaw, ngày 6/6/2013.
Khoảng 900 đại biểu của 50 quốc gia tụ họp về Naypyidaw để tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á kéo dài ba ngày. Hội nghị Davos của khu vực mang ý nghĩa biểu trưng rất lớn, trong lúc Myanmar mở cửa cho đầu tư nước ngoài và đang thu hút các công ty trên toàn cầu.
Tổng thống Myanmar Thein Sein đã chính thức khai mạc hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á, cùng với người sáng lập diễn đàn Klaus Schwab, là người đưa ra dự báo cho rằng kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng mạnh với tỉ lệ 10% một năm.
Diễn đàn này là một tổ chức quốc tế độc lập có mục đích thảo luận về những vấn đề mà các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực phải đối mặt, đặc biệt là công cuộc hội nhập kinh tế của Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Ông Tarek Sultan, chủ tịch công ty Agility, một công ty hậu cần ở Kuwait, đã đến dự lễ khai mạc. Ông nói rằng Đông Nam Á có một tiềm năng đầu tư vô cùng to lớn trong 10 năm tới đây, nhưng những rào cản tự do thương mại và hậu cần bên trong khối ASEAN đang tạo ra những trở ngại đáng kể.
Ông Tarek nói: "Tôi nghĩ rằng có một điều rất rõ ràng là những rào cản lớn nhất chính là những chướng ngại trong dây chuyền cung ứng đang cản trở cho hoạt động đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng tăng trưởng có thể được cải thiện với tỉ lệ 10% nếu chúng ta giải quyết được một số những rào cản mềm, những rào cản trong dây chuyền cung ứng”.
Nhiều tổ chức tranh đấu cho nhân quyền bày tỏ sự lo ngại là tiến trình cải cách vẫn còn quá sớm để tổ chức những diễn đàn như thế này ở Myanmar. Tuy nhiên, ông Dave Mathieson của tổ chức Human Rights Watch ở Mỹ tin rằng những diễn đàn này nên được xem là một phần của tiến trình cải cách.
Ông Mathieson nói: "Nhưng đây là một diễn đàn mà trên cơ bản là thảo luận về tương lai của Myanmar. Đây là một diễn đàn tìm cách tập họp nhiều tiếng nói rất khác nhau để nói tới tất cả những mối quan tâm mà chúng ta đã nói tới trong hai năm qua trong tiến trình cải cách. Vì vậy, tuy nó có thể là hơi quá sớm một chút và có vẻ như đang giúp cho chính phủ này có được tính chất chính thống, nhưng tôi thật sự không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ rằng đây là một dấu hiệu về nỗ lực cải cách của quốc gia này”.
Ông Mathieson đã nói tới những mối quan tâm về làn sóng đầu tư vào Myanmar. Ông cho biết vấn đề nhân quyền lớn nhất đang được thảo luận tại diễn đàn là nạn chiếm đoạt đất đai và việc dân chúng phải di cư, đặc biệt là ở những khu vực của người thiểu số đang có những tiến trình hòa bình có tính chất tạm bợ và dễ đổ vỡ.
Sang năm, khi giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN, Myanmar sẽ tổ chức các hội nghị thượng đỉnh với sự tham dự của các nước lớn châu Á, và cả Mỹ. Điều này mang lại hy vọng cho các khách sạn, họ cho biết chưa bao giờ trông thấy nhiều người ngoại quốc đến thế, và mong rằng những người khách sẽ quay lại.
“Những mong đợi là quá lớn” - Sean Turnell, thuộc trường đại học Macquarie của Úc cảnh báo. Vị chuyên gia nhìn thấy trong sự hồ hởi này “một trong những mối nguy mà Myanmar phải đương đầu”, và so sánh diễn đàn lần này với sự nhập môn của một người nghiệp dư.
Trong ba ngày hội nghị, các đại biểu sẽ nhận ra những thử thách hiện nay của Myanmar. Các nhà tổ chức đã báo trước là tại đây không có máy rút tiền, không thể chi trả bằng thẻ tín dụng, không có hệ thống 3G cho những người sử dụng điện thoại BlackBerry và các loại điện thoại di động khác. Bộ trưởng Du lịch Htay Aung nhìn nhận: “Cuộc chơi chỉ mới bắt đầu, và chúng tôi đang còn lúng túng”.
Các đoàn đại biểu sẽ thảo luận về chủ đề “chia sẻ thịnh vượng”. Nhưng khung cảnh vùng ngoại vi Naypyidaw cho thấy các cải cách vẫn chưa làm thay đổi cuộc sống người dân Myanmar.
Nh.Thạch (Theo AFP)