TS Lê Xuân Nghĩa: Xóa nợ xấu để phá “băng” tín dụng
Xử lý nợ xấu là việc cốt lõi nhất để phá “băng” tín dụng, tạo lối thoát cho thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế. Việc cho ra đời Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), hoạt động vào đầu tháng 7 tới sẽ tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong xử lý nợ xấu ngân hàng. Đó là nhận định của TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
PV: Thưa ông, từ lâu nợ xấu được đánh giá như là “cục máu đông” làm tắc nghẽn dòng tiền trong xã hội, nhưng đến nay dường như chúng ta chưa có phương án xử lý nợ xấu hiệu quả?
TS Lê Xuân Nghĩa: Có 3 kịch bản thế giới áp dụng để xử lý nợ xấu ngân hàng. Nếu đặt các kịch bản này vào tình hình của nước ta hiện nay, có thể dự đoán như sau: Với cách 1: Không có sự can thiệp của Chính phủ vào xử lý nợ xấu, công cuộc xử lý nợ xấu sẽ kéo dài khoảng 5-7 năm nhưng chưa chắc có thể giải quyết được, tăng trưởng kinh tế chỉ 3-4%/năm; cách 2: Chính phủ can thiệp chủ yếu bằng tiền tệ, dùng dự trữ bắt buộc, dự trữ ngoại tệ, thông qua tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giải quyết nợ xấu trong 2-3 năm, tăng trưởng kinh tế khoảng 6%/năm trong những năm tiếp theo; cách 3: Xử lý nợ xấu bằng ngân sách, vay nước ngoài, phát hành trái phiếu huy động vốn trong nước, thoái vốn ở doanh nghiệp Nhà nước, nợ xấu được giải quyết chỉ trong khoảng 2 năm, tăng trưởng kinh tế ở những năm tiếp theo đạt khoảng 8%/năm.
Tuy nhiên, cách 3 là cách nhiều rủi ro và cho đến nay chỉ có duy nhất Hàn Quốc dám “mạo hiểm” áp dụng còn đa số các nước khác áp dụng kết hợp cả cách 2 và 3. Ở nước ta hiện nay cũng đang đi theo phương án kết hợp cách 2 và 3 trong đó nặng về cách 2; rõ ràng nhất hiện nay là sự ra đời Nghị định 53/2013/NÐ-CP về việc thành lập VAMC, có hiệu lực thi hành từ ngày 9/7/2013.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia
PV: Với quyết định cho ra đời VAMC, nhiều người lo ngại về năng lực và phương án xử lý nợ xấu của công ty này. Cụ thể như: Tại sao VAMC lại chọn phương án mua nợ xấu theo giá sổ sách chứ không phải là mua theo giá thị trường?
TS Lê Xuân Nghĩa: Hiện tại, nợ xấu ngân hàng phần lớn là bất động sản hoặc có liên quan đến bất động sản. Số bất động sản này cũng phần nhiều là của các cổ đông lớn của ngân hàng hoặc những người có liên quan. Nếu mua nợ xấu theo giá thị trường chắc chắn họ sẽ không bán, nợ xấu sẽ không được giải quyết và họ tiếp tục duy trì khoản nợ xấu này như là “con tin” làm tắc nghẽn dòng tiền bơm ra thị trường. Do đó, VAMC chọn phương án chấp nhận chịu thiệt để mua nhanh được nợ xấu, phá “băng” tín dụng, vì theo kinh nghiệm xử lý nợ xấu cho thấy nếu không xử lý nhanh sẽ “chết”.
PV: Chấp nhận mua nợ xấu theo giá sổ sách như vậy có phải quá lợi cho con nợ?
TS Lê Xuân Nghĩa: Không hoàn toàn như vậy vì VAMC sẽ thực hiện việc mua nợ xấu từ các ngân hàng thương mại qua việc phát hành trái phiếu đặc biệt và yêu cầu ngân hàng thương mại trích lập ngay 20% mệnh giá để dự phòng rủi ro. Ðây là loại trái phiếu ghi sổ có mệnh giá bằng giá mua của khoản nợ xấu, thời hạn tối đa 5 năm, lãi suất bằng 0. Sau 5 năm trích lập đủ 100% dự phòng rủi ro thì khoản nợ xấu của ngân hàng sẽ được xóa.
Ngân hàng thương mại bán nợ xấu cho VAMC sẽ nhận trái phiếu đặc biệt để làm tài sản thế chấp vay vốn từ NHNN như là một hình thức tái cấp vốn. Do phải trích lập rủi ro lớn nên các ngân hàng thương mại cũng phải bỏ một phần lợi nhuận hoặc trừ vào vốn tự có để xử lý nợ xấu, đồng thời phải tăng tín dụng để tránh bị lỗ. Đây cũng là một cách gây sức ép buộc ngân hàng thương mại phải đẩy vốn ra thị trường.
PV: Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) ước tính, nợ xấu hiện nay của các ngân hàng khoảng 180.000-300.000 tỉ đồng. Như vậy, VAMC làm được gì với số vốn điều lệ chỉ 500 tỉ đồng, thưa ông?
TS Lê Xuân Nghĩa: Trong tình trạng nợ xấu lớn hơn dự kiến, VAMC sẽ kêu gọi nguồn vốn từ những ngân hàng thương mại thừa tiền hoặc NHNN có thể tăng vốn, tái cấp vốn trực tiếp cho VAMC, trong đó quy định VAMC xử lý nợ xấu đến đâu sẽ được giải ngân đến đó.
PV: Nếu nợ xấu của ngân hàng được giải quyết nhưng nợ xấu của doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn tồn tại thì liệu doanh nghiệp có vay được tiền từ ngân hàng hay không? Phá băng tín dụng sẽ không có ý nghĩa nếu doanh nghiệp vẫn không vay được vốn.
TS Lê Xuân Nghĩa: Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cũng tăng quyền lực cho VAMC như: Nếu thấy doanh nghiệp hoạt động tốt, VAMC có thể xem xét để biến nợ xấu thành vốn tự có của doanh nghiệp; tái cơ cấu nợ; sẵn sàng tài trợ vốn lưu động cho doanh nghiệp; bảo lãnh cho doanh nghiệp tiếp tục vay vốn ngân hàng.
PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, nên thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào mua bán nợ xấu, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
TS Lê Xuân Nghĩa: Theo kinh nghiệm quốc tế thì các nhà đầu tư nước ngoài có vai trò rất quan trọng trong việc mua bán nợ xấu. Ở nhiều nước, các nhà đầu tư nước ngoài mua đến 50-60% nợ xấu của họ. Chính vì vậy, chúng tôi cũng đề nghị với Chính phủ, VAMC phải có một cơ chế mở rộng để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào. Việc này có lợi ở nhiều điểm như: Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tái cơ cấu lại các doanh nghiệp của ta nhanh nhất, họ có thể làm cho các giá trị tài sản của ta tăng lên và tăng tính thanh khoản trong mua bán.
Ngoài ra, nếu chúng ta chỉ dựa vào nội lực, dựa vào các nhà đầu tư trong nước thì sức cầu quá yếu. Nếu vì vậy mà chúng ta bán tống, bán tháo nợ xấu thì không khéo làm sụp luôn thị trường bất động sản, khi đó có nghĩa là việc mua bán nợ xấu thất bại, kinh tế sẽ rơi vào tình trạng suy thoái và cận suy thoái kéo dài. Do đó, trong phương án xử lý nợ xấu thì điều quan trọng là không làm cho thị trường bất động sản sụp đổ, muốn làm được điều này thì phải tăng thanh khoản cho thị trường. Vì vậy, vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài là vô cùng quan trọng.
PV: Nhưng làm thế nào để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường mua bán nợ xấu?
TS Lê Xuân Nghĩa: Để làm được việc này, trước hết là xem xét xóa bỏ các rào cản về pháp lý, ví dụ có thể cho phép người nước ngoài sở hữu hoặc cho họ thuê tài sản dài hạn ở Việt Nam. Đồng thời, các thủ tục mua bán nợ phải nhanh, giúp cho các nhà đầu tư mua nhanh và bán cũng nhanh vì nếu thủ tục rề rà, kéo dài sẽ mất hết cơ hội đầu tư của họ, họ sẽ không tham gia.
PV: Một số ý kiến lo ngại, nếu cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào để xử lý nợ xấu bất động sản thì có thể khiến quá nhiều tài sản của ta rơi vào tay nước ngoài?
TS Lê Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng những suy nghĩ như vậy là rất thiển cận. Chúng ta phải nhận thấy rằng, cầu nội địa hiện nay đang rất yếu, cả về hàng hóa và bất động sản. Nếu cứ sợ bị người nước ngoài mua mất mà ôm khư khư đống bất động sản đó và trả lãi ngày càng lớn thì cũng chết hoặc là phải bán tống bán tháo làm thị trường bất động sản sụp đổ như tôi nói trên thì tất cả đất đai, tài sản đó trở nên chẳng có ý nghĩa gì cả.
PV: Xin cảm ơn ông.
Mai Phương (thực hiện)