Hết làm bãi trông xe, gầm cầu vành đai 3 lại biến thành... chợ gốm
Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu UBND TP Hà Nội phải tiến hành kiểm tra, giải tỏa, trả lại mặt bằng gầm cầu đường trên cao vành đai 3 trước ngày 30/5.
Biến gầm cầu vành đai 3 thành chợ sành sứ
Tuy nhiên, đến chiều ngày 6/6, theo ghi nhận của phóng viên, dọc gầm cầu tuyến đường vành đai 3 tại ngã ba đoạn qua cầu Dậu (điểm Nguyễn Xiển - Nguyễn Hữu Thọ) vẫn bị một số người dân lấn chiếm để kinh doanh. Cụ thể, gầm cầu được làm điểm để trông giữ ô tô, tập kết xe ba bánh, đặc biệt một số người đã biến gầm cầu thành chợ bán đồ sành sứ.
Điều đáng nói, việc mua bán diễn ra ngay bên vệ đường. Xe cộ và người nhốn nháo gây cản trở giao thông rất lớn. Mạnh ai nấy chiếm, phải chăng cơ quan chức năng cũng... mặc kệ.
Đồ sành sứ được bày cao đã làm khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông tại khúc cua được bố trí dưới gầm cầu.
Đủ loại chậu hoa cây cảnh…
…ấm , chén, chậu bonsai được bày bán dưới gầm cầu.
Gầm cầu bị biến thành kho tập kết chum sành sứ. Buổi tối, người bán hàng sẽ mắc màn và ngủ luôn ở đây.
Nghị định 34/2010/NĐ - CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ nêu rõ: “Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Buôn bán, dựng lều quán, công trình tạm thời trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ…” Năm 2011, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 39 quy định: “Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường”. |
Nguyễn Hoan