Xuất khẩu gạo lỗ do khủng hoảng thừa
Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ước tính chịu lỗ từ 25 – 30USD/tấn. Chúng ta đang tạm thời chấp nhận lỗ xuất khẩu để giải phóng hàng tồn kho, đẩy giá lúa gạo trong nước tăng lên.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong, thị trường xuất khẩu chính của nước ta hiện nay chủ yếu là Châu Á (62%) và Châu Phi (22%), còn lại là một số thị trường khác. Do lúa gạo trong nước và thế giới đang trong tình trạng “khủng hoảng thừa” nên chúng ta cũng đang bị ép giá xuất khẩu.
Ở Châu Á, thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta là Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc nhập khẩu gạo của nước ta không phải vì thiếu gạo mà nhập khẩu để kéo giá gạo trong nước xuống, đồng thời bổ sung một số nhu cầu trong nước với giá nhập khẩu rẻ hơn so với giá trong nước nên họ không chấp nhận mua giá cao. Khi chúng ta đề nghị tăng giá thì lập tức họ ngưng hết các hợp đồng xuất khẩu.
Gạo của nước ta xuất sang Trung Quốc chủ yếu được tiêu thụ chủ yếu ở tỉnh Quảng Đông, chủ yếu là gạo cấp cao giá rẻ và gạo thơm chất lượng ổn định.
Tổ chức Nông nghiệp Mỹ dự đoán, năm nay Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo và trở thành nhà nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy là một thị trường lớn nhưng Trung Quốc cũng là một thị trường không ổn định và có nhiều rủi ro.
Với thị trường Châu Phi, tính đến tháng 5/2013, chúng ta ký hợp đồng xuất khẩu 1,1 triệu tấn gạo sang thị trường này. Mức giá xuất khẩu cũng chênh lệch khá xa so với giá xuất khẩu của Ấn Độ sang đây nhưng chúng ta phải chấp nhận xuất giá rẻ để giảm lượng hàng tồn kho.
Lãnh đạo VFA cho biết thông tin về tình hình xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm
Ông Trương Thanh Phong cho biết: Trong tháng 5, ta xuất khẩu 648.359 tấn gạo, trị giá khoảng 273 triệu USD, so với tháng 4, lượng gạo xuất khẩu giảm 7%, trị giá giảm 9%. Xuất khẩu gạo tháng 5 không đạt theo kế hoạch đề ra do tiến độ giao hàng chậm so với hợp đồng đã ký.
Lũy kế xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay, nước ta xuất khẩu ước đạt hơn 2,7 triệu tấn gạo, trị giá khoảng 1,2 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân giảm 22,81 USD/tấn so với cùng kỳ.
Mặc dù giá xuất khẩu hiện nay thấp nhưng so với quý 1/2013 giá xuất khẩu đã có cải thiện và ổn định hơn. Ở quý 1, giá xuất khẩu giảm đến 44,52USD/tấn so với cùng kỳ.
Hiện nay, chúng ta xuất khẩu chủ yếu là gạo cấp cao, gạo cấp thấp rất khó xuất khẩu. Trong tỷ trọng xuất khẩu, lượng gạo cấp cao chiếm 36%, gạo trung bình chiếm 26%, gạo thơm 13%, gạo cấp thấp chỉ chiếm 11%.
Dự kiến, đến tháng 6/2013, sản lượng gạo xuất khẩu của nước ta ước đạt 3,5 triệu tấn và cả năm xuất khẩu ước đạt trên 7 triệu tấn.
Khi giá gạo xuất khẩu đang ở mức thấp, có thể là mức thấp nhất từ năm 2008 đến nay thì giá gạo trong nước vào tháng 5 đang tiếp tục giảm, đặc biệt là các loại gạo thường và gạo Hè Thu đầu vụ do chất lượng thấp.
Tính đến ngày 31/5, giá lúa hạt dài thu mua của nông dân bình quân là 5.289 đồng/kg, lúa thường 5.043 đồng/kg. Đối với lúa vụ Hè Thu, Bộ Tài Chính ước tính mức giá bình quân của lúa vụ này là 4.142 đồng/kg.
Tuy nhiên, hiện nay, có một số thông tin công bố giá lúa Hè Thu ở một số tỉnh rất thấp chỉ ở mức 3.500 - 3.800 đồng/kg, khiến nông dân lỗ nặng. Giải thích về vấn đề này, ông Trương Thanh Phong cho biết: Giá lúa chênh lệch giữa các tỉnh rất cao do ảnh hưởng thời tiết từng vùng khác nhau, dẫn đến chất lượng lúa ở mỗi nơi mỗi khác, tác động đến giá thu mua, đồng thời giá 3.500 đồng/kg là giá lúa tươi chứ không phải giá lúa đã sấy khô.
Để góp phần giữ giá lúa gạo Hè Thu ở mức không gây lỗ cho nông dân, dự kiến trong tháng 6, Chính phủ sẽ ra quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo, thời gian thu mua từ 15/6 – 31/7.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng chủ động giảm giá sàn xuất khẩu xuống một ít (khoảng 5USD/tấn) để xử lý sớm lúa Hè Thu đầu vụ, tránh tồn kho. Đến tháng 7, khi chất lượng lúa Hè Thu được cải thiện thì dự kiến thị trường gạo của ta cũng sẽ tốt hơn lên, lúc đó một số thị trường nhập khẩu gạo truyền thống của nước ta cũng bắt đầu vận hành trở lại.
Đối với thị trường xuất khẩu gạo trong thời gia tới, VFA dự kiến, thị trường tiếp tục xu hướng thu hẹp do hầu hết các nước xuất khẩu tăng sản lượng và tồn kho lớn, trong khi đó các nước nhập khẩu chính cũng đẩy mạnh sản xuất để chủ động nhu cầu trong nước.
Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã mua gần 4,5 triệu tấn gạo, trong đó bao gồm 780.000 tấn tồn kho gạo vụ Đông Xuân 2012. Chúng ta đang đẩy mạnh xuất khẩu để giải phóng hàng tồn kho nhằm đẩy giá lúa gạo trong nước lên và qua đó cũng góp phần tác động làm tăng giá xuất khẩu.
Theo ông Trương Thanh Phong, với những năm được mùa như năm nay thì lượng gạo xuất khẩu chỉ nên từ 6 – 6,5 triệu tấn, nhưng chất lượng gạo phải tốt, đồng thời chúng ta phải cơ cấu lại giống cho phù hợp với thị trường nhằm tăng hiệu quả xuất khẩu.
Mai Phương