"Ẩn họa" nợ xấu từ thẻ tín dụng
Trong khi đáp án cho bài toán giải quyết nợ xấu vẫn còn rất “mơ hồ” thì nợ xấu tại các ngân hàng lại đang có nguy cơ gia tăng bởi một yếu tố mới: Thẻ tín dụng!
Nợ thẻ tín dụng đang ám ảnh nợ xấu.
Thẻ tín dụng và dùng thẻ tín dụng là một trong những phương thức thanh toán hiện đại, đang được áp dụng ở hầu hết những nước có thị trường bán lẻ phát triển. Với những tính năng vượt trội của loại hình thanh toán này, thị trường thẻ tín dụng Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Thẻ tín dụng là một hình thức thay thế cho việc thanh toán trực tiếp. Hình thức thanh toán này được thực hiện dựa trên uy tín. Chủ thẻ không cần phải trả tiền mặt ngay khi mua hàng. Thay vào đó, Ngân hàng sẽ ứng trước tiền cho người bán và Chủ thẻ sẽ thanh toán lại sau cho ngân hàng khoản giao dịch. Thẻ tín dụng cho phép khách hàng “trả dần” số tiền thanh toán trong tài khoản.
Chủ thẻ không phải thanh toán toàn bộ số dư trên bảng sao kê giao dịch hằng tháng. Tuy nhiên, Chủ thẻ phải trả khoản thanh toán tối thiểu trước ngày đáo hạn đã ghi rõ trên bảng sao kê. Thẻ tín dụng khác với thẻ ghi nợ vì tiền không bị trừ trực tiếp vào tài khoản tiền gửi của chủ thẻ ngay sau mỗi lần mua hàng hoặc rút tiền mặt.
Các ngân hàng phát thẻ sẽ tính lãi dựa trên số nợ chủ thể chưa thanh toán và mức lãi suất này sẽ cao hơn hoặc bằng với lãi suất ngân hàng này đang áp dụng. Chính vì vậy, trong một thời gian dài, loại hình kinh doanh này rất được các ngân hàng chú trọng, thậm chí, nhiều ngân hàng còn xây dựng cả một hệ thống phát hành thẻ tín dụng đến các nhóm khách hàng. Thậm chí, đây còn là một trong những yếu tố để các ngân hàng tính toán vào chỉ tiêu thi đua của nhân viên.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế trở nên khó khăn, thu nhập của nhiều nhóm chủ thể được cải thiện chậm so với nhu cầu chi tiêu sinh hoạt... thì thẻ tín dụng lại đang trở thành “cục nợ xấu” không nhỏ với nhiều ngân hàng. Những thống kê gần đây cho thấy, nợ xấu từ thanh toán thẻ đã tăng tới 100%/năm. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang thực sự bị đe doạ phình to!
Điều này cũng được ông Lê Thành Trung – Phó Tổng giám đốc HDBank chia sẻ, trong điều kiện và bối cảnh kinh tế phần nào ảnh hưởng nợ xấu trong tiêu dùng cá nhân thông qua hình thức thẻ bởi khi nguồn thu của họ giảm đi thì khả năng trả nợ kém hơn.
Đó có thể xem là một trong những nguyên nhân dẫn tới nợ xấu thẻ tín dụng nhưng cũng phải thấy rằng, trong giai đoạn thị trường thẻ sôi động, các ngân hàng đổ xô vào cuộc đua lôi kéo khách hàng, như rất nhiều khoản vay khác, các tiêu chỉ vốn được ngân hàng đặt ra đã bị xem nhẹ, thậm chí là bị chính nhân viên phát hành thẻ lờ đi. “Ẩn hoạ” nợ xấu chính là đây!
Chưa có số liệu chính thức về lượng thẻ tín dụng đang lưu hành nhưng theo một thống kê thì chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh đã có tới 20 triệu thẻ được phát hành. Như vậy, bình quân mỗi người sẽ sở hữu 2 – 3 thẻ tín dụng. Và nếu tình hình tài chính cá nhân của nhóm đối tượng này khó khăn cũng đồng nghĩa sẽ có nhiều khoản ghi nợ trong thẻ không được thanh toán đúng quy định. Ngân hàng vì vậy mà ôm nợ xấu.
Thậm chí cũng không loại trừ khả năng, nhiều chủ thẻ kim cương, thẻ vàng – đây đều là những ông chủ doanh nghiệp này, công ty kia, chủ cửa hàng kinh doanh này, kinh doanh kia... vỡ nợ thì khoản nợ này chắc chắn không hề nhỏ.
Chính vì những lẽ trên, vấn đề nợ xấu thẻ tín dụng cần phải được các ngân hàng nhìn nhận như là một nguy cơ, một “ẩn hoạ” cần giải quyết!
Thanh Ngọc