Vì sao Trung Quốc “đấu dịu” tại Shangri-La?
(Petrotimes) - Việc Bắc Kinh có biểu hiện “dịu giọng” qua các bài phát biểu của các quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La khiến các đại biểu khác tham dự diễn đàn ngạc nhiên, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường các tuyên bố chủ quyền trên khắp các vùng biển ở châu Á.
Tại Đối thoại Shangri-La thường niên lần này, không ai trông đợi sẽ đạt được bất kể giải pháp nào để giải quyết các tranh chấp biên giới trên biển, các cáo buộc về gián điệp mạng của Trung Quốc, sự nghi kỵ của Bắc Kinh về việc Mỹ "chuyển trục" sang châu Á hay những vấn đề gai góc khác. Tuy nhiên, nỗ lực tỏ ra thân thiện hơn của các sỹ quan thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), vào thời điểm chỉ chưa đầy một tuần trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức với Tổng thống Mỹ Barack Obama, dường như nhằm làm dịu đi thái độ hung hăng gần đây của Bắc Kinh bằng cách nhấn mạnh vào thảo luận và hợp tác.
Trung tướng Thích Kiến Quốc - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc đến tham dự hội nghị an ninh thường niên mang tên Đối thoại Shangri-La ở Singapore
John Chipman, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Luân Đôn, nói: "Rõ ràng năm nay đoàn đại biểu PLA đã chuẩn bị rất chu đáo để tham dự đối thoại. Mức độ cũng như thái độ của phía Trung Quốc khi tham dự đối thoại đã có sự thay đổi". Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cũng nhấn mạnh tới sự thay đổi này khi nói với hãng tin Reuters: "Đây là sự thay đổi hoàn toàn. Họ đã đề cập tới các giải pháp hòa bình, không có những hành động thiển cận. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng được chứng kiến những lời nói đó biến thành hành động".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với nhiều khu vực rộng lớn tại Biển Đông - nơi được cho là giàu dầu mỏ và khí đốt. Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác đã phản đối những tuyên bố chủ quyền này của Bắc Kinh. Bắc Kinh cũng bị lôi kéo vào một tranh cãi khác với Tokyo liên quan tới những hòn đảo không có người ở tại Biển Hoa Đông - khu vực cũng được cho là có trữ lượng năng lượng lớn.
Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đồng thời là một cường quốc quân sự đang nổi lên - hiểu rằng họ cần cái mà họ gọi là "môi trường bên ngoài hòa bình và ổn định" để phát triển. Thực tế, các quan chức Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La đã tìm cách xoa dịu lo ngại của các nước về những ý định của Bắc Kinh. Trung tướng Tướng Thích Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng PLA, phát biểu trong một phiên họp bàn về an ninh khu vực: "Sự phát triển và thịnh vượng của Trung Quốc là cơ hội lớn chứ không phải thách thức hay mối đe dọa đối với các quốc gia khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Thích Kiến Quốc, quan chức hàng đầu của Trung Quốc tham gia Đối thoại Shangri-La, nói rằng đối thoại "chắc chắn không phải là biểu hiện của thỏa hiệp vô điều kiện". Ông không đưa ra căn cứ cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, song ông cho rằng sự hiện diện của các tàu chiến Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông "hoàn toàn hợp pháp và không phải bàn cãi, để thực hiện việc tuần tra trong vùng lãnh thổ của Trung Quốc". Mặc dù vậy, ông Thích Kiến Quốc cũng nói rằng "Trung Quốc là một quốc gia yêu hòa bình". Sau đó, ông đã trả lời hàng chục câu hỏi từ các đại biểu tham dự diễn đàn.
Không giống như phần lớn các quốc gia khác, Trung Quốc chỉ một lần duy nhất cử Bộ trưởng Quốc phòng tới tham dự Đối thoại Shangri-La vào năm 2011. Mặc dù năm nay Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc vẫn vắng mặt, song một quan chức cấp cao của Mỹ tháp tùng Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel tới tham dự diễn đàn cho rằng đoàn đại biểu Trung Quốc đã có sự thay đổi lớn. Ông nói: "Năm ngoái, Trung Quốc chỉ cử rất ít người tới tham dự, họ đều là những người có cấp bậc khá thấp. Năm nay, đoàn Trung Quốc đã đông đảo hơn... và họ đã rất tích cực hoạt động trong các cuộc hội thảo. Điều đó là rất tốt. Chúng tôi muốn tất cả mọi người cùng tham gia".
Mặc dù khá nhiều nhà phân tích an ninh tỏ ra hoài nghi về thái độ của Trung Quốc trong rất nhiều phiên họp, song có một thực tế là các quan chức Trung Quốc tỏ ra không ngần ngại khi phải trả lời những câu hỏi khó hoặc đặt câu hỏi. Thiếu tướng Yao Yunzhu đến từ Học viện Khoa học Quân sự của PLA đã hỏi ông Hagel rằng làm cách nào Washington có thể đảm bảo với Bắc Kinh rằng việc Mỹ tập trung vào châu Á không phải là một "nỗ lực nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel trả lời: "Đó là toàn bộ mục đích đằng sau các mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn. Chúng tôi không muốn có những tính toán sai lầm hay hiểu lầm".
Peter MacKay, Bộ trưởng Quốc phòng Canada, nói với Reuters rằng đoàn đại biểu Trung Quốc năm nay gồm những quan chức có cấp bậc cao hơn những lần trước và sự tham gia của họ trong các phiên họp thể hiện "một nỗ lực tích cực hơn từ phía Trung Quốc nhằm vươn ra bên ngoài". Ông Chipman nói rằng phía Trung Quốc đã làm việc "với một phong cách rất nhã nhặn, ít tính hiếu chiến hơn", lưu ý tới những bình luận của "một sỹ quan trẻ tuổi của PLA chúc mừng Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản sau bài phát biểu rất quan trọng của ông này".
Gần đây, bất đồng giữa Trung Quốc và Nhật Bản lại tăng lên khi trong một bài bình luận đăng trên Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - số ra ngày 8/5, hai học giả Trung Quốc đã tỏ ra nghi ngờ về chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Ryukyu (Trung Quốc gọi là Lưu Cầu) khi gọi quần đảo này là một “chư hầu” của Trung Quốc kể từ những năm 1300, trước khi quần đảo này bị thôn tính vào những năm 1800. Tuy nhiên, tại Đối thoại Shangri-La, Trung Quốc đã tỏ ra dịu giọng hơn khi Trung tướng Thích Kiến Quốc khẳng định rằng quan điểm này không đại diện cho lập trường của chính phủ. Tuy nhiên, Tướng Thích Kiến Quốc tái khẳng định những tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông.
Chuyên gia phân tích quân sự Hoàng Đông ở Ma Cao nói rằng phát biểu của Tướng Thích Kiến Quốc cho thấy bài bình luận của hai học giả nói trên ở Nhân dân Nhật báo có thể chỉ là một phép thử. Chuyên gia Hoàng Đông nhận định: “Lập trường hung hăng hơn (do hai học giả đưa ra) ban đầu có thể là một âm mưu nhằm kiểm tra phản ứng tại các vùng biển. Cũng có thể là sau đó có sự bất đồng quan điểm giữa quân đội và giới học giả”.
Đại tá PLA đã về hưu Nhạc Cương nói rằng mục đích của Trung tướng Thích Kiến Quốc khi đưa ra những tuyên bố trên có thể là nhằm xoa dịu những lo ngại của các nước láng giềng về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chuyên gia quân sự này nhấn mạnh: “Tướng Thích Kiến Quốc có thể muốn xua đi những quan ngại của cộng đồng quốc tế về khả năng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với những nơi từng là chư hầu của họ. Ngoài ra, bằng cách tuyên bố rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ không tuyên bố chủ quyền đối với những khu vực mà họ không xứng đáng có được, Tướng Thích Kiến Quốc muốn thể hiện sự quyết liệt của họ trong vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku theo một cách hợp lý hơn”.
Th.Long (Tổng hợp)