Ngân hàng sốt ruột vì... quá nhiều tiền!
Năm 2011, doanh nghiệp vẫn “mặn mà” tìm đến ngân hàng dù lãi suất vay cao ngất ngưởng. Nhưng từ cuối 2012 đến nay, một bộ phận doanh nghiệp mệt mỏi và kiệt sức đến mức không còn muốn vay vốn làm ăn. Thực tế này đã dẫn đến ngân hàng đang “tồn kho” một lượng tiền rất lớn mà đầu ra vẫn “bế tắc”.
Mục tiêu lợi nhuận của nhiều ngân hàng đang bị đe doạ bởi... "tồn kho" tiền.
Một đại diện của Ngân hàng VPBank “thật thà” tiết lộ: Hiện nay VPBank đang thừa 8.000 tỉ đồng không biết cho vay thế nào. Ngân hàng vẫn vướng phải nợ xấu khi mà doanh nghiệp không trả được nợ. Đó là do giữa ngân hàng và doanh nghiệp chưa xác lập được mối quan hệ bền vững và lâu dài. Nếu xác lập được mối quan hệ tốt, khi doanh nghiệp khỏe mạnh, ngân hàng sẵn sàng cho vay. Khi doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng cũng không từ bỏ.
“Ngân hàng muốn có và cần phải có thông tin đầy đủ kịp thời về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ trước đến nay, ngân hàng chỉ biết doanh nghiệp khó khăn khi họ không trả được nợ. Theo phản xạ tự nhiên, ngân hàng sẽ nâng chuẩn cho vay, hạn chế cho vay, thậm chí là không cho vay nữa” – vị này nói.
Vì vậy, đại diện VPBank mong muốn doanh nghiệp chia sẻ thường xuyên về mặt thông tin để khi doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời, ngân hàng vẫn có thể thiết kế các giải pháp tài chính để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Cũng đầy suy tư về việc ngân hàng “ế” tiền dù lãi suất đang giảm, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ: Trước đây bất động sản bùng phát, người người nói về bất động sản, tâm lực trí lực dồn vào bất động sản. Nay thị trường này đóng băng, chứng khoán trồi sụt, người dân chỉ còn 1 cửa là gửi tiết kiệm. Tiền gửi vào ngân hàng nhiều trong khi ngân hàng không cho doanh nghiệp vay được rõ ràng gây áp lực phải có đầu ra, giống như ăn vào mà không có đầu ra sẽ chết ngay. Đây là một trong những vấn đề lớn cần phải giải quyết.
“Có doanh nghiệp không vay được vì mang một núi nợ, có doanh nghiệp không muốn vay vì hàng hóa không bán được. Cho nên khơi nguồn tín dụng là rất quan trọng” – TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Theo báo cáo phân tích kinh tế Việt Nam tháng 5/2013 của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), tình trạng tín dụng tăng chậm và được dự báo khó đạt kế hoạch đề ra cho năm 2013 sẽ gây những khó khăn nhất định cho kế hoạch vốn đầu tư của năm 2013. Cụ thể, tính đến 29/4/2013, tín dụng chỉ tăng 2,11% so với cuối năm 2012 (trong đó, tín dụng bằng VND tăng 4,15%, ngoại tệ giảm 7,2%). Đây là mức tăng thấp so với mục tiêu 12% của cả năm 2013.
Như vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, trong 8 tháng còn lại, mỗi tháng tín dụng phải tăng đều ít nhất 1,25%.
UBGSTCQG cho rằng, dựa trên thực tế diễn ra trong năm 2012, trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, thị trường bất động sản hoạt động cầm chừng và tổng cầu của nền kinh tế đang yếu, để đạt được mức tăng trưởng tín dụng đều đặn trên 1% mỗi tháng là nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Vì vậy, trong khuyến nghị với Chính phủ, UBGSTCQG lưu ý, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho năm 2013 cần phải giữ để đảm bảo vốn đầu tư cho nền kinh tế. Muốn vậy, cần tiếp tục điều chỉnh hạ mặt bằng lãi suất cho vay tín dụng xuống khoảng 10% nhằm khuyến khích doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thời điểm thích hợp xóa bỏ qui định trần lãi suất huy động nhằm giúp thị trường tăng khả năng tự điều tiết.
TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: Lãi suất huy động và cho vay đang giảm. Nếu lạm phát năm nay ở mức 5-6% thì lãi suất đầu vào cũng hạ. Điều quan trọng là giảm khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biêt hiện nay có ngân hàng cho vay 12%, thậm chí có nơi thấp hơn trong khi huy động đầu vào 7%.
Như vậy chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra vẫn là 5%. Đây là mức chênh lệch là khá lớn. Cho nên muốn cho doanh nghiệp vay các ngân hàng phải giảm chi phí quản trị ngân hàng cùng các chi phí khác để thu hẹp khoảng cách giữa “đầu vào” và “đầu ra” xuống 3%, từ đó giảm được lãi suất cho vay.
Lương Thu Mai