Người tiêu dùng đang “gồng mình” tự vệ
(Petrotimes) - Hằng ngày, người Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm độc hại mà không biết phải kêu ai, kiện ai?
Ngập tràn hàng rởm, hàng xấu
Hiện nay, hàng giả hàng nhái đang là một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Nó không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn trực tiếp gây tổn hại đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm lòng tin của họ vào các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nếu như tìm mua hàng giả, hàng nhái ở nước ngoài khó khăn như thế nào thì ở Việt Nam lại dễ dàng bấy nhiêu.
Việc bán hàng nhái là việc công khai, không cần phải giấu giếm. Chẳng cần phải đi đâu xa, ngay trên những tuyến phố cổ Hà Nội như Hàng Buồm, Hàng Ngang, Hàng Đào… hàng nhái tràn ngập trên phố. Các vị khách du lịch đến Việt Nam không khỏi bỡ ngỡ khi những chiếc túi xách thuộc những dòng thương hiệu cao cấp có trị giá cả nghìn USD nằm la liệt trên các vỉa hè ở Hà Nội và được bán với giá “rẻ như bèo”.
Gia vị lẩu không có nhãn mác được phát hiện tại một quán lẩu ở Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Chị Julie - một khách du lịch đến từ Canada chia sẻ: “Tôi đến Hà Nội và thấy rất ngạc nhiên vì ở đây có nhiều hàng giả được bán ở ngoài đường. Ở nước tôi không bao giờ có chuyện như vậy. Dùng hàng giả sẽ bị kiện và phạt rất nặng”. Chủ cửa hàng buôn bán giày dép và túi xách trên phố Hàng Buồm nói: “Chị bày bán thế này mấy năm rồi, chẳng sao cả. Ai có tiền thì mua đồ thật, còn chị bán cho khách muốn mua đồ “nhái cao cấp”. Là loại hàng nhái tốt nhất. Chẳng khác gì hàng thật cả. Ở đây cả phố người ta cùng bán, có sao đâu”.
Tuy đã có những hoạt động tăng cường kiểm tra, rà soát song tình hình hàng giả, hàng nhái vẫn không giảm. Thậm chí còn xuất hiện những mánh khóe tinh vi hơn, ngang nhiên hơn.
Bệnh tòng khẩu nhập
Mua phải hàng giả xem ra vẫn còn là điều may mắn. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam còn đang ngày ngày bị đầu độc bởi “lòng tham vô đáy” của những kẻ bán hàng vô lương tâm. Tẩy trắng thịt thối, gia cầm bệnh, hải sản ươn, lợn bệnh… và sử dụng các hóa chất độc hại trong các loại nước dùng để bán cho các tiệm phở, các quán lẩu… Vừa tiết kiệm thời gian vừa thu khoản lợi nhuận lớn mà không hề nghĩ tới những hậu quả mà người tiêu dùng phải gánh chịu.
Theo các chuyên gia, một số hóa chất được sử dụng cho vào nước lẩu bán tại vỉa hè có chứa rất nhiều các chất độc hại như NO2, HCHO, ethyl maltol, propanediol… làm cho nồi nước lẩu trở nên thơm ngon, bắt mắt, nhanh nhừ thực phẩm. Đa số các loại gia vị này có nguồn gốc Trung Quốc hoặc không có nhãn mác. Các loại hóa chất được sử dụng đặc biệt có hại sức khỏe, khiến người ăn dễ bị ngộ độc và có nguy cơ gây ung thư. Thực khách thì không thể tự nhận biết được cái loại hóa chất này. Đến phở - một món ăn dân dã được coi là một nét văn hóa ẩm thực của Việt Nam cũng đã bị phát hiện được chế biến từ nước luộc và ép các loại thịt ôi thiu.
Cứ thỉnh thoảng người ta lại phát hiện ra vài vụ bê bối về thực phẩm. Xử phạt hành chính xong là đâu lại vào đó. Còn người tiêu dùng chẳng biết đằng nào mà lần. Người ta còn đùa nhau rằng: “Ăn thức ăn độc hại thì còn được chết từ từ, chứ không ăn gì là chết ngay”. Nghe thật là chua chát. Trung bình, một ngày có không biết bao nhiêu người ăn uống tại các quán vỉa hè. Nếu như tất cả các quán ăn đều sử dụng những loại hóa chất, thực phẩm độc hại thì thử tính xem mỗi ngày sẽ có bao nhiêu con người bị đầu độc?
Kẻ cắp bán hàng - người ngay nín lặng
Việc ăn uống, mua hàng bị “chặt chém”, bị ăn bớt ở Việt Nam đã trở thành phổ biến. Từ mớ rau đến những đồ vật dụng đắt tiền, các chủ hàng tự động niêm yết giá và quy định chất lượng cho sản phẩm của mình. Thế nên chỉ có ở Việt Nam mới có văn hóa “mặc cả”. Người bán thích “hét giá” bao nhiêu thì tùy, người mua thì thích cò kè mặc cả, bớt được một ít tiền là thấy thỏa mãn lắm, kể cả khi giá trị thực của nó cũng chẳng đắt đến thế. Câu hỏi được đặt ra là: Ai sẽ đứng ra bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng?
Hàng giả được bày bán đầy trên phố cổ Hà Nội
“Chặt chém, ăn bớt” không chỉ xảy ra tại các quán vỉa hè mà còn trong các nhà hàng lớn, có thương hiệu. Chị Nhung ở Đống Đa, Hà Nội là thực khách quen thuộc của chuỗi cửa hàng bán đồ ăn kiểu Tây nổi tiếng tại Việt Nam. Trong một lần mời bạn bè đến dùng bữa tại nhà hàng này chị rất ngạc nhiên khi thấy chất lượng của bữa ăn ở đây xuống cấp nghiêm trọng. Chị gọi món Rib eye steak với thịt bò Úc, nhưng được đưa ra món bò Việt Nam (có giá rẻ gấp nhiều lần so với thịt bò Úc) nhưng giá niêm yết của món ăn vẫn là giá của thịt bò Úc.
Bạn của chị cũng gọi món “Cơm thịt bò lúc lắc” nhưng những gì họ thấy trên đĩa ăn chỉ là một dúm thịt bé tý, còn lại “độn” toàn ớt xanh và hành tây. Vốn biết về chủ cửa hàng từ những ngày đầu tiên, chị gọi nhân viên ra để yêu cầu giải thích về chất lượng đồ ăn của mình. Chị được nhân viên nhà hàng xin lỗi và xin được làm lại đồ ăn. Nhưng trên thực tế lại không có nhiều khách hàng hành xử như chị Nhung. Đa số họ chọn lựa cách im lặng chứ không lên tiếng góp ý.
Ở Việt Nam, tâm lý ngại đấu tranh của người tiêu dùng Việt đã trở thành tâm lý chung và khó thay đổi. Nó gây ảnh hưởng tới không chỉ chính cá nhân họ mà còn ảnh hưởng tới cả cộng đồng. Người bán hàng thì gian dối, người mua bỏ tiền ra nhưng chẳng dám lên tiếng đòi hỏi. Chỉ có ở Việt Nam mới có kiểu khách vào quán ăn mất tiền mà còn bị chủ quán chửi xơi xơi bằng những lời nói tục tĩu, vô văn hóa. Thế nhưng thực khách vẫn ngồi cắm cúi ăn. Đã thế, khách vẫn đến quán xếp hàng để được ăn nườm nượp nữa chứ. Thậm chí không có ghế thì thôi đành đứng mà ăn vậy.
Chị Mai Phương ở quận Thanh Xuân tỏ ra ngạc nhiên với kiểu chửi khách như hát hay của một số quán cháo chửi, bún chửi, phở mắng tại Hà Nội: “Tôi không hiểu tại sao những quán ăn như thế mà vẫn có người vào ăn. Người ta có câu khách hàng là thượng đế. Thế mà bỏ tiền vào ăn còn bị người ta mắng chửi như vậy mà sao khách vẫn để yên được”. Không biết là do chất lượng món ăn của các cửa hàng đó hay là do thực khách đã quen bị chèn ép đến mức bị chửi cũng chẳng thèm quan tâm nữa. Chỉ biết rằng, bản thân người khách để người ta chửi đã là chẳng tôn trọng mình thì làm sao đòi hỏi chủ hàng tôn trọng mình nữa?
Thực tế, trông chờ vào sự bảo vệ của các cơ quan chức năng hiện nay là chuyện rất khó, khi mà trên đường phố, trong nhà hàng nhan nhản các vi phạm. Ăn thì toàn ăn bẩn, mặc cũng mặc bẩn, bỏ tiền mua dịch vụ thì cũng mất tiền oan vì bị lừa… Và để khắc phục được tình trạng này không thể cứ chờ cơ quan quản lý mà trước hết người tiêu dùng phải tự biết bảo vệ mình. Ít nhất cũng biết phản ứng lại những cái xấu, không dung túng cho các đối tượng làm bậy. Sự phản ứng mạnh mẽ của người tiêu dùng sẽ là sự ngăn chặn tốt nhất cho các hành vi làm tổn hại đến chính bản thân mình.
Hồng Nhung