Chỉ có "nạ”, không có "ná”?
(Petrotimes) - Bạn đọc: Trên Kiến thức Ngày nay, ông từng nói “nạ” có nghĩa là mẹ. Nhưng còn có “ná” trong “áng ná” cũng là mẹ. Vậy có thể là từ một chữ Nôm mà người ta đã đọc nhầm “nạ” thành “ná” hay “nạ” và “ná” là hai điệp thức không thưa ông? Xin cảm ơn ông. Nguyễn Ngọc Linh (Q.3, TP HCM)
Học giả An Chi: Tiếng Việt có nhiều trường hợp mà hai điệp thức chỉ khác nhau về âm vực của thanh điệu: từ này mang thanh 5 (dấu sắc), thuộc âm vực cao còn từ kia thì mang thanh 6 (dấu nặng), thuộc âm vực thấp. Ta có hàng loạt ví dụ: bít - bịt; (bong) bóng - bọng (đái); cắm - cặm; cắp - cặp; chếch - chệch; choáng (váng) - (loạng) choạng; chúm - chụm; cuốn - cuộn; dáng - dạng; dấy - dậy; v.v.. Nhưng “ná” (trong “áng ná”) và “nạ” có phải là hai điệp thức hay không thì lại là chuyện cần được thẩm định một cách nghiêm cẩn chứ không thể công nhận một cách vô căn cứ hoặc mặc nhận một cách hoàn toàn nhẹ dạ.
Từ “ná” và cả danh ngữ “áng ná” bằng chữ quốc ngữ đã được ghi nhận sớm nhất là từ giữa thế kỷ XVII trong Dictionarium annamiticum lusitanum et latinum của Alexandre de Rhodes (Roma, 1651). Dĩ nhiên là vào thời điểm này thì A. de Rhodes và các cố đạo người châu Âu chỉ ghi nhận bằng thính giác và theo đường giao tiếp chứ không phải bằng cách phiên âm chữ Nôm. Sau A. de Rhodes, Pierre Pigneaux de Béhaine cũng ghi nhận “áng ná” trong Dictionarium Anamitico Latinum (1772-73). Sau Pigneaux de Béhaine, J. L. Taberd cũng ghi nhận như thế trong quyển từ điển cùng tên (Serampore, 1838). Sau Taberd, một tác giả Công giáo người Việt Nam là Huình-Tịnh Paulus Của cũng ghi nhận danh ngữ “áng ná” trong Đại Nam quấc âm tự vị (Tome I, Saigon, 1895). Rồi J. F. M. Génibrel cũng ghi nhận danh ngữ này trong Dictionnaire annamite - francais (Saigon, 1898). Các tác giả trên đây, người đi sau thừa hưởng thành quả của người đi trước, đã ghi nhận một cách thụ động danh ngữ “áng ná” vào từ điển của mình mà không để ý đến chuyện nó có thực sự tồn tại như thế trong tiếng Việt hay không. Nhưng A. de Rhodes và những người có công trình mà giáo sĩ này thừa hưởng dù sao cũng là người châu Âu nên cái tai thẩm âm của họ không phải là có thể có giá trị quyết định 100% cho mọi âm, mọi từ của tiếng Việt mà họ ghi nhận lúc đó. Cho nên sự thận trọng ở đây không thừa thãi tí nào.
Thực ra thì từ “ná” và danh ngữ “áng ná” chỉ tồn tại “theo hệ thống” của những quyển từ điển trên đây mà thôi. Nó không tồn tại trong tiếng Việt. Tiếng Việt chỉ có từ “nạ” với nghĩa là mẹ, thuộc âm vực thấp, mang thanh 6 (dấu nặng). “Nạ” đã có mặt từ xửa từ xưa trong ngôn ngữ dân gian:
- Con có nạ như thiên hạ có vua.
- Con nạ cá nước.
- Con so về nhà nạ, con rạ về nhà chồng.
- Lấy con xem nạ; lấy gái góa xem đời chồng xưa.
- Quen việc nhà nạ; lạ việc nhà chồng.
- Rồng rồng theo nạ; quạ theo gà con.
- Sểnh nạ quạ tha.
Nếu cần tìm trong thư tịch chữ Nôm thì ta có thể thấy từ “nạ” xuất hiện đến 94 lần trong Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, mà bà Hoàng Thị Ngọ cho là một tác phẩm thuộc thế kỷ XV, muộn nhất là đầu thế kỷ XVI, trước cả từ điển 1651 của A. de Rhodes từ hơn một thế kỷ (xin xem Hoàng Thị Ngọ, Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1999). Vậy thì từ “ná” với nghĩa là mẹ không hề tồn tại trong tiếng Việt. Tiếc rằng có tác giả nghiên cứu và sưu tập từ Việt cổ lại cả tin vào những quyển từ điển kia nên đã “nhận vơ” mà đưa nó vào từ điển của mình, chẳng hạn Vương Lộc trong Từ điển từ cổ (NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 2001). Ta có thể khẳng định dứt khoát rằng, sự tồn tại của “ná” và “áng ná” chỉ là “chuyện nội bộ” của những quyển từ điển mà tác giả là người Công giáo nói trên. Nhưng chuyện thú vị là cũng có tác giả người Công giáo đã “phản phé” đấy. Trong Dictionarium latino - annamiticum (Ninh Phú, 1880), M. H. Ravier đã ghi nghĩa 2 cho danh từ “Mater” là: “Mẹ (về) giống vật, nạ”. Chúng tôi mạn phép viết đậm chữ “nạ” của vị tác giả thừa sai này để giúp cho những ai còn mơ mơ màng màng về hình bóng của từ “ná” và danh ngữ “áng ná” trong tiếng Việt có thể yên tâm giũ bỏ nó mà trở về thực tế với “nạ” và “áng nạ”.
A.C