Tạm "thoát" gánh nặng nợ xấu!
Thời điểm áp dụng các quy định về việc phân loại nợ theo tinh thần Thông tư 02/2013/TT-NHNN sẽ được lui tới 1/6/2014 thay vì ngày 1/6/2013. Thông tư 12/2013/TT-NHNN nêu rõ.
Thông tư 12 đã tháo bỏ rào cản đưa vốn ngân hàng vào nền kinh tế.
Ngày 21/1/2013, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tại Thông tư trên, vấn đề “nóng” nhất được giới chuyên gia, các tổ chức tín dụng và bản thân các doanh nghiệp quan tâm, “lo sợ” nhất là việc phân loại nợ.
Rất nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này đã được đưa ra, đặc biệt thời điểm áp dụng là ngày 1/6/2013 được cho là quá vội, quá gấp gáp và nó không phù hợp với tình hình kinh tế cũng như “sức khỏe” của mỗi doanh nghiệp. Thậm chí, có ý kiến còn đưa quan điểm bình luận rằng: Việc áp dụng Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về việc phân loại nợ sẽ “giết” không ít doanh nghiệp, cản trở và thậm chí là phủ nhận những nỗ lực từ chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp của Chính phủ.
Trong nhiều bài viết trước, khi đề cập tới câu chuyện nợ và nợ xấu, PetroTimes đã nhiều lần đưa phân tích cũng như đăng tải ý kiến của giới chuyên gia về những “ẩn họa” gia tăng nợ xấu trong nền kinh tế cũng như từ chính hệ thống các tổ chức tín dụng. Ví dụ cụ thể cho những nhận định đó là những việc hết sức cụ thể như việc cả 5 – 6 ngân hàng thương mại cùng nhận cầm cố lô hàng của một Công ty cổ phần Inox Việt – Mỹ là điển hình.
Điều mà giới chuyên gia đã đưa ra để cảnh báo là nguy cơ, là “ẩn họa” đã xảy ra và được dự báo là sẽ còn xảy ra trong thời gian tới khi nền kinh tế được dự báo là vẫn còn trong giai đoạn khó khăn. Và đây cũng chính là lý do mà hầu hết các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đều đưa quan điểm phản đối kịch liệt thời điểm áp dụng phân loại nợ xấu theo Thông tư 02. Doanh nghiệp sợ vì việc tiếp cận vốn vay sẽ khó càng thêm khó. Còn ngân hàng sợ vì việc làm này rất có thể sẽ đẩy nợ xấu tăng cao đột biến.
Vấn đề này cũng được ông Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ khi cho rằng, việc phân loại và xử lý nợ xấu phải phụ thuộc vào “sức khỏe” của doanh nghiệp.
Phản ứng trước Thông tư 02, ông Bùi Công Thanh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thành An cho rằng: Tài sản tích lũy của doanh nghiệp cố gây dựng có thể bị phá hủy chỉ vì 1 chính sách đưa ra không đúng thời điểm. Ngân hàng Nhà nước nên chia sẻ cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn…
Đứng dưới góc độ ngân hàng, đại diện của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (ngân hàng chiếm thị phần lớn cho vay nông nghiệp) còn thẳng thắn chỉ ra rằng, nếu Thông tư 02 được áp dụng thời điểm này (ngày 1/6/2013 – PV) thì sẽ có hàng loạt bà con nông dân… ra đường.
Phân tích cụ thể hơn, một cán bộ tín dụng cho biết, nếu buộc phải tiến hành phân loại nợ, chắc chắn hầu hết các doanh nghiệp sẽ bị “rớt hạng” xếp hạng tín dụng nội bộ và điều này đồng nghĩa, sẽ có nhiều khoản vay bị đẩy vào “nhóm nợ xấu”. Và như vậy, nợ xấu sẽ của ngân hàng chắc chắn sẽ tăng. Xếp hạng tín dụng nội bộ mà giảm thì việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ càng trở lên khó khăn hơn.
Ngoài ra, nếu bảng xếp hạng tín dụng của các nhóm khách hàng của ngân hàng xấu đi, nhóm nợ xấu gia tăng thì các khoản trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng cũng buộc phải tăng. Điều này sẽ dẫn tới việc lợi nhuận của ngân hàng vốn đã giảm vì “ế” vốn nay sẽ giảm mạnh hơn vì phải chia sẻ vào quỹ trích lập dự phòng rủi ro.
Lo ngại này cũng được TS Vũ Định Ánh chia sẻ rằng, với việc áp dụng Thông tư 02, khả năng tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ tăng lên đang kể, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mở rộng và phát triển mạng lưới của các tổ chức tín dụng.
Nói như vậy để thấy rằng, Thông tư 02 thực sự là một gánh nặng đối với không chỉ doanh nghiệp mà cả với hệ thống các tổ chức tín dụng. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước tạm hoãn thời điểm áp dụng Thông tư 02 đã gần như ngay lập tức nhận được sự đồng tình của giới kinh doanh, đầu tư và ngân hàng. Thậm chí, với các cơ quan quản lý thì đây được xem là khoảng lặng cần thiết để cho cả doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng hấp thụ những chính sách hỗ trợ để “khỏe” hơn trước khi bước vào cuộc đại phẫu, tái cơ cấu nền kinh tế.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đưa bình luận, việc Ngân hàng Nhà nước lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02 sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất cho vay và tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh.
Đó là câu chuyện tại thời điểm này nhưng về lâu, về dài cũng phải thấy rằng, việc xử lý nợ xấu bắt buộc phải thực hiện và việc phân định rõ các khoản nợ, nợ xấu là yêu cầu bắt buộc vì chỉ có như vậy, nợ xấu mới giải quyết triệt để, nền kinh tế mới phát triển bền vững!
Thanh Ngọc