Kinh tế Việt Nam "Trên đường gập ghềnh tới tương lai"
Sáng ngày 27/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Ba Đình – Hà Nội), trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hội thảo công bố Báo cáo Thường niên kinh tế Việt Nam 2013: “Trên đường gập ghềnh tới tương lai”.
Tham dự hội thảo có đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc ĐHQGHN; PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN; TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, chủ nhiệm đề tài; bà Victoria Kwakwa, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng lãnh đạo, đại diện các cơ quan chính phủ, các viện nghiên cứu, các đại sứ quán và các cơ quan liên quan khác.
Các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đến tham dự hội thảo
Được biết, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Hà Nội về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN thực hiện từ năm 2009.
Đây là chuỗi báo cáo được xuất bản hằng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn trong năm đã qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách trong bối cảnh hiện thời. Đặc biệt, chuỗi Báo cáo kinh tế từ năm 2009 đến năm 2012 của nhóm tác giả do TS Nguyễn Đức Thành làm chủ biên đã nhận được giải thưởng Bảo Sơn năm 2012 trong lĩnh vực kinh tế.
Tiếp nối thành công từ những Báo cáo trước, Báo cáo năm 2013 với tựa đề “Trên đường gập ghềnh tới tương lai” đã đưa ra những dự cảm không mấy lạc quan đối với nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Báo cáo đưa nhận định, nếu không có những cam kết mạnh mẽ, thực thi quyết liệt về chính sách tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, và trên hết, hình dung rõ ràng một mô hình kinh tế - xã hội tổng thể cho tương lai Việt Nam.
PGS.TS Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao kết quả báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2013
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao kết quả thu được của nhóm tác giả trong chuỗi báo cáo. Ông cũng cho rằng, chính sự hữu ích và gắn bó với thực tiễn của những nội dung được chọn lọc và nghiên cứu mỗi năm trong Báo cáo đã làm nên thành công của công trình này, mang lại những giá trị tham khảo hữu ích, đáng tin cậy cho những người nghiên cứu kinh tế.
TS Nguyễn Đức Thành thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày về báo cáo năm 2013.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã nghe TS Nguyễn Đức Thành, chủ biên Báo cáo trình bày vắn tắt nội dung của Báo cáo năm 2013. Báo cáo năm nay nhấn mạnh vào các nội dung chính như lạm phát tại Việt Nam giai đoạn hậu gia nhập WTO, vấn đề về xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại, nguy cơ giải công nghiệp hóa của Việt Nam sau khi gia nhập Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc hay sự điều chỉnh của thị trường lao động trong thời kì biến động kinh tế và tái cơ cấu.
Đặc biệt, trong phần cuối của chuỗi Báo cáo, các tác giả đã đưa ra những dự báo về diễn biến của kinh tế Việt Nam trong năm 2013 như tăng trưởng, lạm phát và khuynh hướng chung của các biến vĩ mô quan trọng khác.
TS Vũ Viết Ngoạn cho rằng các vấn đề được nêu trong báo cáo cần được xâu chuỗi, liên kết tạo nên giá trị cao hơn
Đánh giá về báo cáo năm 2013, TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng Báo cáo cần phải chú ý phân tích thêm về những giải pháp dài hạn và ngắn hạn để giải quyết các vấn đề đang gặp phải. Đặc biệt phải biết kết hợp khéo léo cả hai giải pháp này, cân bằng cải cách để có thể ứng cứu các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và tập trung vào tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.
TS Lê Đăng Doanh dè dặt trước dự báo về viễn cảnh kinh tế Việt Nam trong năm tới
Cùng nhận xét về Báo cáo, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) dè dặt khi nhận xét về đánh giá viễn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2013. Ông cho rằng, tình hình kinh tế trong năm 2013 còn gặp nhiều khó khăn, các giải pháp ngắn hạn có thể giải quyết được tạm thời những vấn đề gặp phải nhưng cần thiết phải có một kế hoạch lâu dài để những vấn đề nan giải như nợ xấu, thị trường bất động sản… được giải quyết một cách triệt để.
TS Võ Trí Thành phát biểu ý kiến tại buổi hội thảo
TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đồng ý với việc cần phải kết hợp những giải pháp ngắn hạn và dài hạn với nhau để giải quyết những vấn đề khó khăn của nền kinh tế. Ông Thành cũng cho rằng Báo cáo cần phải gợi ý được những chính sách thiết thực để xóa đói giảm nghèo, giải quyết tình trạng người lao động thất nghiệp… tránh để tình trạng bất ổn kéo dài khiến cho nền kinh tế bị đi xuống.
Nhóm tác giả báo cáo lắng nghe các ý kiến đóng góp thảo luận từ các chuyên gia tham dự hội thảo
Cũng tại hội thảo, bên cạnh những ý kiến đóng góp quý cho nhóm tác giả VEPR, các chuyên gia đều đánh giá cao những giá trị, thông tin mà bản Báo cáo đã ra và nghiên cứu. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như tất cả những ai quan tâm đến vấn đề về kinh tế vĩ mô tại Việt Nam.
Bài và ảnh: Hiền Anh