"Làng rác" và giấc mơ nhặt được 11 cây vàng
(Petrotimes) - Hà Nội với hơn 6,5 triệu dân, mỗi ngày thải ra hàng ngàn tấn rác thải. Số rác này được đưa về tập trung tại bãi rác Nam Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn từ năm 1998 đến nay. Hơn một thập kỉ qua, người dân xã Bắc Sơn sống dựa vào bãi rác này, họ giàu lên, xây nhà tầng, nhưng bên cạnh đó họ phải đối mặt với những hiểm nguy và sự ô nhiễm.
Nhọc nhằn mưu sinh
Men theo con đường đất đỏ ngoằn ngoèo và lầy lội, chúng tôi đã tìm đến làng bới rác lớn nhất Thủ đô. Vừa bước đến đầu xã, mùi hôi thối nồng nặc của rác thải đã xộc thẳng vào mũi. Những túi bóng, bao bì ni lông được phơi rải rác khắp đường làng, ngõ xóm, bờ ruộng…
Bắc Sơn vốn là cái “rốn nghèo” của huyện Sóc Sơn nên cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Không phải hộ dân nào cũng có ruộng để cày cấy, chỉ có những người có “khẩu” thì mới có ruộng, thậm chí có những gia đình có “khẩu” mà không có ruộng. Hơn thế nữa, nếu có ruộng thì làm cũng rất vất vả bởi đây là vùng đất cao, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Người dân Bắc Sơn có trồng màu như lạc, ngô, mía,… nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, không đủ trang trải cuộc sống.
Cô Tuất, người có thâm niên 7 năm nhặt rác
Bãi rác Nam Sơn được chuyển về đây là sự “cứu cánh” cho người dân bởi lẽ hầu hết những hộ dân trong làng đều kiếm miếng cơm manh áo nhờ bãi rác này. Khi chúng tôi hỏi thăm những hộ sống bằng nghề nhặt rác trong làng, một người dân cho biết: “Ở đây có mười nhà thì chín nhà đi nhặt rác cả, từ trẻ nhỏ đến người già đều đi. Các cô không cần hỏi đâu, cứ vào làng là biết thôi”. Ở Bắc Sơn, những ai từ 16 tuổi trở lên có thể được vào bới rác, phụ giúp gia đình, còn những đứa trẻ nhỏ hơn thì ở nhà trông em phụ giúp bố mẹ việc nhà.
Cô Nguyễn Thị Tuất (thôn Lương Đình, xã Bắc Sơn), người đã có thâm niên 7 năm nhặt rác cho biết: “Làm nghề này thì vất vả lắm, phải dậy từ 2 giờ sáng để kịp giờ mở cửa vào bãi, thường xuyên phải sống với mùi hôi thối. Chẳng qua là nhà tôi không có ruộng nên phải mưu sinh bằng nghề này”. Họ nhặt tất cả những thứ có thể bán được nhưng chủ yếu là túi bóng, nhựa, nhôm đồng, quần bò, tóc rối,… Ban đêm đi làm còn ban ngày họ lại tất tưởi giặt, giũ lại túi ni lông để giá thành cao hơn.
Không những phải làm đêm mà họ còn tiếp xúc với môi trường ô nhiễm độc hại vì hầu như rác ở bãi thải Nam Sơn đều trong giai đoạn phân hủy. Chị Hồng Hạnh (thôn Lương Đình, Bắc Sơn) chia sẻ: “Lúc đầu mới làm thì không quen, mùi khó chịu lắm, buồn nôn nữa nhưng ngửi nhiều cũng quen. Đợt có chửa thằng thứ hai, gần đến tháng đẻ tôi vẫn đi để có tiền nuôi con”.
Khi được hỏi đi làm thế này có bảo hộ gì không, chị Hạnh lắc đầu cười: “Không có bảo hộ gì đâu cô ạ, chúng tôi chỉ đi có 2 chiếc găng tay và ủng, đều do gia đình tự sắm. Qua một lớp khẩu trang nhưng mùi vẫn nồng nặc lắm”.
Cả vườn là… rác. Trong bức ảnh này, quần áo của người trong gia đình phơi trên dây như bị lẫn vào trong "không gian" toàn rác là rác. Thậm chí, nếu không chú ý, bạn đọc còn có thể không nhận ra là có quần áo phơi trên dây.
Nhặt rác thôi thì chưa đủ mà còn phải giũ để hết bẩn bên trong thì mới bán được. Cô Tuất cho biết thêm: “Bây giờ còn dễ bán hơn trước kia bởi những người thu mua còn chịu mua bóng ướt. Chứ trước kia họ chỉ mua bóng khô, mình phải mất công giũ rồi lại phơi mấy ngày liền, mệt lắm”.
Vất vả là vậy mà tiền công cũng chẳng là bao, chỉ đủ trang trải cho cuộc sống eo hẹp hàng ngày. Giá của mỗi cân túi bóng ướt là 1.230 đồng/kg, còn túi bóng khô là 2.300 đồng/kg,… Trung bình mỗi ngày họ kiếm được 100 ngàn đồng, nhưng không phải tháng nào cũng đi đủ, có những hôm nắng, hôm mưa, đường lầy lội không đi nổi.
Miếng cơm manh áo không dễ gì có được mà phải đổi bằng sự cạnh tranh, sự cãi vã xảy ra như cơm bữa. Mỗi đêm đi nhặt rác thì họ phải nộp cho chủ lán 8.000 đồng, đây là phí giữ chỗ. Thậm chí những đồ có thể bán ra tiền ở bãi rác cũng dần ít đi bởi rác trước khi đưa về Nam Sơn thì đã được xử lí phân loại ở Hà Nội. Ngoài ra, bãi rác Nam Sơn nay chỉ mở cửa cho dân vào nhặt rác vào ban đêm chứ không còn mở cả ngày như trước nữa nên lượng rác thu được cũng kém hẳn.
“Lên đời” nhờ bới rác?
Tới thôn Lương Đình, ngoài mùi hôi thối của rác, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi những ngôi nhà tầng đang mọc lên giữa đồi núi. Hỏi ra mới biết, đó đều là nhà của người đi bới rác may mắn nhặt được vàng, tiền mặt rồi “lên đời” xây nhà, mua xe.
Chú Nguyễn Văn Dũng, chồng cô Tuất kể: “Cách đây mấy năm, có nhà đi bới rác bới được 11 cây vàng, mang về bán đi xây được nhà to. Có người thì bới được chục triệu. Ngay cả nhà tôi còn bới được 2 triệu cơ mà”. Theo lời kể của chú Dũng, chú là người đi bới rác 12 năm, từ những ngày bắt đầu bãi rác Nam Sơn chuyển về đây. Trước kia, gia đình chú còn nghèo khó, phải chạy ăn từng bữa. Từ khi cả nhà ( hai vợ chồng và cô con gái lớn) đi bới rác, đời sống gia đình chú nâng lên, bữa ăn được cải thiện, có thể mua sắm một số đồ đạc trong nhà như tivi, tủ lạnh… Không chỉ gia đình chú Dũng mà còn nhiều hộ trong thôn Lương Đình khấm khá lên nhờ đi bới rác.
Rác được phơi ở khắp nơi
Theo tìm hiểu, những ngôi nhà khang trang hầu hết là của các chủ lán hoặc của những người thu mua chứ không phải của người dân. Bởi lẽ không phải ai cũng may mắn nhặt được tiền hay vàng, những người chủ lán giàu lên bởi việc ăn chênh lệch và thu tiền giữ chỗ.
Nhiều người nghĩ rằng dân Bắc Sơn “lên đời” nhờ nhặt rác song sự ô nhiễm, bẩn thỉu thì chỉ có người dân phải chịu đựng nhiều năm nay. Khắp các đồng ruộng đều trở thành bãi phơi túi bóng, những con kênh thì đen ngòm, tanh nồng vì rác. Vào những ngày mưa, những kim tiêm, mảnh nhọn, túi ni lông nổi lềnh phềnh trôi vào ruộng, dạt vào tận vườn. Còn những ngày nắng, cả thôn Lương Đình phải hứng chịu mùi hôi thối của rác.
Ông Nguyễn Văn Tề, 76 tuổi (thôn Lương Đình) bức xúc: “Nhà tôi ở ngay cánh đồng, cứ đến mùa gió nồm thì mùi hôi thối của rác thải thốc vào tận cửa. Nhà tôi còn có cháu bé, chúng tôi thì già cả rồi, mùi thế này làm sao chịu nổi”. Nói xong, ông dẫn chúng tôi ra con mương trước nhà, con mương này nhỏ hẹp nhưng chứa đầy rác thải, nước đặc sánh đến nỗi "trâu bò còn không uống được, huống chi là người” – ông Tề nói thêm.
Bắc Sơn ám ảnh chúng tôi bởi con đường đất đá, lầy lội, hình ảnh những con kênh đen ngòm bốc mùi vì rác, là hình ảnh của Thoan – con gái cô Tuất, người mẹ trẻ đang ôm con chờ chồng đi đổ rác tận Phổ Yên, Thái Nguyên. Nhưng, trên hết vẫn là nỗi buồn, ánh mắt lo lắng của ông Tề cho đứa cháu gái 2 tuổi phải sống trong môi trường bị ô nhiễm nặng nề.
Câu chuyện nhặt được tiền, vàng là hiếm hoi, thậm chí là một giấc mơ nhưng nó như động lực thôi thúc người dân Bắc Sơn tiếp tục gắn bó cuộc đời mình hơn với rác.
Diệu Linh – Lưu Nhạn