Sửa đổi Luật Cư trú góp phần phòng, chống tội phạm
Trong Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú trình trước Quốc hội hôm nay (23/5), Chính phủ cho rằng một số quy định của Luật Cư trú đã bộc lộ khó khăn, vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú và tăng cường công tác quản lý nhà nước về cư trú.
Thực tế cho thấy, khá nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở của việc đăng ký tạm trú, tạm vắng để thực hiện hành vi phạm pháp. Trong bản thuyết minh về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, Ban soạn thảo nhận thấy Luật Cư trú hiện nay chưa quy định nghiêm cấm đối với các hành vi: giả tạo điều kiện để được đăng ký thường trú (như ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với cá nhân chỉ với mục đích để người này đủ điều kiện nhập hộ khẩu vào thành phố trực thuộc trung ương, mà thực tế người này không làm việc tại doanh nghiệp đó; hoặc giả tạo kết hôn để đăng ký thường trú…); giải quyết cho đăng ký cư trú nhưng thực tế người được cấp đăng ký không sinh sống tại chỗ ở đó; cho người khác đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của mình để trục lợi. Khi phát hiện các hành vi này thì các cơ quan hữu quan không có biện pháp, chế tài xử lý được.
Hơn nữa, Luật Cư trú không quy định diện tích tối thiểu là bao nhiêu m2/người đối với diện tích nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì được đăng ký thường trú nên đã nảy sinh hiện tượng cho nhiều hộ, nhiều người nhập hộ khẩu vào một hộ khẩu nhưng thực tế những người này lại không cư trú tại đây. Luật Cư trú hiện hành quy định công dân có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên thì được đăng ký thường trú; song, thực tế cho thấy quy định điều kiện một năm tạm trú là quá ngắn, chưa phù hợp với quy định của Luật là “nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định”.
Bộ trưởng Trần Đại Quang đọc Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú tại Hội trường.
Tình trạng lạm dụng các quy định thông thoáng của Luật Cư trú hiện hành để nhập hộ khẩu vào thành phố trực thuộc trung ương làm cho tốc độ tăng dân số cơ học tại các thành phố này ngày một tăng cao, gây mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội, tạo nên sức ép rất lớn về các vấn đề xã hội liên quan, dẫn đến việc quản lý trật tự, an toàn xã hội, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công gặp nhiều khó khăn, không thể đáp ứng được. Theo đó, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đang cư trú tại các địa phương này không được bảo đảm, đặc biệt là gây khó khăn cho công tác quản lý cư trú và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Đặc biệt là với thời gian và điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, Dự luật được xây dựng theo hướng công dân có chỗ ở hợp pháp, thì phải có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố đó từ hai năm trở lên; được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu là người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột.
Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Luật Cư trú, Công an các địa phương đã giải quyết đăng ký thường trú cho 3,74 triệu hộ, 17,78 triệu nhân khẩu; tách sổ hộ khẩu cho 2,22 triệu trường hợp; cấp mới 1,99 triệu sổ hộ khẩu; đổi 2,87 triệu sổ hộ khẩu; cấp lại 600.872 sổ hộ khẩu; điều chỉnh 137.193 trường hợp có thay đổi trong sổ hộ khẩu; xóa đăng ký thường trú 3,5 triệu nhân khẩu; đăng ký tạm trú cho 1,86 triệu hộ, 10,24 triệu nhân khẩu; cấp 2,26 triệu sổ tạm trú; tiếp nhận thông báo lưu trú 97,55 triệu lượt trường hợp, trong đó thông báo trực tiếp tại địa điểm tiếp nhận thông báo lưu trú của cơ quan công an là 70,74 triệu lượt (chiếm 72,51%), thông báo qua điện thoại là hơn 8 triệu lượt (chiếm 8,2%), thí điểm thông báo qua mạng Internet là 18,8 triệu lượt (chiếm 19,27%); làm thủ tục khai báo tạm vắng cho 1,14 triệu lượt nhân khẩu.
Dự luật cũng đề nghị giảm thời hạn làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú khi thay đổi chỗ ở hợp pháp từ 24 tháng xuống còn 12 tháng. Với đăng ký tạm trú, Dự luật sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và có thời hạn tối đa 24 tháng; trước khi hết thời hạn tạm trú ba mươi ngày, công dân đến cơ quan công an đã cấp sổ tạm trú để làm thủ tục gia hạn. Công dân có thể thực hiện việc thông báo lưu trú qua Internet, mạng máy tính.
T.L