Dự án Bauxite tại Tây Nguyên: Không gây hại môi trường
(Petrotimes) - Đó là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Chỉnh, Trưởng ban Khoa học công nghệ, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) - Người phát ngôn của Vinacomin về tình hình thực hiện 2 dự án bauxite - alumin thử nghiệm tại Tây Nguyên là Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) và các giải pháp về đảm bảo an toàn môi trường tại buổi họp báo ngày 16/5 vừa qua.
An toàn môi trường
Theo báo cáo của Vinacomin, tính đến thời điểm hiện tại, Dự án Tân Rai đã hoàn thành công tác xây dựng cơ bản, tính đến tháng 4, Tập đoàn đã khai thác được trên 1,6 triệu tấn quặng bauxite và sản xuất được trên 265.000 tấn quặng tinh bauxite, tổng giá trị đầu tư đã thực hiện của toàn bộ dự án này khoảng 11.612 tỉ đồng, tổng giá trị đã giải ngân khoảng 11.125 tỉ đồng. Dự kiến đến tháng 5/2013 sẽ tiến hành chạy đồng bộ các chỉ tiêu để đưa nhà máy alumin vào sản xuất sản phẩm thương mại đầu tiên.
Cũng tính hết tháng 4/2013, Dự án alumin Nhân Cơ - Đăk Nông, tổng giá trị đã thực hiện của toàn bộ dự án và một số dự án khác liên quan là khoảng 6.836 tỉ đồng. Trong đó, đã giải ngân gói thầu EPC đạt khoảng 4.606 tỉ đồng. Dự án này bao gồm Nhà máy tuyển quặng bauxite và Nhà máy alumin Nhân Cơ. Vinacomin đã báo cáo Thủ tướng điều chỉnh một số nội dung của gói thầu EPC (phạm vi cung cấp, thời gian thực hiện, giá gói thầu) để triển khai thực hiện đối với Nhà máy tuyển quặng bauxite. Gói thầu EPC Nhà máy alumin Nhân Cơ đã triển khai thực hiện 72/73 hạng mục (còn hạng mục trồng cây xanh chưa thực hiện). Dự kiến nhà máy có sản phẩm vào năm 2014.
TS Nguyễn Tiến Chỉnh, Trưởng ban Khoa học công nghệ, Vinacomin trả lời tại buổi họp báo
Tại buổi họp báo, đại diện Vinacomin đã giải đáp những câu hỏi được dư luận quan tâm hiện nay chính là công nghệ và tính hiệu quả của dự án. Công nghệ của 2 nhà máy được khẳng định sản xuất alumin bằng phương pháp thủy luyện (BE) là công nghệ tiên tiến và phổ biến trên thế giới đang áp dụng, xuất xứ từ châu Mỹ. Đại điện Vinacomin khẳng định, 2 nhà máy alumin Tân Rai và Nhân Cơ đều sử dụng công nghệ hiện đại, phù hợp với công nghệ đang sử dụng trên thế giới. Theo Vinacomin, hiện trên thế giới có 26/27 nhà máy sản xuất alumin từ loại quặng tương tự như quặng bauxite của Việt Nam.
Giải đáp lo ngại về các hồ chứa bùn đỏ đảm bảo an toàn hay không, đại diện Vinacomin khẳng định, các giải pháp về môi trường đã được lập và thẩm định một cách cụ thể, đảm bảo độ an toàn về hệ thống môi trường. Khi triển khai hai dự án này, đại diện Vinacomin cho rằng, nếu nói về môi trường chung thì chỉ có lợi cho môi trường chứ không gây hại. Vì công nghệ ở đây rất đơn giản, phần đất alumin trở lại cho phát triển cây trồng, khi ta lấy phần quặng này đi, sau đó phục hồi lại, trồng cây chỉ có tốt hơn. Còn đối với nhà máy tuyển, chúng ta không thải ra gì ảnh hưởng tới môi trường.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Chỉnh cũng dẫn chứng thêm, trước kia có vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary, thì nhiều người nghĩ ta cũng thải bùn đỏ tương tự như vậy. “Với phần liên quan tới hồ bùn đỏ, công nghệ xử lý bùn đỏ, chúng ta áp dụng công nghệ thải bùn đỏ cho Nhà máy Tân Rai, cung cấp thải khô. Theo thiết kế trong quá trình trao đổi ngược, bùn đỏ được xử lý, có các thiết bị cô đặc, lắng lọc, làm đặc đạt 46,5%, tiêu chuẩn chỉ là 45% và thải ra khu chứa bùn đỏ, khoảng 10-12 ngày sau thì bùn khô tự nhiên, do đó không lo ngại về sự cố như ở Hungary, thậm chí có thể đi lại trên bùn đó”.
Nếu dừng, thiệt hại sẽ quá lớn
Trả lời tính hiệu quả và tổng mức đầu tư của hai dự án trước báo giới, đại diện Vinacomin không đưa ra con số cụ thể, thay vào đó chỉ cho biết, do một số tác động khách quan của biến đổi tỷ giá, lãi suất vốn vay…, cả hai dự án đã phải tăng tổng mức đầu tư thêm khoảng 31% so với phê duyệt ban đầu. Ngoài ra, một số nguyên nhân mang tính chủ quan cũng khiến dự án đội vốn thêm 2-3%.
Nói về hiệu quả của dự án, ông Chỉnh cho biết, Vinacomin đã thuê 2 đơn vị tư vấn tính toán và thẩm tra lại tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng và Dự án nhà máy sản xuất alumin. Theo kết quả tính toán, dự án có hiệu quả kinh tế, dù hiệu quả kinh tế của 2 dự án có thấp hơn mong đợi nhưng “vẫn đạt hiệu quả và có lãi”. Thời gian hoàn vốn giản đơn của Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng là 12 năm, nộp ngân sách bình quân khoảng 460 tỉ đồng/năm và Dự án sản xuất alumin Nhân Cơ là 13 năm, nộp ngân sách khoảng 398 tỉ đồng/năm.
Toàn cảnh Nhà máy sản xuất alumin Tân Rai, Lâm Đồng nhìn từ khu thải bùn đỏ
Vinacomin cho biết đã tính toán, cân nhắc việc dừng Dự án Nhân Cơ khi vấn đề được đặt ra. Sau khi tính toán, cân nhắc các thành tố về kinh tế, xã hội và thị trường trong nước và toàn cầu, thuê tư vấn tính toán lại hiệu quả của dự án, Tập đoàn nhận thấy có đầy đủ lý do để tiếp tục thực hiện dự án, tuy nhiên, thời gian để thu hồi vốn có thể kéo dài hơn trước đây (thời gian thu hồi vốn sẽ là 13 năm trong phương án tính toán trọn đời dự án là 30 năm, trong khi dự án có thể kéo dài đến 50 năm). Như vậy, dự án vẫn đạt được hiệu quả về kinh tế.
Về tổng thể hiệu quả kinh tế xã hội tại địa phương, ông Chỉnh cho biết dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, ngoài ra phát triển dịch vụ, công nghiệp phụ trợ.
Hiện tại, Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm alumin với Công ty Marubenin (Nhật Bản) và Công ty Nhôm Vân Nam (Trung Quốc). Ngoài ra, các công ty của Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Anh, Malaysia… cũng quan tâm xem xét mua alumin của Việt Nam.
Trong thời gian tới, Vinacomin tiếp tục đàm phán với các đối tác để ký hợp đồng khi nhà máy đi vào hoạt động thương mại. Theo đánh giá của Vinacomin thì việc tiêu thụ sản phẩm của 2 dự án này là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, do kinh tế thế giới suy thoái đã ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính Việt Nam và vốn đầu tư bảo vệ môi trường đã tác động làm thay đổi tiến độ và hiệu quả kinh tế của 2 dự án so với ban đầu, đây cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến thời gian thu hồi vốn của dự án.
Liên quan đến những ý kiến về việc dừng Dự án Bauxite Tây Nguyên do những lo ngại về hiệu quả kinh tế của 2 dự án, người phát ngôn của Vinacomin về các dự án bauxite, TS Nguyễn Tiến Chỉnh cho biết rất tôn trọng các ý kiến góp ý và cũng đã bàn bạc, đánh giá khả năng tiếp tục hay dừng. Tập đoàn cũng đưa vấn đề này ra xem xét, đánh giá xem có nên dừng hay không. Tuy nhiên nếu dừng thì thiệt hại về mọi mặt là quá lớn.
“Đã có rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học kiến nghị dừng dự án. Nhưng chúng tôi cho rằng, khi đặt ra vấn đề này, cũng phải xem xét xem ở vị trí của doanh nghiệp, của nhà đầu tư, nếu dừng thì mất gì? Hiện dự án đã đầu tư vào đó mấy nghìn tỉ, nhà máy đã xây dựng, thiết bị, công trình nằm ngổn ngang, hợp đồng với các đối tác cũng đã ký. Nếu dừng thì thiệt hại lớn như thế nào? Khi làm dự án này, Chính phủ, các cơ quan chức năng đã xem xét, chúng tôi có trách nhiệm làm, nếu có thiệt hại gì thì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và đất nước về vấn đề này… Tiến sĩ Nguyễn Tiến Chỉnh nhấn mạnh.
Mạnh Kiên