Công nghiệp chế biến thực phẩm:
Cơ hội còn bỏ ngỏ
(Petrotimes) - Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm là ngành truyền thống lâu đời của nước ta. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài ngành phát triển còn rất mờ nhạt, mặc dù có không ít lợi thế. Làm sao để phát huy tối đa sức mạnh của ngành, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu trong nước cũng như các tiêu chuẩn cao của thị trường nước ngoài vẫn luôn là điều mong mỏi của các doanh nghiệp.
Thị trường rộng mở
Trong 20 năm trở lại đây, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, đã có hàng trăm nhà máy chế biến thực phẩm quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế đã đi vào hoạt động trên cả nước. Vì thế, từng bước đáp ứng nhiều sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, góp phần thay thế nhập khẩu và tham gia xuất khẩu với sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần ổn định đời sống của nhân dân và tạo dựng được những nền tảng quan trọng cho nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chế biến rau củ tại một doanh nghiệp ở Cần Thơ
Với dân số trên 86 triệu người, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình khoảng 7,5%/năm trong những năm qua, đây là một trong những điều kiện làm cho nhu cầu vật chất và tinh thần của mỗi người dân Việt Nam từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, nhất là nhu cầu về thực phẩm sạch, các sản phẩm qua chế biến, thậm chí qua chế biến nhiều lần, đạt trình độ chế biến sâu, tinh tế. Hà Nội là một trong những thành phố có dân số vào loại cao nhất cả nước. Ước tính một năm thị trường này tiêu thụ khoảng 6.000 tấn thịt hơi các loại, sản lượng sữa tiêu thụ 250 nghìn tấn/năm và trứng gia cầm ước chừng khoảng 1.100 triệu quả. Có thể thấy, chính nhu cầu tiêu thị về thực phẩm này là cơ hội đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến.
Ngoài cơ hội về thị trường trong nước, Việt Nam tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN và trở thành thành viên của WTO đã thúc đẩy xuất khẩu nói chung và xuất khẩu thực phẩm chế biến nói riêng. Quá trình hội nhập, mở cửa thị trường đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Hiện Hàn Quốc, Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu thực phẩm lớn của Việt Nam.
Còn nhiều thách thức
Mặc dù nhiều cơ hội đang rộng mở, ngành chế biến thực phẩm đang rất tiềm năng, tuy nhiên đây cũng là một trong những ngành phải đối đầu với nhiều thử thách, vừa khách quan, vừa chủ quan.
Được đánh giá là ngành có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng tại hầu hết các tỉnh, thành cả nước cũng như Hà Nội vẫn chưa hình thành được nhiều trung tâm chế biến thực phẩm lớn với những sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao và đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), các sản phẩm hiện nay chủ yếu được sản xuất từ các cơ sở chế biến có quy mô nhỏ lẻ, với công nghệ lạc hậu nên sản phẩm sản xuất ra và cung cấp ra thị trường chưa có tính cạnh tranh, dẫn đến không thúc đẩy sự phát triển của ngành; đồng thời khó kiểm soát về chất lượng và VSATTP, nhất là giai đoạn hiện nay, nhiều dịch bệnh xuất hiện trong ngành chăn nuôi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm hiện nay đều vì mục tiêu đạt lợi nhuận cao nên chỉ tập trung vào khâu cuối cùng mà không tập trung vào những khâu sơ chế, tạo nguồn nguyên liệu ban đầu. Chính vì vậy, quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm của các doanh nghiệp không tạo ra giá trị gia tăng theo chuỗi, sản lượng sản xuất ra phụ thuộc vào các cơ sở sơ chế nhỏ lẻ, thiếu tập trung và không đảm bảo việc kiểm soát chất lượng cũng như VSATTP, điều này làm giảm uy tín doanh nghiệp với người tiêu dùng.
Cùng với đó, doanh nghiệp chế biến thường sử dụng những công nghệ thấp, một số phụ gia không đảm bảo chất lượng, cơ chế xử lý rác thải kém gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và chất lượng thực phẩm chế biến đưa ra thị trường không được đảm bảo. Đấy là chưa kể đến tình hình thực phẩm lậu tràn lan không chỉ riêng thị trường Hà Nội mà còn ở nhiều thị trường lớn khác của cả nước đang làm đau đầu các nhà quản lý thị trường nội địa.
Trong khi đó, quy hoạch cũng như các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách đầu tư, tài chính chưa khuyến khích phát triển nguyên liệu trong nước, việc phát triển các khu đô thị, khu vực kinh tế khác như công nghiệp, dịch vụ… đối với ngành chế biến thực phẩm vẫn chưa thực sự đồng bộ và còn một số hạn chế nên chưa kích thích cũng như hỗ trợ cho sự phát triển của ngành; chính sách quản lý thị trường nội địa cũng không rõ ràng, rành mạch, nhiều doanh nghiệp vẫn có những hiện tượng lách luật, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Chính sách quản lý, quy hoạch đô thị cũng chưa đồng bộ, thiếu cân đối giữa các khu trung tâm chế biến thực phẩm với nguồn nguyên liệu, không đảm bảo về nguồn hàng cung cấp ra thị trường. Nhiều trường hợp xảy ra biến động giá cả đột ngột tùy vào từng thời điểm cụ thể, ít nhiều đã làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Trên thị trường vẫn tồn tại các khu chợ dân sinh mà sản phẩm chế biến cung cấp ra thị trường chủ yếu vẫn do các cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ, các tiểu thương không phải chịu thuế, nên sản phẩm của các doanh nghiệp khó cạnh tranh về giá.
Mặt khác, một trong những nguyên nhân khách quan đang kìm hãm sự phát triển của ngành, đó là, do nước ta đã hội nhập với khu vực và thế giới nên sẽ không còn bảo hộ sản suất trong nước thông qua hệ thống thuế quan, điều này sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh giữa hàng sản xuất trong nước với hàng nhập khẩu, nhất là nhập khẩu từ các nước ASEAN. Việt Nam gia nhập WTO thì phải thực thi quy chế không phân biệt, đối xử giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do vậy, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tiềm lực yếu thì khó có thể tồn tại trong một thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Một tình trạng đang xảy ra phổ biến, hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp chế biến thực phẩm có các thiết bị năng lượng như lò hơi, lò đốt, thiết bị lạnh, hệ thống chiếu sáng, các đường ống cấp thoát nước… thường lạc hậu, có hiệu suất thấp, gây thất thoát năng lượng. Hầu hết các doanh nghiệp không có chính sách năng lượng rõ ràng hoặc chưa triển khai hệ thống quản lý năng lượng. Các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng chưa thực sự được doanh nghiệp quan tâm. Nếu như không giải quyết vấn đề này kịp thời thì không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến vấn đề tiết kiệm năng lượng mà góp phần đội chi phí sản xuất của doanh nghiệp lên cao, đồng nghĩa với việc tăng giá sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh. |
Đức Minh