Ngành than nhớ lời Bác dạy
(Petrotimes) - Sinh thời, dù bận rộn Bác Hồ vẫn dành nhiều sự quan tâm tới thợ lò, tới đất mỏ Quảng Ninh. Đặc biệt vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước, khi miền Bắc chỉ có nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện chạy than do người Pháp để lại hoặc các nước xã hội chủ nghĩa anh em giúp đỡ...
Sản xuất nhiều than cho tổ quốc
Từ những tháng năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã chứng kiến và thấu hiểu sự bần cùng, lầm than của giới thợ. Bởi vậy, Bác dành nhiều tình thương cho thợ mỏ Quảng Ninh - cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lần đầu tiên đến Quảng Ninh (ngày 24/3/1946) để hội đàm với đại diện nước Pháp bàn việc thực hiện Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, Bác Hồ nói với đoàn tùy tùng: “Vùng mỏ đất nước ta thật đẹp và giàu, thợ mỏ của ta thật vô cùng anh dũng!”.
Từ năm 1957 đến 1965, Bác Hồ về thăm vùng mỏ tất cả 6 lần. Lần nào Bác cũng thăm hỏi, động viên và nhắc nhở đồng bào, chiến sĩ, công nhân mỏ đoàn kết, thi đua lao động, sản xuất, xây dựng vùng mỏ, xây dựng Quảng Ninh giàu đẹp. Ngày 30/3/1959, Bác Hồ đến thăm công trường khai thác than và nhà ăn Trụ mỏ Đèo Nai, khi đó còn nằm trong tổ hợp mỏ Cẩm Phả. Tại đây, Bác dành tới hơn một giờ đồng hồ nói chuyện thân mật cùng anh em cán bộ, công nhân mỏ: “Than ở vùng mỏ vào loại tốt của thế giới, cảnh vùng mỏ vào loại kỳ quan của loài người... Các chú phải làm than cho tốt”.
Hồ Chủ tịch phát biểu trong buổi mít tinh do nhân dân Quảng Ninh tổ chức chào mừng Người về thăm (2/2/1965)
Bác cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế: Chất lượng than khai thác còn kém, than cục chưa đảm bảo tỷ lệ quy định; công tác bảo hộ lao động còn yếu. Bác nói: “Cán bộ có cố gắng, nhưng chưa đầy đủ và còn một số cán bộ quan liêu, mệnh lệnh, cần phải gần gũi giúp đỡ công nhân sản xuất. Công nhân và cán bộ đoàn kết thành một khối thì việc gì cũng làm được”. Sau lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh ấy, phong trào sản xuất của cán bộ, công nhân ngành mỏ lại càng lên cao hơn bao giờ hết. Trong thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), năm nào Đèo Nai cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch.
Tuy không đến được tất cả các công trường, hầm lò ở vùng mỏ nhưng phong trào thi đua sản xuất của ngành than luôn được Bác quan tâm, động viên công việc những điển hình tích cực, đồng thời nhắc nhở, phê phán những việc làm chưa tốt. Trên Báo Nhân Dân, Bác biểu dương công trường Thắng Lợi, Bắc Phi về năng suất lao động. Bác viết: “Chúng ta hãy cùng xắn tay áo lên bóc cho kỳ hết những lớp đất đá ấy để khơi những nguồn khả năng mới, đưa sản xuất tiến lên vượt bậc như ở các công trường mấy tuần nay”.
Lần cuối về thăm Quảng Ninh, trong những ngày tết Ất Tỵ 1965, hình ảnh Bác vẫn quen thuộc: tóc bạc trắng, da thắm hồng, đôi mắt sáng, nụ cười hiền. Bác về vui tết chiến thắng với đồng bào, chiến sĩ Quảng Ninh. Thắng trên mặt trận đào than, thắng trong đánh giặc. Bác đã đến thăm nhiều cơ sở sản xuất ở vùng mỏ, gặp gỡ thân mật và chúc tết đồng bào, chiến sĩ Quảng Ninh. Sáng mùng Một tết, đông đảo cán bộ, công nhân, bộ đội và nhân dân họp mít tinh ở thị xã Hồng Gai để chào mừng và chúc Bác khỏe mạnh, sống lâu. Bác khen ngợi những thành tích to lớn trong sản xuất và chiến đấu của Quảng Ninh năm 1964. Bác nói: “Năm ngoái, tỉnh nhà đã giành được hai thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi thứ nhất là ngày 5/8, quân và dân ta đã cho bọn đế quốc Mỹ một bài học đích đáng, đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ và bắn bị thương một số chiếc khác. Thắng lợi thứ hai là Công ty than Hòn Gai đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 20 vạn tấn than...”.
Vui lòng về thành tích sản xuất của vùng mỏ, Bác tặng ngành than Quảng Ninh “Cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất” và căn dặn thợ mỏ cùng toàn thể nhân dân tiếp tục phát huy thắng lợi trong sản xuất, công tác và sẵn sàng chiến đấu. Bác thân mật nói: “Năm nay (1965), Bác tặng “Cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất” cho cả ngành, đơn vị nào muốn được lá cờ thì phải thi đua gương mẫu trong mọi việc. Những cán bộ và công nhân nào xuất sắc nhất Bác sẽ tặng giải thưởng riêng”. Quý I Bác tạm giao cho mỏ Đèo Nai. Bác khen nhà ăn Trụ của mỏ Đèo Nai đã biết chăm sóc tốt bữa ăn cho thợ mỏ. Bác phê phán tình trạng luộm thuộm, mất vệ sinh ở khu nhà tập thể của thợ mỏ. Bác còn thưởng nhiều huy hiệu của Người cho những thợ mỏ Đèo Nai đã lập thành tích xuất sắc.
Những năm sau này, do bận nhiều công việc và tuổi cao nhưng sự quan tâm của Bác với công nhân mỏ vẫn luôn thường trực. Ngày 15/11/1968, Bác yêu cầu ngành than cử đoàn đại biểu về gặp Bác tại Phủ Chủ tịch. Trong 30 đại biểu công nhân, cán bộ ngành than được lên Phủ Chủ tịch gặp Bác, mỏ Đèo Nai được ưu tiên cử hai đại biểu. Đó là chiến sĩ thi đua lái máy xúc Ngô Dần và chị Nguyễn Thị Cầm, cấp dưỡng nhà ăn Trụ… Cuối buổi gặp mặt hôm ấy, Bác căn dặn: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh, quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, vượt mọi khó khăn nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc. Bác mong tất cả công nhân và cán bộ cố gắng hơn nữa, đẩy mạnh ngành than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác”.
Ngành than làm theo lời Bác
Thực hiện lời căn dặn của Bác, ngành than - khoáng sản luôn nỗ lực phấn đấu và đã lập nhiều chiến công trong sản xuất và chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh đa ngành trên nền cơ bản là sản xuất và kinh doanh than. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, Tập đoàn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (năm 1996) và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2005) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Các doanh nghiệp khai thác than thuộc Vinacomin không ngừng đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại để mở rộng sản xuất, tăng sản lượng khai thác thực hiện lời Bác: “Sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”. Sản lượng khai thác than không ngừng tăng, đến nay mỗi năm đạt khoảng 40-45 triệu tấn than sạch. Đời sống vật chất, tinh thần của công nhân không ngừng được nâng cao. Hiện ngành than tiếp tục đầu tư và chuẩn bị đầu tư cải tạo, mở rộng nâng công suất, xây dựng các mỏ mới: Khe Chàm III, Cao Sơn, Nam Mẫu, Vàng Danh, Khe Chàm II - IV, Hà Lầm, Núi Béo... Trong thời gian tới, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Vinacomin xác định các mục tiêu, nhiệm vụ chính là duy trì sản xuất ổn định, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, mô hình quản trị phù hợp, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo phát triển bền vững tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi lời dạy năm nào: “Sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”.
Tường Long