Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM: Kiến nghị nhiều giải pháp “cứu” doanh nghiệp
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, các doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có 4 khó khăn cơ bản từ vấn đề: hàng tồn kho, sức mua, vốn, chính sách. Qua đó, hiệp hội này đã kiến nghị nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho rằng: Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp từ năm 2012 kéo dài đến nay là vấn đề hàng tồn kho, trong đó những mặt hàng tồn kho lớn nhất là: bất động sản, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, hàng tiêu dùng nội địa. Vòng quay hàng tồn kho chậm lại buộc doanh nghiệp phải cân đối vòng quay các tài sản khác để bù đắp vốn lưu động, chiếm dụng vốn lẫn nhau trong quá trình hoạt động.
Để giải quyết hàng tồn kho, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ đã dùng rất nhiều biện pháp khuyến mãi, giảm giá sản phẩm để thu hút khách hàng nhưng sức mua vẫn yếu do thu nhập của người lao động còn thấp. Đối với thị trường bất động sản, giá nhà đất đã giảm mạnh nhưng vẫn đang còn rất cao so với thu nhập của người lao động. Các mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm xuống giá dẫn đến thu nhập của người nông dân giảm. Lượng người thất nghiệp gia tăng do các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất… đời sống người dân càng khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua. Vấn đề giải quyết hàng tồn kho càng rơi vào “thế bí”.
Giải quyết hàng tồn kho là khó khăn hàng đầu hiện nay của doanh nghiệp
Một khó khăn khác là vấn đề vốn, mặc dù đây không còn là khó khăn lớn nhất nhưng vẫn luôn là một trong những khó khăn của doanh nghiệp. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng theo đó được kéo giảm nhưng thực tế rất ít doanh nghiệp được vay với mức lãi suất từ 10 – 13% như các ngân hàng công bố.
Bên cạnh đó, thực trạng hiện nay là các doanh nghiệp đủ điều kiện để ngân hàng cho vay (còn tài sản thế chấp) thì không dám vay vì hàng hóa tiêu thụ chậm, không dám đầu tư. Các doanh nghiệp nhỏ thiếu vốn thì ứ đọng nhiều hàng tồn kho muốn vay vốn để quay vòng thì không vay được vì đã bị liệt vào danh sách nợ xấu, không còn tài sản để thế chấp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cho rằng: Nhiều chủ trương, chính sách của các bộ, ngành đưa ra không ổn định, gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp như cách tính thuế và phí (nhất là cách tính giá đất và thuế đất); một số nghị định không phù hợp, chậm sửa đổi gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Các chính sách vĩ mô còn thiếu sự hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp như: thuế suất ở nước ta còn cao so với các nước trong khu vực, chưa kể trong quá trình kinh doanh doanh nghiệp phải chịu nhiều khoản phí “không tên” khác làm tăng chi phí hoạt động.
Trước thực trạng này, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM kiến nghị Chính phủ xem xét miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho hàng tồn kho để giúp doanh nghiệp giảm giá bán, thu hồi vốn để tái sản xuất; hỗ trợ chi phí xúc tiến thương mại và quảng cáo cho các doanh nghiệp nhằm giúp giải quyết lượng hàng tồn kho và cạnh tranh với hàng ngoại nhập; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% đối với tất cả các ngành nghề; hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện tái cấu trúc.
Hiệp hội này cũng đề nghị các ngân hàng cho phép doanh nghiệp được đảo nợ thay cho mua bán nợ, có chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, giảm lãi suất cho vay xuống từ 8 – 10%/năm, đồng thời giảm bớt các thủ tục không cần thiết, cho phép doanh nghiệp thế chấp hàng hóa và các dự án có tính khả thi…
Đặc biệt, mong muốn hàng đầu của doanh nghiệp là có cơ chế, chính sách ổn định lâu dài, thông thoáng, an toàn để yên tâm hoạt động.
Mai Phương