Sự thật trong phòng thu
(Petrotimes) - Bạn là một người mẫu có vóc dáng “chuẩn” nay muốn “lấn sân” sang lĩnh vực ca hát; bạn là một diễn viên nổi tiếng nay muốn trở thành “ngôi sao đa-di-năng”; hay đơn giản bạn muốn có một tác phẩm âm nhạc để đời của chính mình. Chẳng cần có một chất giọng "oanh vàng"; cũng chẳng nhất thiết phải trải qua bất kỳ một khóa học thanh nhạc nào, các thiết bị hỗ trợ âm thanh tiên tiến nhất trong phòng thu hiện nay hoàn toàn có thể “phù phép” biến bạn thành… ca sĩ!
Những điều trông thấy…
Tình cờ tôi có dịp được vào phòng thu xem một ca sĩ không chuyên thu album, tận mắt chứng kiến những gì diễn ra nơi đây và sự “phù phép” tài tình của các kỹ thuật viên chỉnh sửa nhạc, tôi mới hiểu tại sao người ta lại có thể trở thành ca sĩ một cách dễ dàng đến như vậy: “Hát cao lên tí nữa, chưa được”; “dùng hơi đẩy mạnh từ đó ra, vẫn chưa tới cao độ”… - người kiệu ca (có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉnh sửa cho ca sĩ) liên tục ra lệnh đến lạc cả giọng mà vẫn phải lắc đầu ngao ngán.
Đôi khi, người kiệu ca kiêm luôn cả việc hát… mẫu nhiều lần để ca sĩ nghe mà hát theo cho đúng. Ấy vậy mà cô ca sĩ vẫn cứ sai nhạc, lạc điệu như thường. Thậm chí có câu nhạc chỉ 7, 8 chữ mà cô hát đi hát lại cả chục lần vẫn chưa chuẩn. Đến lúc này, nhóm kỹ thuật viên đành phải dùng đến những công nghệ điều chỉnh, pha trộn âm thanh tiên tiến nhất của phòng thu. Đầu tiên, người bấm máy ghi âm (recorder) phải kết nối, chắp ghép từng từ, từng câu lại với nhau sao cho bài nhạc hoàn chỉnh từ đầu đến cuối. Sau đó, người điều chỉnh, pha trộn âm thanh (mixer) bắt đầu chỉnh sửa…
Những máy móc hiện đại trong phòng thu đã chắp cánh cho giọng hát ca sĩ
Theo anh Nam Tùng, nhân viên kỹ thuật làm tại phòng thu TKĐ thì những nhược điểm như: hát rời rạc, thiếu hơi, không tới cao độ… đều có thể khắc phục được bằng cách sử dụng hiệu ứng âm thanh (effect) làm giảm âm lượng, tăng hiệu ứng nhạc để che lấp bớt các khiếm khuyết của giọng hát. Hiệu ứng này cũng có thể điều chỉnh làm cho giọng hát dày hơn lên, mỏng bớt đi hay mềm mại và ngọt ngào hơn. Thậm chí, chương trình soạn thảo âm nhạc (Sound forge) còn có thể giúp cắt nối chỉnh sửa từng ca từ, từng nốt nhạc một và loại bỏ những tạp âm không cần thiết, sửa luôn cả độ ngân, chỗ luyến láy…
Anh Tùng cho biết thêm, không ít ca sĩ khi thu xong đoạn A, thấy "ok" và ngại hát lại (sợ không hay bằng, hoặc tốn thời gian) nên yêu cầu người thu copy nó vào đoạn B, rồi chỉ hát thêm phần điệp khúc. Cuối cùng là một sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh ra đời và chỉ những người sành nghe trong nghề mới phát hiện ra bài nhạc đó đã được chắp nối, chỉnh sửa công phu đến như thế nào và năng lực thực sự của ca sĩ ra sao!
Ai chắp cánh cho giọng hát ca sĩ?
Nói giờ đây ai cũng có thể trở thành ca sĩ bằng công - nghệ - của - phòng - thu quả là không quá chút nào. Nhớ lại khoảng 20 năm về trước, ca sĩ muốn thu âm bài hát thì phải cùng ban nhạc vào phòng thu ghi âm từ đầu đến cuối, chỉ cần một người hát hoặc đàn sai thì bắt buộc phải làm lại từ đầu. Bởi vậy, ca sĩ lúc bấy giờ đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn thực sự vững vàng thì mới có thể đặt chân được vào làng âm nhạc. Nay đã khác, ban nhạc hay ca sĩ - người nào muốn thu trước cũng được, chẳng nhất thiết phải cùng thu. Lỡ hát sai thì sửa lại, bất kỳ chỗ nào muốn chỉnh thì chỉnh, chẳng phiền hà gì đến ai. Nếu không xuất hiện công nghệ cao thì thử hỏi những giọng hát như cô ca sĩ kia liệu có ra nổi một album và được người nghe biết đến như một ca sĩ hay không?
Một nhạc sĩ làm việc trong phòng thu của Hãng Kim Lợi Studio kể: Nếu là các buổi thu thanh của các ca sĩ giỏi, được đào tạo bài bản qua trường lớp và có năng lực thực sự thì công việc rất suôn sẻ và nhẹ nhàng. Thông thường họ chỉ hát vài ba lần là “ok”, chừng 15-20 phút là thu xong một bài. Tuy nhiên trường hợp đó không nhiều! Như ca sĩ Hồng Nhung chẳng hạn, hầu hết với mỗi ca khúc, Hồng Nhung chỉ hát một lần từ đầu đến cuối rồi nghe lại để cùng góp ý hoặc sửa đôi chỗ chưa ưng ý và kiểm tra lần cuối là xong.
Một số ca sĩ khác như Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng… cũng có cùng “đẳng cấp” như thế. Có khi họ thu cả chục ca khúc liên tục cho một album chỉ trong một hai ngày. Ngược lại, nếu là các buổi thu âm của các ca sĩ trẻ mới vào nghề hay một nhóm nhạc mới thành lập nào đó thì vất vả và gian khổ hơn rất nhiều, phải mất 6-8 tiếng đồng hồ cho chỉ một bài hát là chuyện bình thường. Các kỹ thuật viên phải sử dụng hết mọi công nghệ hiện đại nhất để chỉnh sửa bài nhạc, để khắc phục khiếm khuyết của giọng hát thì mới có thể có được một tác phẩm “chấp nhận được”.
Có nên dựa dẫm vào công nghệ phòng thu?
Cùng với sự phát triển của xã hội, khoa học kỹ thuật cũng phát triển và tạo bước tiến mới trong hầu hết các lĩnh vực. Không ngoại lệ, âm nhạc cũng tận hưởng được những ưu thế đó của thời đại, tiếp thu và sử dụng một cách hiệu quả những hình thức công nghệ cao trong hoạt động nghệ thuật. Đặc biệt, kỹ thuật và công nghệ của phòng thu đã hỗ trợ, mang lại rất nhiều tiện ích lẫn hiệu quả cho âm nhạc. Tuy nhiên, điều đáng nói là không ít ca sĩ trẻ đã “dựa dẫm” quá nhiều vào công nghệ này và xem nó như điều kiện cần trước tiên để đi vào con đường ca hát chuyên nghiệp.
Một góc phòng thu hiện đại
Nếu trước đây, một ca sĩ được biết đến nhiều, thường phải qua một quá trình dùi mài tập luyện và biểu diễn trên sân khấu, sau khi có chút tiếng tăm mới ra album. Còn nay nhờ có kỹ thuật phòng thu thì vòng quay dường như đảo ngược. Nhiều ca sĩ chưa đủ khả năng hát trực tiếp trên sân khấu đã chọn cách ra album trước để quảng bá tên tuổi như một cách làm quen với thị trường rồi sau đó mới xuất hiện.
Việc ra album một cách quá dễ dàng đã khiến cho thị trường âm nhạc xuất hiện ngày càng nhiều ca sĩ trẻ đẹp nhưng hát chẳng ra gì. Nó cũng phần nào tiếp tay cho nạn “hát nhép” đang bị lên án và tẩy chay gay gắt. Công nghệ chỉnh sửa âm thanh cũng khiến cho một số ca sĩ trở nên lười biếng, ỉ lại, không chịu tập luyện trau dồi thêm giọng hát của mình. Những đoạn rung, luyến láy... đáng ra phải đòi hỏi tập luyện thật kỹ càng thì nay được lấp liếm bởi các “phù thủy” trong phòng thu. Với những người hiểu nghề thì công nghệ phòng thu lúc này đã trở thành “sát thủ vô hình”, làm cho sự rèn luyện và trau dồi kỹ thuật của ca sĩ không phát triển được.
Có lẽ, đã đến lúc các ca sĩ trẻ mới vào nghề cần phải nhận thức lại rõ ràng rằng, dù công nghệ phòng thu có đem lại nhiều lợi ích trong đời sống âm nhạc đến đâu chăng nữa thì cũng chỉ nên xem chúng như một phương tiện hỗ trợ chuyên môn chứ không thể thay thế con người, càng không thể lấy đây làm sự khởi đầu cho sự nghiệp ca hát của mình. Đó là chưa kể, công nghệ đó dù có phát triển siêu việt đến mức nào cũng không che lấp được khiếm khuyết của một giọng hát thiếu nhạc cảm, không thể hiện được chiều sâu của tác phẩm… Các yếu tố này đòi hỏi rất cao ở tính sáng tạo và cảm xúc của chính ca sĩ chứ không phải ai khác.
Con người luôn tìm tòi sáng tạo để khám phá những giá trị phù hợp với quy luật và âm nhạc cũng không thoát khỏi những quy luật đó. Tuy nhiên, những ai còn nuôi ảo tưởng, mơ mộng thành người nổi tiếng mà không cố công rèn luyện, không nắm bắt được chuyên môn, “chẳng chóng thì chày” sẽ sớm bị công chúng “tẩy chay”.
Linh Lam