PGS. TS Phạm Mai Hùng: “Đâu phải các em không thích học Sử”
(Petrotimes) – “Tôi nhận thấy chúng ta đang nhồi nhét kiến thức nhiều, bản thân các thầy cô cũng chạy theo việc thi tốt nghiệp hay không để dạy học sinh”.
>> Tuyên dương 110 học sinh giỏi Lịch sử Quốc gia
>> GS Phan Huy Lê giải thích vì sao học sinh không 'yêu' môn Sử
>> Nhà sử học Dương Trung Quốc: 'Đừng trách các em…!”
Thời gian gần đây, dư luận đã và đang băn khoăn về việc vai trò và vị trí của môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông đang bị coi thường. Petrotimes đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Giám đốc Quỹ phát triển Sử học Việt Nam về vấn đề nâng cao chất lượng dạy và học Lịch sử trong nhà trường; đồng thời đưa lịch sử về đúng vị trí vốn có.
PV: Ông đánh giá thế nào về chất lượng dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường những năm qua?
PGS. TS Phạm Mai Hùng: Đã hơn 10 năm nay, chất lượng dạy và học Lịch sử ở Việt Nam không cao, đặc biệt trong các kì thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ, tỉ lệ điểm 0 môn Lịch sử khá nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chủ quan có và khách quan có.
Nguyên nhân chủ quan ở chính các em học sinh, không phải các em không thích học Sử nhưng các em bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có việc xác định đầu ra như thế nào. Số sinh viên tốt nghiệp ra trường phải mất một thời gian dài mới xin được việc, hoặc dù kiếm được việc vào cơ quan hành chính sự nghiệp thì mức lương không cao.
Bên cạnh đó là vấn đề sách giáo khoa Lịch sử, những cuốn sách này rất nặng nề, nhiều sự kiện, nhiều dữ liệu mà các em không thể hấp thu nổi. Về công tác giảng dạy, đã nhiều năm theo dõi và bản thân cũng từng là giáo viên, tôi nhận thấy chúng ta đang nhồi nhét kiến thức nhiều, bản thân các thầy cô cũng chạy theo việc thi cử hay không để dạy học sinh. Vì thế, có trường hợp cá biệt, thầy không học chuyên lịch sử cũng dạy Lịch sử.
Về nguyên nhân khách quan, tôi cho rằng khi bắt đầu bước vào sự nghiệp đổi mới, cơ chế thị trường len lỏi vào mọi mặt đời sống, trong đó có cả ngành giáo dục. Trong giáo dục hiện nay, người ta chỉ chú tâm thi vào ngành nào khi ra trường dễ xin việc, có mức thu nhập cao và ổn định. Do đó số thí sinh thi vào khối C trong đó có môn Lịch sử không nhiều. Trong số không nhiều ấy không phải tất cả đều giỏi nên ngay cả khi đào tạo ra trường vẫn phải đào tạo lại.
PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Giám đốc Quỹ phát triển Sử học Việt Nam.
PV: Xin ông cho biết vai trò của Quỹ phát triển Sử học Việt Nam đối với việc thúc đẩy và khơi gợi tình yêu lịch sử của các học sinh?
PGS. TS Phạm Mai Hùng: Những giải thưởng mà Quỹ phát triển Sử học Việt Nam trao không có giá trị vật chất cao, nhưng chí ít, đó cũng là chất xúc tác để làm yên lòng các bậc phụ huynh rằng học Sử không phải là thừa, mà chính là học để chuẩn bị hành trang xây dựng đất nước.
Không phải ngẫu nhiên mà năm 1941, khi chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, trong bộn bề công việc, Người đã nhắc nhở: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Không hiểu lịch sử ông cha chắc chắn khó có thể định hướng cho hiện tại, chưa nói đến tương lai. Khi thành lập quỹ này, chúng tôi hi vọng giải thưởng vươn tới việc động viên, khích lệ tinh thần các em có thể định hướng việc học tập của mình, giúp các em có hành trang vào đời.
Đồng thời, những giải thưởng này còn có thể góp phần động viên các thầy cô dạy Sử không phải dạy cho xong việc mà là trách nhiệm chuẩn bị thế hệ sau cho đất nước, để lớp thanh niên không chỉ giỏi về khoa học tự nhiên mà còn cần giỏi về khoa học xã hội. Và thông qua giải thưởng này, Quỹ phát triển Sử học Việt Nam cũng thể hiện trách nhiệm của các nhà sử học đương đại đối với thế hệ tương lai đất nước.
Cũng phải nói rằng, việc trao giải thưởng này không phải là giải pháp cuối cùng để giải quyết các vấn đề của giáo dục nói chung, việc dạy và học lịch sử nói riêng, mà nó chỉ góp tiếng chuông để nói rằng nếu xã hội đồng lòng chung hướng và Bộ GD-ĐT quyết tâm thay đổi, cải cách chương trình hợp lý thì chúng tôi hi vọng Lịch sử phải là môn chính thống, không phải là môn phụ để năm thi năm không.
Chẳng hạn năm nay, khi thông báo kì thi tốt nghiệp không có môn Sử, ngay lập tức có biểu hiện phản cảm là học sinh xé đề cương.
PV: Đã có thời gian Bộ GD-ĐT liên tục đưa môn Lịch sử vào các môn thi tốt nghiệp THPT, lúc này nhiều người đã cho rằng Lịch sử đã trở thành môn cố định như Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Tuy nhiên, năm nay Bộ GD-ĐT lại bất ngờ “gạt” môn này ra khỏi danh sách 6 môn. Theo ông, tại sao sau nhiều lần kiến nghị, Sử chưa phải môn chính thống?
PGS. TS Phạm Mai Hùng: Để thay đổi chương trình đào tạo cần 1 quá trình, tôi không bảo vệ việc cho thi hay không cho thi lịch sử của Bộ GD-ĐT. Trong bối cảnh như vừa rồi, Hội Khoa học lịch sử đã làm việc với Bộ GD-ĐT về chương trình hợp tác, và cũng từng phối hợp với Bộ tổ chức hội thảo khoa học tại Đà Nẵng tháng 8/2012. Hội thảo này đã quy tụ trên 400 thầy cô giáo dạy Lịch sử và các nhà quản lý đánh giá thực trạng việc dạy Lịch sử hiện nay và tìm ra phương pháp tối ưu nâng cao hiệu quả việc dạy và khơi gợi sự say mê của học trò.
Lẽ ra sau các hoạt động này, chúng ta phải có một bước tích cực hơn, nên để học sinh thi tốt nghiệp môn Lịch sử thường xuyên, thay vì cắt bỏ môn Lịch sử trong chương trình thi như năm nay.
Điều này tác động đến thầy và trò và cả các cơ quan có chức năng xã hội nghề nghiệp như chúng tôi. Có lẽ quyết định này hơi vội, cần xem xét thấu đáo hơn để sớm đưa môn lịch sử vào chương trình chính thức. Điều này không chỉ là kiến nghị của riêng Hội Khoa học Lịch sử mà còn của các thầy cô giáo vì lịch sử liên quan trực tiếp đến việc hình thành nhân cách con người.
Để tiếp tục tháo gỡ việc này, thời gian tới Hội sẽ có tọa đàm khoa học gồm các giáo sư, nhà nghiên cứu lịch sử và những người biên soạn sách giáo khoa để bàn sâu hơn việc biên soạn sách giáo khoa sao cho phù hợp tình hình hiện nay và đủ sức lôi cuốn học sinh. Hội tham gia trong quá trình thẩm định sách giáo khoa tiểu học đến trung học, phát hiện những sai sót cần chỉnh sửa, chung sức cùng Bộ GD-ĐT để tạo nên bộ sách giáo khoa tương ứng sự phát triển đất nước hiện nay. Ngoài ra, hiện nay nước ta chưa có 1 bộ sử học chính thống của quốc gia nên Hội đã đề xuất với Chính phủ để tập hợp lực lượng, nghiên cứu biên soạn ít nhất 25 tập bộ quốc sử Việt Nam tự cổ chí kim.
PV: Theo ông, vấn đề mấu chốt của bộ sách giáo khoa Lịch sử hiện nay là gì? Và chúng ta cần làm gì để cải cách cách dạy và học Lịch sử để phù hợp với thực tế hiện nay?
PGS. TS Phạm Mai Hùng: Việc làm sách giáo khoa các môn, đặc biệt là môn Lịch sử đã quen với lối mòn mà không dám mạnh dạn tạo sự đột biến trong việc biên soạn nên trong các tập sách giáo khoa, sự kiện số liệu rất nhiều, học sinh không nhớ được cái chính yếu.
Ngoài việc học từ sách giáo khoa, cần sử dụng di sản văn hóa cho việc giáo dục lịch sử. Một thời gian dài chúng ta quên mất việc sử dụng một cách tích cực các thiết chế văn hóa liên quan đến lịch sử để giáo dục các em, nói cách khác là giáo dục trực quan.
Ví dụ đưa học sinh đến bảo tàng, tiết học của các em sẽ truyền tải được nhiều kiến thức mà lại nhẹ nhàng hơn. Hoặc đưa các em đi thăm các di tích lịch sử văn hóa để giải thích một vấn đề.
Gần đây, chúng tôi đề nghị việc học Lịch sử từ các di sản văn hóa như là một kênh giáo dục tích cực và có đủ tính hấp dẫn với học trò. Nhiều thầy cô cũng sử dụng máy tính để trình chiếu hình ảnh các di tích lịch sử, giúp mềm hóa nội dung bài giảng. Tất nhiên để làm được điều này cần có nhiều thời gian hơn cho 1 tiết học.
Tôi đã từng nghiên cứu sinh ở nước ngoài, có kinh nghiệm trong việc giảng dạy Lịch sử ở nước họ là giảm tối đa phí giao thông (có thể đến 70% phí thuê phương tiện giao thông) cho việc thuê phương tiện đi giảng dạy. Ở ta chỗ có chỗ không, đòi hỏi tính đồng bộ.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nhã Anh