Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Đừng trách các em…!”
(Petrotimes) – “Rõ ràng là thầy cô đang giảng dạy môn Sử hay những người hoạt động chuyên nghiệp trong nghiên cứu lịch sử cũng chỉ nhận được sự ghi nhận giá trị tinh thần của xã hội, chưa trở thành nghề nghiệp”.
>> Tuyên dương 110 học sinh giỏi Lịch sử Quốc gia
>> GS Phan Huy Lê giải thích vì sao học sinh không 'yêu' môn Sử
Bên lề Lễ tuyên dương và trao thưởng cho học sinh đoạt giải cao môn Lịch sử trong kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia THPT năm 2013 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, PV Petrotimes đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc (Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) về tình trạng học sinh càng ngày càng “chán” môn Lịch sử.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ về tình trạng học sinh "chán" sử.
PV: Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc, theo ông, Lễ tuyên dương và trao thưởng cho học sinh đoạt giải cao môn Lịch sử trong kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia THPT đã có tác động thế nào đến việc dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Với những lần tuyên dương như thế này, chúng tôi cho rằng đã phát huy được mặt tích cực của việc đề cao môn Lịch sử. Còn những vấn đề căn bản như thay đổi chương trình, sách giáo khoa, hay nỗ lực thay đổi phương pháp, chất lượng giáo viên là quá trình lâu dài và nhận thức sự cần thiết của môn sử lại phụ thuộc vào các cơ quan quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp và toàn xã hội. Còn về cá nhân, chúng tôi đang tiến từng bước một. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức một hội thảo về vấn đề sách giáo khoa Lịch sử, mặt khác, tôi cũng mong ngành giáo dục chú trọng hơn tới môn học này hơn nữa.
PV: Sau hai lần tổ chức tuyên dương và trao thưởng, nhưng môn Lịch sử vẫn chưa được quan tâm đúng mức, ông đánh giá việc này ra sao?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học mở rộng cánh cửa cho học sinh đạt chất lượng cao môn Sử là tuyển thẳng đại học. Mặc dù số thống kê chưa cao nhưng chúng tôi không quan tâm nhiều vì tri thức lịch sử khác các tri thức khác, đó là tri thức nền tảng, tạo nên phẩm chất, đạo đức cho con người.
PV: Theo ông, bên cạnh việc tuyên dương, chúng ta cần đãi ngộ những học sinh đạt giải cao đối với môn Lịch sử như thế nào?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Có thể nói đây là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không chỉ là một vài món thưởng. Giải thưởng của chúng tôi chỉ cố gắng là sự khích lệ, còn lại là dựa vào việc đánh giá giá trị của xã hội. Đừng trách các em, các em cũng phải sống, phải có tương lai hướng nghiệp của các em, phải tôn trọng các em.
Rõ ràng nhu cầu xã hội rất cần đến những ngành kinh tế, ngành khoa học công nghệ bởi đơn giản, những công việc này nhận được công ăn việc làm ngay, lương bổng và điều kiện cũng tốt hơn. Với môn Sử, rõ ràng kể cả thầy cô môn Sử hay những người hoạt động chuyên nghiệp trong nghiên cứu lịch sử chưa đạt được giá trị xã hội cao ngoài giá trị tinh thần. Ai cũng nói biết Sử là quý nhưng để tạo thành một nghề nghiệp thì còn nhiều hạn chế.
PV: Các em học sinh giỏi môn Lịch sử quốc gia đều khẳng định các em học Sử nhờ đam mê. Ông đánh giá thế nào về nhận xét này của các em?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi cho rằng đây là cách nhận xét đúng. Nhiều sân chơi cộng đồng cho các em hiện nay chỉ đánh đố trí nhớ. Có trí nhớ là điều cần thiết, bởi các em còn trẻ, cần năng động nhưng nó không phải quan trọng nhất. Trong thời đại ngày nay có nhiều công cụ hỗ trợ, chỉ cần click chuột là ra bao nhiêu tri thức, vấn đề còn lại là mang lại hứng thú, tính ngụ ngôn của lịch sử rất quan trọng.
Tính hiện thực của lịch sử, chúng ta có thể xem qua phim, ảnh, đọc sách báo nhưng tính ngụ ngôn, ý nghĩa lịch sử, logic lịch sử, tư duy lịch sử cũng rất quan trọng. Ví dụ mối quan hệ nhân – quả, có nhiều trong tôn giáo nhưng cũng có nhiều trong đời sống xã hội mà lịch sử thể hiện được rõ nhất. Ví dụ như sự đánh giá của xã hội đối với những người có công với đất nước, cộng đồng đều được thờ phụng, vinh danh, những kẻ xấu xa, ác bá đều bị căm ghét… Chính nhờ lịch sử, chúng ta mới có được những bài học sâu sắc đến vậy.
PV: Theo ông, cách dạy Sử trong nhà trường cần thay đổi như thế nào để truyền tải được niềm hứng thú này tới các học sinh?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cá nhân tôi cho rằng còn tùy vào phương pháp của giáo viên. Tôi muốn kể 1 câu chuyện: trước đây nửa thế kỷ, khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, niềm đam mê học Sử đến từ chính những người thầy cô. Ngày nay, niềm đam mê ngày càng ít đi vì xu thế rõ ràng đầu tư cho sử bình thường như môn khác. Nghề nào nghiệp nấy, người làm về lịch sử mà không được đi đến những không gian lịch sử, không được tiếp cận thực tiễn lịch sử thì rất khó tạo cảm hứng. Nếu chỉ truyền thụ, học thuộc lòng từ sách Sử thì rất tẻ nhạt; và việc quan tâm tới môn Lịch sử của các bạn trẻ là điều khó tránh.
Xin cảm ơn ông!
Vương Tâm