Thị trường chứng khoán vẫn "ngóng" chính sách!
(Petrotimes) - Diễn biến trên thị trường chứng khoán thời gian qua cho thấy, để tạo sự hấp dẫn cho thị trường thì niềm tin của nhà đầu tư là yếu tố quan trọng nhất cần được xây dựng và bảo dưỡng.
Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục quyết định sự thành bại của TTCK Việt Nam.
Năm 2012: Bài học niềm tin
Nhìn lại những diễn biến trên thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2012 có thể thấy, sau khi suy giảm mạnh trong năm 2011, TTCK Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục trong 5 tháng đầu năm 2012. Và theo đánh giá chung của giới phân tích, những tín hiệu lạc quan này xuất phát từ sự chuyển biến khả quan của kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất… cũng như quyết tâm thực hiện cải cách kinh tế của bộ máy quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, sự đi xuống của TTCK trong 3 tháng cuối năm 2012 cũng cho thấy một điều, quá trình cải cách trên được thực hiện một cách khá chậm chạp, những chuyển biến tích cực tác động yếu, thiếu bền vững, chắc chắn trong kinh tế vĩ mỗ khiến niềm tin nhà đầu tư nhiều lần bị thử thách.
Đáng lưu ý, bất chấp những động thái điều chỉnh lãi suất của ngân hàng nhà nước, đặc biệt là lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm mạnh, mức sinh lời ở kênh đầu tư vàng giảm, thậm chí nhà đầu tư nắm giữ ngoại tệ cũng không tìm kiếm được cơ hội tạo lợi nhuận thì dòng tiền vẫn không “chảy” vào thị trường. Điều này được thể hiện ở con số giảm hơn 40% lượng giao dịch mỗi phiên kể từ sự kiện “bầu” Kiên so với mức giao dịch bình quân trước thời điểm đó.
Và theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì, sự chậm trễ trên đã gây tâm lý bất an cho nhà đầu tư. Do đó, trong năm 2013, vấn đề “xây dựng và duy trì niềm tin” cần được quan tâm đúng mức, dòng tiền chỉ tìm đến thị trường vốn khi niềm tin về chính sách và khả năng thực hiện chính sách được duy trì.
Minh chứng cho nhận định trên, VDSC cũng nhấn mạnh: Xử lý nợ xấu và tồn kho bất động sản là tiền đề khôi phục kinh tế và thu hút dòng tiền đầu tư. Việc Chính phủ đưa ra khá nhiều giải pháp như Thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC); Xem xét tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng thương mại; Đưa ra các gói hỗ trợ mua nhà cho người có thu nhập thấp… đã góp phần quan trọng tạo sự hưng phấn cho thị trường tăng trong 3 tháng đầu năm.
Tăng trưởng mạnh mẽ
Đánh giá khả năng hồi phục của nền kinh tế năm 2013, VDSC cho rằng: Nền kinh tế 2013 sẽ diễn biến theo hướng chậm mà chắc. Kết quả thành công của mục tiêu kiểm soát lạm phát 2012 cũng như thặng dư cán cân thương mại cao hơn kỳ vọng không chỉ nhờ hiệu quả điều hành chính sách mà còn được hưởng lợi do tình hình khó khăn của kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng. Năm 2013, trong trường hợp kinh tế thế giới vượt qua khó khăn và bắt đầu hồi phục, nhu cầu và giá cả các hàng hóa nguyên liệu tăng trở lại sẽ tác động tiêu cực đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, quan sát biến động ở chỉ số mua hàng của nhà sản xuất (PMI) và mức tăng doanh thu hàng hóa bán lẻ và dịch vụ (loại trừ yếu tố giá) trong năm tháng gần đây (T10/2012 – T02/2013), có thể thấy quá trình phục hồi kinh tế trong nước chưa ổn định và sức cầu nội địa khá yếu ớt. Do đó, dù kinh tế Việt Nam sẽ chuyển biến tốt hơn trong năm 2013, nhưng là không đủ khả quan để hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ.
Nhìn nhận cơ hội cho giới đầu tư, VDSC nhận định: Năm 2013 được dự báo sẽ tiếp tục là năm khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế 2011 - 2012 đã chứng minh, một số doanh nghiệp có nền tảng hoạt động và chiến lược tốt hoặc những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực không chịu ảnh hưởng mạnh từ suy thoái kinh tế vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan. Ngoài ra, sau những thách thức trong năm 2012, các doanh nghiệp đã thích ứng và bắt đầu có những bước tái cấu trúc hoạt động để tiếp tục đứng vững trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.
Bên cạnh những thách thức như cầu tiêu dùng yếu, nợ xấu, điểm nghẽn tồn kho bất động sản chưa được xử lý, và áp lực chi phí đầu vào tăng... một số thuận lợi cho doanh nghiệp trong năm 2013 là nỗ lực hỗ trợ của cơ quan điều hành (thông qua miễn - giảm thuế), lãi suất cho vay dự báo sẽ tiếp tục giảm (với mức độ nhẹ hơn 2012), chi phí hoạt động giảm (nhờ doanh nghiệp tự tái cấu trúc). Những doanh nghiệp này sẽ tiếp tục thu được kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2013. TTCK suy giảm sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư giá trị cơ cấu danh mục theo hướng tăng tỷ trọng ở nhóm cổ phiếu này.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, VDSC cho rằng: Sau những đợt sụt giảm mạnh và thị trường rơi về mức định giá hấp dẫn so với các thị trường sơ khai khác, dòng tiền đầu tư nước ngoài dành tỷ trọng khá lớn cho TTCK Việt Nam. Quan sát động thái giao dịch của NĐT nước ngoài trong các giai đoạn đầu 2012, cuối 2012 – đầu 2013 có thể thấy rõ nét hiện tượng này.
Số liệu thống kê trên thị trường cho thấy, chỉ tính từ 1/1 đến 15/3/2013, nhà đầu tư nước ngoài đã rót ròng vào thị trường Việt Nam khoảng 152 triệu USD, cao hơn mức 151 triệu USD của cả năm 2011. Tuy vậy, thay vì giải ngân trực tiếp vào thị trường, nhà đầu tư nước ngoài có khuynh hướng giải ngân thông qua các quỹ đầu tư chỉ số (ETFs) và đối tượng giải ngân của ETFs là những cổ phiếu trụ cột có sức ảnh hưởng lớn đến biến động chỉ số chung của TTCK Việt Nam.
Giới đầu tư đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào TTCK Việt Nam trong năm 2013 và theo VDSC, nếu các chính sách được thực thi quyết liệt và chứng tỏ được hiệu quả, TTCK Việt Nam sẽ được hưởng lợi và tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ số VN - Index vượt ngưỡng (500 – 520) điểm là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trong trường hợp kịch bản năm 2012 lặp lại với việc các yếu tố vĩ mô chuyển biến chậm chạp, gây xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, VN - Index sẽ dao động trong khoảng 430 – 490 điểm và thậm chí có thể giảm sâu hơn.
Thanh Ngọc