TP Hồ Chí Minh đau đầu với hàng lậu
(Petrotimes) - Hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được bày bán tràn lan trên thị trường với số lượng lớn gây ảnh hưởng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bài 1: Hàng giả tràn lan thị trường
Thông tin từ Chi cục QLTT TP HCM trong tháng 4 đơn vị này đã kiểm tra 52 vụ vận chuyển, buôn bán, chứa trữ hàng hóa nhập lậu các loại. Trong đó, số lượng hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, vi phạm quy định về chất lượng hàng hóa tạm giữ lên đến 277.506 đơn vị sản phẩm. Đáng chú ý là khối lượng hàng hóa thực phẩm nhập lậu chiếm số lượng rất lớn với 26.336kg…
Nổi bật là mặt hàng bột ngọt, chỉ trong vòng một tuần đầu tháng 4 đã có 11 vụ vi phạm đã bị xử lý.
Hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đầy rẫy trên thị trường
Tiêu biểu là ngày 29/3, Đội QLTT Q.Tân Bình kiểm tra điểm chứa trữ hàng hóa tại một căn nhà trên đường Huỳnh Văn Nghệ, P.15, Q.Tân Bình, đã tạm giữ bột ngọt gồm 20 bao (25 kg/bao) hiệu Fufeng hình hai con tôm xuất xứ Trung quốc nhập lậu, 210 kg bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto và 8 kg bao nylon đựng bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto. Số bột ngọt trên đa phần là sản phẩm giả hiệu trong nước, nguyên liệu thường là bột ngọt xá (loại dùng trong ngành công nghiệp) và giá bán chỉ bằng 50-70% hàng thật.
Theo các cán bộ của Chi cục quản lý thị trường TP HCM, địa bàn hàng lậu hoạt động xôm tụ nhất là khu vực Q.5, Q.6, Q.Tân Bình và một số quận huyện vùng ven. Những khu vực này được biết đến bởi là kho hàng lớn của nhiều đầu nậu buôn lậu. Cũng từ đây hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc bắt đầu tỏa đi đến các tỉnh thành trong cả nước.
Đa phần hàng nhập lậu được vận chuyển từ các vùng biên giới phía Bắc, miền Trung, biên giới Tây Nam bộ vào thành phố chứa trữ, buôn bán tại các kho hàng, cửa hàng của các doanh nghiệp, cá nhân hoàn toàn không có chứng từ, hóa đơn hoặc xuất trình hóa đơn không phải lô hàng được kiểm tra. Chủ hàng khai mua trôi nổi, do người đem tới bán, không biết danh tính, địa chỉ, nguồn hàng.
Ngoài những mặt hàng thực phẩm thì mỹ phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng được phát hiện với số lượng lớn. Các sản phẩm này bày bán la liệt ngay ở những chợ lớn của thành phố. Chỉ cần dạo một vòng quanh các chợ Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh), chợ Nguyễn Đình Chiểu (Q. Phú Nhuận), chợ Kim Biên (Q.5)… khách hàng sẽ dễ dàng bắt gặp những sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng được bày bán ở đây với giá rẻ bất ngờ, chỉ bằng 1/3 giá sản phẩm chính hiệu.
Thống kê từ Chi cục Quản lý thị trường TP HCM, tính từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã phát hiện 19 trường hợp với hơn 33.500 sản phẩm vi phạm ở mặt hàng mỹ phẩm. Nhiều nhất là các sản phẩm chăm sóc da, mặt có xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan, Châu Âu, Mỹ.
Theo các nhà sản xuất, hiện mỹ phẩm giả, lậu đang bày bán trên thị trường khá nhiều. Các sản phẩm mỹ phẩm loại này ngang nhiên bày bán công khai tại các cửa hàng, sạp chợ lớn, nhỏ tại TP HCM. Đặc biệt, gần đây nhiều sản phẩm mỹ phẩm giả, nhập lậu đã có mặt và được tiêu thụ với chiêu thức khuyến mãi giảm giá 30-50%.
Không riêng gì thực phẩm, mỹ phẩm mà tại TP HCM, thứ gì có thể bán được đều có hàng lậu… Hàng lậu với đủ kiểu dáng, mẫu mã bắt mắt và đặc biệt là giá rẻ, đang khiến các doanh nghiệp trong nước đau đầu vì phải thực hiện các phương pháp đối phó.
Ông Nguyễn Quang Hòa, Trưởng bộ phận phân phối nhãn hàng Olay cho biết: Nhiều sản phẩm nhập lậu về đã hết hạn sử dụng nhưng do người dùng không biết vẫn mua và dùng. Một số sản phẩm khác được làm giả từ nước ngoài rồi nhập lậu về một cách tinh vi không những người tiêu dùng không nhận dạng được mà cả người bán hàng cũng khó mà phân biệt ra đâu là hàng giả hàng thật. Vì vậy tốt nhất là người tiêu dùng phải thật chú ý đến những đặc điểm chứng minh sản phẩm chính hiệu từ nhà sản xuất. Đây là những đặc điểm riêng mà hàng lậu, hàng giả không thể nhái được.
Để chấn chỉnh tình trạng mỹ phẩm, dược phẩm nhập lậu và không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán tràn lan, vừa qua Cục Quản lý dược (Bộ y tế) đã có văn bản gửi viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương và TP HCM đề nghị tăng cường thanh tra, lấy mẫu mỹ phẩm lưu thông trên thị trường nhằm phát hiện các sản phẩm kém chất lượng gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng.
(Còn tiếp)
Thùy Trang