Màn, màng và mùng
(Petrotimes) - Trong quan họ có bài “Con nhện giăng mùng”. Xin ông vui lòng giải thích thêm nghĩa chữ “mùng” trong bài này?
Bạn đọc: Xin được hỏi ông An Chi: “mùng” có phải là hình thức cổ của “màn”? Ở trong Nam phân biệt “màn (cửa)” và “mùng (chống muỗi)”, nhưng ở Bắc thấy người ta dùng “màn” cho cả hai nghĩa này. Trong quan họ có bài “Con nhện giăng mùng”. Xin ông vui lòng giải thích thêm nghĩa chữ “mùng” trong bài này? Xin chép lại lời bài hát để ông tiện xem xét:
“Bỉ: Người về… để con nhện í ơ ớ ơ nó mấy giăng hự hừ mùng là giăng ứ hự mùng.
Hát: Đêm năm canh a lính tình tang là em luống chịu ớ ơ đôi í ba người ơi i hự lá hội hừ. Đêm năm canh a lính tình tang là em luống chịu í ơ ơ lạnh à lùng, cả năm Quan họ trở ra à về. Có nhớ í ơ ớ ớ ơ có nhớ chăng ố mà đến chúng em chăng, Quan họ trở ra à về. Có nhớ í ơ ớ ớ ơ có nhớ chăng ố mà đến chúng em chăng ì í i”.
Một lần nữa xin cảm ơn ông.
Tam Bách Ngưỡng (Bắc Ninh)
Học giả An Chi: Hai từ “màn” và “mùng” không có quan hệ gì về mặt từ nguyên.
“Màn” là âm xưa của chữ “mạn” [幔], có nghĩa là “màn”. Phàm các từ Hán Việt bắt đầu bằng phụ âm M- mang thanh điệu 2 (dấu huyền) thì đều là âm xưa của những từ cùng gốc mang thanh điệu 6 (dấu nặng): - “miền” trong “dân ca ba miền” là âm xưa của “miện” [面], nay đã đọc thành “diện”, có nghĩa là “phương”, “hướng”; - “mồ” trong “mồ mả” là âm xưa của “mộ” [墓] trong “mộ chí”; - “mì” trong “nhu mì” là âm xưa của “mị” trong “nhu mị” [柔媚]; v.v...
Còn “mùng” trong “mùng mền” thì bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [幪] (cũng viết không có bộ “thảo” [艹] ở trên, bên phải), mà âm Hán Việt hiện đại là “mông”. Ngoài nghĩa động từ, Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) đã ghi cho nó hai nghĩa danh từ: 1.- khăn để che đậy đồ vật; 2.- màn, trướng. Phàm các từ Hán Việt bắt đầu bằng phụ âm M- mang thanh điệu 2 (dấu huyền) thì đều là âm xưa của những từ cùng gốc mang thanh điệu 1 (không dấu): - “mà” trong “mịn mà”, “mượt mà” (mịn, mượt như được mài) là âm xưa của “ma” [摩,磨] (= mài); - “màng” trong “mùa màng” là âm xưa của chữ “mang” [忙] trong “mang nguyệt” (tháng bận rộn vì nông sự); - “mần” (= làm) là âm xưa của chữ “mân” [忞] (= gắng sức); - “mồi” trong “mồi lửa” là âm xưa của chữ “môi”
[媒] trong “hỏa môi”, thường phát âm thành “hỏa mai”; v.v... Trở lên là nói về thanh điệu; còn về vần thì - ÔNG và -UNG là những người bà con gần gũi, quen thuộc: - “cộng” [共] với “cùng”; - “động” [動] với “đụng”; - “lồng” trong “lồng chim”, “lồng bàn” với “lung” [籠] trong “lao lung”; - “nồng” trong “nồng hậu” bây giờ đọc là “nùng” [濃]; - “ngồng” trong “tồng ngồng” với “ngung” [顒] (= đầu quá to); v.v...
Trở lên là nói về “mùng” trong “mùng mền”. Còn “mùng” trong bài quan họ của bạn thì sao? Cứ như lời hát bạn đã ghi thì hiển nhiên là nó có quan hệ về mặt liên tưởng đến bài ca dao “Buồn trông”:
Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá: cá lặn, trông sao: sao mờ.
Buồn trông con nhện chăng tơ,
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao mai.
Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ?
…………………………….
So sánh ngôn từ giữa hai bên thì ta thấy “giăng mùng” trong “Con nhện giăng mùng” chính là “chăng tơ” trong “con nhện chăng tơ”. Nói toạc ra, “mùng” ở đây chính là cái “mạng nhện”, mà Hán ngữ là “tri thù võng” [蜘蛛網].
“Võng” [網] có nghĩa là “lưới, là một chữ hậu khởi, mà tiền thân là [罔]. Hai chữ này có bộ phận hài thanh là
[亡], nay đọc là “vong” nhưng vốn có phụ âm đầu M - và vốn thuộc vận bộ “dương” [陽] mà nhiều chữ đã đọc theo vần - ANG, như: “dạng” [樣], “sàng” [牀], “trang” [莊], “trạng” [狀], “vãng” [往], v.v... Với phụ âm đầu M - và vần - ANG, chữ “vong” [亡] đã hài thanh cho những chữ “mang” khác nhau: [忙,杗,杧,芒,虻 v.v…]. Vậy thì về mặt lý thuyết, chữ “võng” [罔,網], hài thanh bằng chữ “vong” [亡], cũng có thể đọc với phụ âm đầu M- và vần -ang. Còn trên thực tế thì nó đã từng được đọc thành “màng” trong “màng lưới”, “màng óc” và “mạng” trong “mạng lưới”, “mạng nhện”, “mạng che mặt”, đặc biệt là… “mạng = web”. Với phụ âm đầu V- và vần -ANG, nó từng được đọc thành “váng”: “váng nhện” ở trong Nam chính là “mạng nhện” ở ngoài Bắc còn cái mà ngoài Bắc gọi là “váng” (như trong “váng dầu”, “váng mỡ”) thì trong Nam gọi là “màng màng”. Cứ như trên thì “võng”, “váng”, “mạng”, “màng” là những điệp thức, nghĩa là những từ cùng gốc, nay dùng để chỉ những khái niệm khác nhau nhưng có liên quan xa, gần về mặt ngữ nghĩa. “Võng” vốn là tấm lưới đan thành mắt to hoặc nhỏ, túm lại ở hai đầu để mắc vào gốc cột, gốc cây hay khoen, móc mà nằm. “Váng” cũng có nghĩa gốc là lưới (váng nhện), rồi nghĩa phái sinh là cái lớp mỏng kết lại, được ví như một tấm lưới, phủ lên bề mặt một chất lỏng. “Mạng” thì cũng vốn là lưới (“mạng nhện” - “mạng che mặt”, “mạng đèn măng sông”) còn “màng” là một điệp thức tảo kỳ của “mạng” (màng lưới = mạng lưới).
Còn “mùng” trong “Con nhện giăng mùng” thì sao? Có phải cũng là một điệp thức của “màng” hay không? Chúng tôi cho là không. Như đã nói, “mùng” bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [幪], mà âm Hán Việt hiện đại là “mông”. Ở đây, ta có mối tương quan về vần “UNG - ÔNG”, như đã có nêu dẫn chứng ở trên. Còn chữ “võng” [罔,網] lẽ ra phải đọc thành “vưỡng” vì vốn thuộc vận bộ “dương” [陽] (vần “-ƯƠNG”), mà nhiều chữ đã đọc theo vần “-ANG”, như cũng đã nêu ở trên. Vậy, với “võng” (< “vưỡng”), “váng”, “màng”, “mạng”, ta có tương ứng về vần “ƯƠNG - ANG”.
Với hai mối tương ứng riêng biệt, rõ ràng về vần như trên, ta không có lý do gì để gắn “mùng” với “màng”. Ta chỉ có thể kết luận rằng, trước khi trở thành một từ của phương ngữ miền Nam tương ứng với “màn” (che, chống muỗi) của phương ngữ miền Bắc, thì “mùng” cũng đã từng được sử dụng với nghĩa đó tại vùng trung du Bắc Bộ, là cái nôi của tiếng Việt toàn dân. Dĩ nhiên cả “mùng” lẫn “màn” đều là những cái “lưới” - có ai may mùng, may màn bằng vải bít bùng, kín mít - cho nên từ “mùng” mới được dùng để chỉ cái mạng nhện trong bài “Con nhện giăng mùng” (nếu sự ghi nhận của bạn là hoàn toàn chính xác).
A.C